Câu chuyện của họ luôn là những tấm gương, là minh chứng cho thấy tình yêu thương, sự sẻ chia không vụ lợi luôn tồn tại trong cuộc sống.
Chàng trai tắm gội, thay tã cho các F0
Hà Ngọc Trường - chàng trai tình nguyện ở lại bệnh viện để chăm sóc cho các F0 suốt 5 tháng trời. |
Hà Ngọc Trường, 29 tuổi, sau khi thoát khỏi “cửa tử” của Covid-19 đã tình nguyện ở lại chăm sóc bệnh nhân F0 suốt 5 tháng trời.
Cả gia đình 5 người của Trường dương tính với Covid-19 nhưng may mắn lần lượt khỏi bệnh, chỉ riêng mẹ anh là mãi mãi ra đi. Nén lại nỗi đau mất mẹ, Trường vẫn kiên trì ở lại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi (TP.HCM) để chăm sóc hàng trăm người bệnh như người thân của mình.
Hằng ngày, Trường dọn vệ sinh phòng, tắm rửa, vệ sinh, cho bệnh nhân ăn để bớt gánh nặng cho các nhân viên y tế. Nhiều bệnh nhân được tắm rửa, gội đầu cảm thấy sảng khoái, xúc động trước tấm lòng của anh. Có người thậm chí còn nói rằng người thân ở nhà cũng chưa bao giờ chăm sóc mình chu đáo đến thế.
Trường bảo, anh coi bệnh nhân như người thân của mình. |
Trường bảo, từng là một bệnh nhân, anh thấu hiểu được những khó chịu, lo lắng của người bệnh hơn ai hết. Anh cũng chứng kiến cường độ làm việc của các nhân viên y tế mỗi ngày, biết ơn sự hi sinh của họ. Đó là lý do Trường tình nguyện ở lại chăm sóc cho các F0 sau khi mình đã khỏi bệnh. Trường chỉ xót xa vì chưa kịp báo hiếu cho mẹ một lần. Thời khắc mẹ đau bệnh, một mình chống chọi với căn bệnh đáng sợ, anh cũng không được ở bên, chăm sóc. Tuy vậy, Trường đã biến những đau thương ấy thành động lực để giành giật sự sống cho các bệnh nhân khác.
‘Người hùng’ của người nghèo Sài Gòn
Phạm Tùng Lâm (hay còn gọi là Lâm "ống húc") được cộng đồng biết đến với hình ảnh một chàng trai bụi bặm có tấm lòng nhân ái. |
Dép lào, quần soọc, tóc búi, đi xe cub là những đặc điểm nhận dạng không lẫn vào đâu được của Lâm “ống húc” (Phạm Tùng Lâm), 30 tuổi – chàng trai có tấm lòng nhân ái với người nghèo.
Trong thời điểm Sài Gòn gồng mình chống dịch, Lâm đã cùng với những người bạn của mình rong ruổi chiếc xe máy đi phát từng chiếc bánh mỳ, từng suất cơm bụi, chai nước suối cho người lao động nghèo trên đường phố. Mỗi ngày, Lâm trao tặng tới hàng trăm phần quà, chi phí từ cả tiền túi của anh lẫn được các nhà hảo tâm tài trợ.
Lâm 'ống húc' dù chưa giàu nhưng vẫn hết lòng sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. |
Tình yêu thương của Lâm dành cho người nghèo xuất phát từ chính cuộc đời anh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, nằm giữa xóm lao động, từ nhỏ Lâm đã được đùm bọc bởi chính những người cùng cảnh ngộ. Những chiếc bánh mỳ bẻ đôi, những suất cơm chia nửa là hình ảnh anh nhớ mãi không bao giờ quên. Biết ơn sự sẻ chia đó, Lâm lớn lên với tâm niệm “phải cho đi để trả ơn cuộc đời”.
Là chủ một xưởng thiết kế đồ gỗ nhỏ, Covid-19 cũng khiến công việc làm ăn của anh khó khan như bao người khác. Nhưng không vì thế mà anh dừng lại công việc thiện nguyện mình đã làm bấy lâu nay. Ngược lại, anh cho rằng chính lúc này, những người lao động nghèo mới cần sự sẻ chia của cộng đồng hơn bao giờ hết.
Lái xe dọc đất nước vận chuyển người bệnh
Hai bố con Minh Trí tình nguyện chở người bệnh khắp các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc. |
Cùng với cha là Đặng Tri Thông, Đặng Minh Trí (24 tuổi, quê Quảng Bình) đã lái xe cứu thương dọc đất nước, vận chuyển người bệnh đến bệnh viện điều trị.
