- TQ ngang nhiên tuyên bố rằng những hoạt động nạo vét và bồi đắp của nước này tại quần đảo Trường Sa chỉ đơn giản là để bắt kịp các hoạt động cải tạo đảo trước đó và vẫn đang tiếp tục của Việt Nam, Philippines. Luận điểm này vướng phải nhiều ý kiến phản đối.

Thứ nhất, hoạt động cải tạo của Việt Nam, Philippines không tiến hành trên các bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay các cấu tạo ngầm, điều này khác với TQ về mặt tính chất.

Một học giả đã khẳng định rằng các hoạt động của Việt Nam, Philippines được tiến hành trên các thực thể là đảo thực sự, nhằm chống lại sự xói mòn do tự nhiên gây ra, không đe dọa đến hòa bình và ổn định của khu vực, chứ không nhằm mục tiêu thay đổi bản chất các thực thể [từ không phải là đảo] thành đảo.

Thứ hai, hoạt động cải tạo của Việt Nam, Philippines cũng khác với TQ về quy mô. Philippines đã xây một đường băng trên đảo Thị Tứ (Pagasa), hòn đảo lớn thứ hai của quần đảo Trường Sa, từ những năm 1970.

Thứ ba, những báo cáo gần đây cho thấy TQ đã có những cảnh báo yêu cầu các tàu bay quân sự nước ngoài đang hoạt động hợp pháp trên vùng trời quốc tế phải rời vùng [mà họ gọi là - ND] “cảnh báo quân sự” gần những bãi đá. Điều này hoàn toàn không hề xảy ra với những bên còn lại đã từng có hoạt động cải tạo.

{keywords}

Tàu TQ cải tạo đất trái phép trên một rạn san hô ở Biển Đông. Ảnh: Reuters

TQ đã không tuân thủ DOC

Trong văn kiện DOC không có tính ràng buộc này, được TQ và các nước ASEAN ký kết năm 2002, trong đó có Philippines, có một số điều khoản như sau:

3. Các bên khẳng định lại sự tôn trọng và cam kết của mình đối với tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển và vùng trời phía trên Biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc của luật quốc tếđã được công nhận toàn cầu, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.

5. Các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, trong đó bao gồm cả việc không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng.

8. Các bên cam kết tôn trọng những điều khoản của Tuyên bố này và tiến hành những hành động phù hợp với những điều khoản đó.

Như vậy, rõ ràng TQ đã không tuân thủ theo những điều khoản của DOC. Tuy nhiên, nhằm phủ định thẩm quyền của Toà trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và TQ, bản tuyên bố lập trường của TQ được đưa ra ngày 7/12/2014 đã khẳng định rằng DOC có tính ràng buộc pháp lý với Philippines, bên cạnh những cam kết song phương khác giữa hai nước.

Với lý lẽ này thì với những hành động nạo vét và bồi đắp tại Trường Sa trong thời gian vừa qua, TQ đã vi phạm các cam kết có tính ràng buộc pháp lý của mình được thiết lập bởi DOC cũng như nghĩa vụ hành xử một cách thiện chí. Cũng cần lưu ý rằng các hoạt động cải tạo được tiến hành bởi Việt Nam, Philippines đều diễn ra trước khi DOC được ký kết.

Tác động đến phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Philippines - TQ

Trong bản Thông báo và Tuyên bố khởi kiện gửi đến Tòa Trọng tài thường trực (PCA), Philippines yêu cầu Tòa trọng tài:

  • Tuyên bố rằng bãi Vành Khăn là những thể địa lý ngầm thuộc thềm lục địa của Philippines theo phần VI của UNCLOS:
  • Yêu cầu TQ chấm dứt việc chiếm đóng cũng như xây dựng trên bãi Vành Khăn;
  • Tuyên bố rằng bãi Gaven và bãi Xu bi là những thể địa lý ngầm trên Biển Đông và không nổi trên mặt nước khi thủy triều lên nên không phải là đảo theo UNCLOS, cũng như không nằm trên thềm lục địa của TQ, và rằng việc TQ chiếm đóng và xây dựng trên các cấu trúc này là bất hợp pháp;
  • Yêu cầu TQ chấm dứt việc chiếm đóng cũng như xây dựng trên bãi Gaven và bãi Xu bi;
  • Tuyên bố rằng trừ một số các mỏm nhỏ nhô lên trên mặt nước ở triều cao là “đá” theo điều 121(3) của UNCLOS và do vậy chỉ có lãnh hải không quá 12 hải lý, các bãi Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập là các thể địa lý ngầm chìm dưới mực nước biển khi thủy triều lên và rằng TQ đã đưa yêu sách bất hợp pháp về vùng biển vượt ra ngoài 12 hải lý từ những thực thể này.

