Cuộc hội đàm trực tuyến ngày 7/12 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin diễn ra giữa lúc quan hệ song phương đang có nhiều sóng gió. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận một loạt chủ đề nóng, bao gồm ổn định chiến lược, an ninh mạng cùng các vấn đề khu vực.

{keywords}
Hai ông Joe Biden và Vladimir Putin đã nhiều lần gặp gỡ nhau. Ảnh: AP

Giới phân tích nhận định, vấn đề nổi cộm nhất tại hội đàm Biden - Putin sẽ là Ukraina, với việc Nga điều quân tới vùng biên giới giáp quốc gia láng giềng khiến Mỹ và các nước châu Âu nghi ngờ Moscow đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Điện Kremlin bác bỏ lo ngại đó, khẳng định Washington và Kiev mới là phía khuấy đảo tình hình.

Theo New York Times, Tổng thống Biden có thể sẽ đề nghị xuống thang căng thẳng ngoại giao về xung đột ở Ukraina nhưng vẫn sẽ cảnh báo nếu ông Putin ra lệnh cho quân đội tấn công Ukraina, các đồng minh phương Tây có thể sẽ hành động nhằm loại bỏ Moscow khỏi hệ thống tài chính quốc tế và đưa ra các đòn trừng phạt trực tiếp nhằm vào các phụ tá thân cận của ông.  

Chủ đề Ukraina có lẽ sẽ là phép thử mạnh mẽ nhất đối với ông Biden, chính trị gia 78 tuổi có ảnh hưởng lớn và am hiểu chính sách đối ngoại.

Tại Lầu Năm Góc ngày 6/12, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin đã triệu tập các quan chức quân sự và dân sự hàng đầu, trong đó có tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, và tướng Tod D. Wolters, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, để thảo luận về việc Nga tăng cường quân.

Cùng ngày, tướng Milley đã có cuộc gặp trực tuyến với những người đồng cấp trong NATO để thảo luận về cuộc khủng hoảng.

Trước cuộc hội đàm với ông Putin, Tổng thống Biden đã gọi điện cho người đồng cấp Ukraina Volodymyr Zelensky. Ông cũng trao đổi qua điện thoại với lãnh đạo các nước Pháp, Đức, Anh và Italia, và họ nhất trí sẽ theo đuổi cách tiếp cận ngoại giao trong vấn đề này.

Theo hãng tin AP, phía Tổng thống Nga cũng có các đề nghị của riêng mình: Một sự đảm bảo có tính ràng buộc rằng Ukraina sẽ không gia nhập NATO và liên minh phương Tây sẽ không triển khai thêm lực lượng tới các nước gần Nga.

"Tôi muốn làm rõ điều đó: Biến các nước láng giềng của chúng tôi thành đầu cầu cho sự đối đầu với Nga, và triển khai các lực lượng NATO ở những vùng quan trọng về mặt chiến lược đối với an ninh của chúng tôi, là điều không thể chấp nhận được", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói như vậy hồi tuần trước, lặp lại lời của ông Putin.

Tuy nhiên, trên thực tế, có rất ít triển vọng Ukraina có thể được mời sớm gia nhập liên minh quân sự này.

Cuộc hội đàm trực tuyến Biden – Putin dự kiến diễn ra vào trưa 7/12 (theo giờ Mỹ). Trước đó, hai ông đã nhiều lần gặp gỡ, bao gồm cuộc gặp mặt trực tiếp tại Điện Kremlin năm 2011 khi ông Biden là Phó Tổng thống Mỹ trong chính quyền Barack Obama còn ông Putin là Thủ tướng Nga. Năm 2014, họ gặp nhau ở Geneva, Thụy Sĩ. Gần đây nhất, hai nhà lãnh đạo gặp gỡ vào tháng 6/2021, cũng tại Geneva. 

Giới chuyên gia nhận định, chưa rõ cuộc gặp qua video giữa hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ diễn ra thế nào nhưng rõ ràng Nga đang có cơ hội tốt để buộc Mỹ phải đàm phán về mối lo ngại cốt lõi của nước này, đó là sự mở rộng của NATO. Nhà phân tích chính trị Nga Fyodor Lukyanov nhận định hai bên có thể không đạt được sự đồng thuận cụ thể, nhưng cũng sẽ không thù địch nhau nếu hội đàm không đạt kết quả.

Đọc bình luận quốc tế trên VietNamNet 

Thanh Hảo

Moscow cảnh báo tin giả làm phức tạp hội đàm Biden - Putin

Moscow cảnh báo tin giả làm phức tạp hội đàm Biden - Putin

Điện Kremlin tuyên bố, cuộc hội đàm trực tuyến hôm nay (7/12) giữa hai tổng thống Mỹ - Nga diễn ra ở thời điểm vô cùng "phức tạp" và tin tức bịa đặt càng trầm trọng hóa căng thẳng song phương.