Cuối tháng 5/2021, Trí quyết định vượt hơn 500km từ Đồng Hới (Quảng Bình) ra Bắc Giang, chung tay chống dịch vào thời điểm địa phương này khó khăn nhất.
Sau Bắc Giang, Trí lại tiếp tục lái xe sang Bắc Ninh hỗ trợ các đơn vị chống dịch. Tiếp đó, anh lại lên đường vào Nam, hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân và truy vết F0 tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Bình.
Trong quá trình vận chuyển bệnh nhân, chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, Trí còn kêu gọi, vận động mọi người hỗ trợ lương thực cùng các vật dụng thiết yếu cho các trường hợp này. Anh và bố lại cùng nhau tranh thủ giờ nghỉ ngơi đến từng ngõ ngách trao tặng cho người dân.
Ghi nhận những đóng góp của chàng trai 24 tuổi, Trung ương Đoàn đã vinh danh Đặng Minh Trí là 1 trong 10 cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Cô gái tặng xe máy cho người nghèo
Nguyễn Tường Vi chi 100 triệu đồng tặng 5 chiếc xe máy cho người nghèo. Ảnh: Vương Trần |
Đầu tháng 11/2021, Nguyễn Tường Vi (29 tuổi) – một chủ doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm ở quận Hải Châu, Đà Nẵng đã quyết định dùng số tiền 100 triệu đồng mua tặng 5 chiếc xe máy cho 5 hoàn cảnh khó khăn.
Vi chia sẻ, khoản tiền 100 triệu đồng này là món quà mẹ cô tặng nhân dịp sinh nhật. Nhưng năm nay, cô nghĩ rằng nó sẽ ý nghĩa hơn nếu được sử dụng để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong bối cảnh đại dịch.
Nghĩ là làm, Vi đã tự mình đi tìm hiểu hoàn cảnh của một số người lao động ở Đà Nẵng để trao tặng món quà vào đúng ngày sinh nhật mình.
Được biết, trước đó, Vi cũng từng có nhiều hoạt động thiện nguyện có ý nghĩa như: tài trợ chính cho 10 chuyến xe đưa người lao động từ miền Nam về quê, tặng chiếc lò nướng bánh chuyên nghiệp cho một thợ làm bánh khuyết tật.
Cô tâm sự muốn sau này có điều kiện “cho đi” nhiều hơn nữa, tuy nhiên để làm được điều đó, cô sẽ nỗ lực làm việc chăm chỉ, “chứ không thể lấy tiền của gia đình để làm từ thiện mãi”.
Cô gái lai 19 tuổi lao vào điểm 'nóng'
Shikita chia sẻ rằng, việc giúp đỡ cộng đồng khiến cô trưởng thành hơn, biết sống có trách nhiệm với bản thân hơn. |
Võ Kim Shokita, 19 tuổi là một trong số hàng nghìn tình nguyện trẻ đã tham gia công tác chống dịch trên cả nước trong năm vừa qua.
Là cô gái lai Việt – Thái, sinh ra và lớn lên ở TP.HCM trong một gia đình có thể coi là có điều kiện kinh tế, song Shokita không nề hà gian khổ, hiểm nguy. Suốt mấy tháng trời, cô xông pha vào những điểm “nóng” ở TP.HCM, thường xuyên tiếp xúc với những người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Công việc trực chốt, lấy mẫu xét nghiệm, phát quà hỗ trợ của cô kéo dài từ buổi sáng cho tới nửa đêm. Mỗi ngày trở về nhà là một ngày cơ thể mệt nhoài nhưng sáng hôm sau, với sức trẻ và nhiệt huyết của một cô gái 19 tuổi, Shokita lại tiếp tục lên đường.
Trong suốt quãng thời gian làm tình nguyện viên, Shokita có nhiều trải nghiệm: xúc động, thương yêu, và cả tủi thân, bật khóc. Nhưng sau tất cả, cô không hối hận về những gì mình đã làm. Những trải nghiệm đã qua đều mang lại cho cô những bài học, sự trưởng thành và tinh thần sẻ chia trong hoạn nạn. Shokita cũng từ đó mà biết sống có trách nhiệm hơn với bản thân và tích cực hơn trước cuộc đời.
Nguyễn Thảo
4 cặp đôi 'nên duyên' nhờ cùng đi tình nguyện chống dịch
Trong khoảng thời gian tình nguyện tham gia công cuộc phòng, chống Covid-19, có những bạn trẻ không chỉ góp sức đẩy lùi dịch bệnh, mà còn tìm được tình yêu của mình.