Hành động nạo vét và bồi đắp các bãi đá này của TQ đã khiến cho toà trọng tài không thể đánh giá một cách trực tiếp bản chất địa chất tự nhiên của những thực thể này. Hành động này hẳn sẽ không được các thành viên toà trọng tài tán thành.

Trong Án lệnh đối với yêu cầu của Malaysia về các biện pháp tạm thời trong vụ Cải tạo đất trong vịnh Johor, Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS) đã ghi rằng “các bên có nghĩa vụ không làm trầm trọng thêm tranh chấp” và rằng “các bên có nghĩa vụ không làm cho tình hình trở nên bế tắc và đặc biệt không làm vô hiệu hóa mục đích của tòa trọng tài”.

Sự phục tùng luật môi trường quốc tế trong các hoạt động lấn biển tạo đảo của TQ

Bộ Ngoại giao TQ đã từng khẳng định rằng hoạt động lấn biển tạo đảo của nước này “là hợp pháp… [và] không phương hại hay nhằm vào bất kỳ quốc gia nào, và do vậy không thể bị chỉ trích”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ thêm rằng:

Các công trình xây dựng trên các đảo và đá đã qua các đánh giá và kiểm tra chặt chẽ về mặt khoa học. Chúng tôi coi trọng việc bảo vệ môi trường ngang với việc xây dựng bằng cách tuân theo những tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường và xem xét đầy đủ các yếu tố về bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Môi trường sinh thái tại Biển Đông sẽ không bị xâm hại. Chúng tôi sẽ tiến hành các bước tiếp theo trong thời gian tới để giám sát và bảo tồn môi trường sinh thái của các vùng nước, các đảo và đá san hô có liên quan.

Nhiều chuyên gia tỏ ra không đồng tình với khẳng định này của TQ. Chẳng hạn, có một báo cáo đã nêu rõ:

Việc TQ hút cát từ đáy biển và các rạn đá san hô trong quần đảo Trường Sa đã phá vỡ một hệ sinh thái biển vốn đã mong manh. Khu vực này, nơi chứa đựng những hệ sinh thái rạn san hô có giá trị nhất tại khu vực Đông Nam Á, từ lâu đã được biết đến như là một kho tài sản quý giá về tài nguyên sinh vật biển. Các loài cá đẻ trứng và sinh sống trong các rạn san hô có nguy cơ bị suy giảm trầm trọng, là mối đe dọa lớn đến cuộc sống của khoảng 1,9 tỷ người tại đây.

Liên quan đến vấn đề này, luật quốc tế đã có những quy định tương đối rõ ràng về trách nhiệm của các quốc gia. Các quốc gia có nghĩa vụ thi hành những biện pháp cần thiết để bảo vệ và gìn giữ các hệ thống sinh thái hiếm hoi hay mỏng manh cũng như điều kiện cư trú của các loài và các sinh vật biển khác đang suy thoái, có nguy cơ hay đang bị hủy diệt. Các quốc gia cũng có nghĩa vụ thực hiện đánh giá tác động môi trường và thông báo những kết quả đó.

Tòa án công lý quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết rằng “các quốc gia có trách nhiệm bảo đảm về các hoạt động thuộc quyền tài phán và kiểm soát có liên quan đến môi trường hoặc các quốc gia khác hoặc các khu vực nằm ngoài sự kiểm soát của quốc gia đó. Đây cũng là một nghĩa vụ chung theo luật môi trường quốc tế".

Ý kiến này cũng nhận được sự tán thành của Phòng Tranh chấp đáy thuộc Tòa án quốc tế về Luật biển ITLOS. Tuy nhiên, cho đến giờ, TQ vẫn chưa đưa ra được bản đánh giá của mình [về tác động môi trường của những hoạt động lấn biển tạo đảo tại quần đảo Trường Sa - ND].

Tác giả J. Ashley Roach là thành viên của Hiệp hội Luật quốc tế Hoa Kỳ (ASIL), Chỉ huy hải quân Hoa Kỳ (đã nghỉ hưu), Tư vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (đã nghỉ hưu). 

Dịch: Việt Cường - Minh Trang (cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông)