Sau khi Iran tối 1/10 phóng tới 180 quả tên lửa đạn đạo vào lãnh thổ Israel, Tel Aviv khẳng định chắc chắn “sẽ trả đũa một cách mạnh mẽ và gây đau đớn”. Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon tuyên bố điều đó "sẽ sớm xảy ra". Song, các nhà phân tích cảnh báo, Israel cần xem xét kỹ lưỡng vì mọi biện pháp đáp trả đều tiềm ẩn những rủi ro.
Các mục tiêu quân sự
Báo Guardian dẫn lời Fabian Hinz, một chuyên gia về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) nhận định, phản ứng trực tiếp nhất của Israel nhiều khả năng là cố gắng tấn công cụm căn cứ tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nằm ngầm dưới đất và trong một số trường hợp là "sâu dưới lòng núi"của Iran.
Mặc dù quân đội Israel có thể ném bom và phong tỏa lối vào, nhưng những căn cứ này được thiết kế để chống lại tất cả các loại thuốc nổ thông thường mạnh nhất. Theo ông Hinz, việc tấn công có thể không ngăn chặn được những vụ tập kích từ các lực lượng Tehran trong tương lai.
Giải pháp thay thế có thể là liên tục nhắm mục tiêu vào các căn cứ phòng không của Iran với quy mô lớn, bao trùm cả Tehran, Isfahan và các cảng trên Vịnh Ba Tư. Nước cộng hòa Hồi giáo được đánh giá có hệ thống phòng không tương đối yếu và dự kiến sẽ phải vật lộn để ngăn chặn tên lửa hoặc một cuộc ném bom của không quân Israel như từng xảy ra ngày 19/4.
Ngoài ra, Israel có thể thực hiện một cuộc tấn công phức tạp hơn nhắm vào hệ thống sản xuất công nghiệp quân sự của Iran, ví dụ như dùng UAV oanh tạc một nhà máy vũ khí ở Isfahan tương tự hồi tháng 1/2023.
Tuy nhiên, tất cả động thái như vậy đều có nguy cơ tính toán sai lầm, dẫn đến thương vong khôn lường.
Các cơ sở lọc dầu và hạ tầng kinh tế
Giới quan sát cho rằng, Israel có thể nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Iran. Chính Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 3/10 tiết lộ, Tel Aviv và Washington đang thảo luận về lựa chọn này.
Mục tiêu được đề cập đến nhiều nhất là cơ sở Kharg, nơi xử lý tới 90% lượng dầu thô xuất khẩu của Iran với phần lớn trong số đó được chuyển đến Trung Quốc. Một cơ sở quan trọng khác là nhà máy lọc dầu Abadan, gần biên giới với Iraq, nơi chịu trách nhiệm đáp ứng đáng kể nhu cầu nhiên liệu trong nước.
Ông Hinz đánh giá, ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran tương đối dễ bị tổn thương, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn do nhiều năm cấm vận và trừng phạt của quốc tế. Vì vậy, việc tấn công các mục tiêu kinh tế có thể để lại tác động lâu dài đối với Iran.
Câu hỏi đặt ra là, nếu Israel sử dụng biện pháp này, đây có phải cách đáp trả tương xứng với cuộc tấn công quy mô lớn bằng tên lửa từ Iran tối 1/10 hay không. Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết đã nhắm bắn các mục tiêu quân sự và 3 căn cứ không quân của Israel, dẫn đến việc căn cứ không quân Nevatim ở sa mạc Negev, miền nam Israel và trụ sở Cơ quan tình Mossad bị hư hại nhẹ. Truyền thông địa phương cũng đưa tin, một trường học ở phía đông thành phố duyên hải Ashkelon của Israel cũng bị trúng tên lửa, khiến một lớp học bị tàn phá nặng nề.
Ngoài ra, so với một cuộc tấn công tập trung vào các mục tiêu quân sự, việc Israel nhắm mục tiêu vào các cơ sở lọc dầu và kinh tế cũng nhiều khả năng kích hoạt động thái trả đũa “dữ dội hơn” từ Iran. Tham mưu trưởng quân đội Iran, Thiếu tướng Mohammad Bagheri quả quyết, nếu bị tập kích, Tehran sẽ đáp trả bằng cuộc tấn công tên lửa có cường độ, quy mô lớn hơn và “mọi cơ sở hạ tầng của Israel sẽ bị nhắm bắn".
Các vụ hạ sát có chủ đích và những biện pháp bí mật khác
Một chiến lược khác cũng được nhắc đến là Israel có thể mở rộng hơn nữa chương trình hạ sát có chủ đích ở Iran. Khả năng này của lực lượng biệt kích và tình báo Israel dường như đã được chứng minh trong vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran vào cuối tháng 7. Theo tờ New York Times, họ đã kích hoạt một thiết bị nổ được bí mật lắp đặt 2 tháng trước đó tại nhà khách, nơi ông Haniyeh lưu trú trong thời gian dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân tổng thống Iran.
Một số nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran cũng được tin đã bị Israel hạ sát, ví dụ như vụ giết chuyên gia Mohsen Fakhrizadeh bằng một khẩu súng máy điều khiển từ xa hồi tháng 11/2020.
Dẫu vậy, đối với nhiều quan chức, biện pháp này có vẻ là “phản ứng nhẹ nhàng” trước một cuộc tấn công tên lửa công khai. Bản thân Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã “thề” sẽ bắt Tehran phải "trả giá đắt".
Các mục tiêu hạt nhân
Các chuyên gia quân sự tin, Israel không thể tấn công phá hoại mạng lưới các cơ sở hạt nhân của Iran, nếu không có sự hỗ trợ quân sự trực tiếp từ Mỹ, nước đồng minh then chốt. Hai cơ sở hạt nhân trọng yếu Natanz và Fordow, nơi nước cộng hòa Hồi giáo đang làm giàu uranium với độ tinh khiết lên tới 60%, đều được xây dựng dưới lòng đất, bên dưới hàng chục mét đá và bê tông.
Một bài viết đăng tải trên Tạp chí của các nhà khoa học nguyên tử hồi tháng 4 viết: "Vũ khí thông thường duy nhất có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân ẩn sâu dưới lòng đất của Iran là bom xuyên giáp khổng lồ GBU-57A/B do Mỹ sản xuất, với trọng lượng hơn 12 tấn và dài 6 mét, chỉ có thể được vận chuyển bằng các máy bay ném bom cỡ lớn của Mỹ như B-2 Spirit".
Mặc dù Israel có thể oanh tạc các địa điểm nhỏ hơn và gây trở ngại cho chương trình phát triển hạt nhân của Iran bằng cách nhắm vào các cơ sở sản xuất có máy ly tâm phục vụ quá trình làm giàu uranium hoặc các địa điểm tương tự như vậy, nhưng động thái cũng tiềm ẩn nguy cơ trở thành động lực thúc đẩy Tehran tăng tốc nỗ lực sở hữu bom nguyên tử.
"Iran có thể coi việc vũ khí hóa chương trình hạt nhân của mình là lựa chọn duy nhất còn lại có khả năng đảm bảo an ninh cho chế độ", các tác giả bài báo nhấn mạnh.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 2/10, Tổng thống Mỹ Biden cũng bày tỏ sẽ không ủng hộ một cuộc tấn công của Israel vào các địa điểm liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Lãnh đạo Nhà Trắng cũng thúc giục Tel Aviv phản ứng ôn hòa hơn, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế để tránh xung đột lan rộng khắp Trung Đông.