59 tuổi, NSND Như Quỳnh vẫn miệt mài với điện ảnh. Chỉ cần nhận được một vai diễn có màu sắc, là người nghệ sĩ ấy gác lại mọi chuyện để lên đường...

Không vồn vã cũng chẳng mấy gần gũi là cảm giác đầu tiên khi tôi tiếp xúc với Như Quỳnh. Ban đầu, những chia sẻ của cô cũng rất e dè và giới hạn, thế nhưng càng về sau, người nghệ sĩ ấy càng say sưa hơn khi nói về các vai diễn và những trải nghiệm trong cuộc sống đã qua.

{keywords}

Như Quỳnh tiếp chúng tôi trong nhà riêng rất gọn gàng, đậm chất Hà Nội trên phố Hàng Đào

Như Quỳnh bắt đầu làm quen với nghề diễn từ ngày còn rất bé. Cô nhớ lại: " Nhà tôi có ba đời làm nghề sân khấu. Ông ngoại, mẹ và cụ tôi là thầy dạy cho các diễn viên sân khấu cải lương. Trước khi vào điện ảnh, tôi học trung cấp nghệ thuật Hà Nội, khóa đầu tiên của trường, khoa cải lương. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1972, tôi về đoàn cải lương Chuông Vàng, giờ là nhà hát kịch Hà Nội.

{keywords}

Như Quỳnh cùng với mẹ là nghệ sĩ cải lương Kim Xuân

{keywords}

Ngay từ nhỏ nghệ sĩ Như Quỳnh đã được tiếp cận với sân khấu và nghệ thuật

"Vai diễn đầu tay của tôi là vào năm 19 tuổi, khi ấy cố đạo diễn Nông Ích Đạt đang đi tìm nhân vật cô gái Lào trong phim 'Hai bà mẹ'. Không biết do ai giới thiệu, phó đạo diễn của bác Đạt đã đến gặp tôi xin ảnh. Sau khi xem, đạo diễn Nông Ích Đạt sung sướng lắm vì tôi mắt một mí, trông giống người Lào quá. Ngay lập tức, ông đã mời tôi vào phim nhưng cuối cùng vì sức khỏe yếu, đạo diễn đã chuyển kịch bản cho bác Khắc Lợi và tôi đã được thay thế bằng một diễn viên khác. May mắn là ở thời điểm đó, đạo diễn Trần Đắc cũng đang đi tìm diễn viên cho phim 'Bài ca ra trận'. Khi nhìn ảnh của tôi, ông đã quyết định mời tôi vào vai y tá Mai.

Lúc ấy, tôi chưa bị máu của sân khấu tiêm nhiễm nhiều nên diễn xuất trong điện ảnh vẫn rất dung hòa, chứ không mang tính sân khấu nhiều. Năm 1974 tôi lại tham gia phim 'Đến hẹn lại lên', 1976 tôi lại làm 'Ngày lễ Thánh' của cố đạo diễn Bạch Diệp, 1978 là 'Mối tình đầu' và năm 1980 tôi chính thức chuyển sang làm diễn viên điện ảnh. Trong năm đó, tôi tham gia hai phim 'Hy vọng cuối cùng' và 'Hà Nội mùa chim làm tổ'. Nhờ được tham gia nhiều phim, tuổi nghề của tôi trở nên dày dặn. Có thể nói bước đường tôi đi rất thuận lợi".

{keywords}

Thời thanh xuân của nghệ sĩ Như Quỳnh

Ngày còn làm ở đoàn cải lương Chuông Vàng, vì bỏ đoàn đóng phim nhiều quá nên đoàn không cho Như Quỳnh đi. "Thời ấy, đạo diễn Bạch Diệp đã phải dẫn tôi lên Bộ văn hóa để xin công văn về Sở văn hóa cho phép tôi tham gia đóng phim".

Hết mình với phim ảnh đến thế nhưng phải ở đoàn cải lương 10 năm, nghệ sĩ Như Quỳnh mới quyết định chuyển hẳn.

"Năm 1980, tôi lấy nhà tôi. Nhà chồng tôi có bốn anh trai đều làm về điện ảnh nên các anh đã khuyên tôi nên chuyển về làm điện ảnh vì sân khấu cải lương bị hạn hẹp và khó có sự phát triển lớn. Thêm vào đó, điện ảnh rất thú vị, diễn là trong bối cảnh thật chứ không phải trên sân khấu. Vì thế, tôi đã nghe theo lời khuyên của các anh bên nhà chồng để trở thành diễn viên điện ảnh.

{keywords}

Nghệ sĩ Như Quỳnh trong một vai diễn

Lẽ dĩ nhiên công cuộc chuyển đổi cũng vô cùng vất vả. Tôi làm đơn gửi về Sở văn hóa thì không được chấp nhận. Lúc ấy, giám đốc ở bên hãng phim truyện đã khuyên tôi hãy nghỉ việc để sang bên này. Tôi nghe theo và lập tức được nhận vào hãng phim ngay nhưng kèm theo đó là một cái trát của Sở văn hóa gửi về các đoàn để nói về trường hợp của tôi và đề nghị các đoàn khác không được nhận.

Trong giai đoạn đó, tôi cũng rất sợ nhưng lúc ấy mình đã tham gia rất nhiều phim và cũng đã đạt giải. Thêm vào đó là hãng phim truyện thuộc Bộ văn hóa chứ không phải là Sở văn hóa nên mọi sóng gió cũng nhanh chóng qua đi".

Quyết định chuyển từ cải lương sang điện ảnh là một bước ngoặt táo bạo đối với Như Quỳnh, nhất là khi cô luôn ý thức được bố mẹ mình cũng hy vọng con gái sẽ nối nghiệp gia đình.

{keywords}

Nghệ sĩ Như Quỳnh trong trang phục của nghệ sĩ Cải lương

"Cải lương là nghề của bố mẹ còn tôi không có chất giọng khỏe, không rạng rỡ như những diễn viên khác. Tất nhiên bố mẹ luôn muốn tôi theo nghề nhưng cũng biết nghề cải lương không được mở rộng và thăng hoa như điện ảnh. Thứ hai nữa, tôi thích điện ảnh là bởi sự thay đổi về tính cách nhân vật cũng như sự thể hiện trong từng bối cảnh. Đó là đặc trưng mà sân khấu không thể có được.

Tôi vẫn còn nhớ khi tôi được tham gia 'Đến hẹn lại lên', chính mẹ là người đã dẫn tôi đến gặp giáo sư Hoàng Như Mai để tìm hiểu về người phụ nữ Kinh Bắc. Đó là điều khiến tôi nhận ra rằng mẹ cũng muốn tôi theo nghiệp phim ảnh.

"Hồi quay đến hẹn lại lên, có cảnh cô gái bị kéo ra ngoài để đón dâu trong khi mẹ cô vừa mới chết. Xong cảnh đó, suốt dọc đường đi về nhà nghỉ, tôi vẫn khóc như mưa như gió vì không thoát khỏi tâm trạng của cô Nết. Nhưng đó là khi còn trẻ thôi, còn bây giờ khi đã xác định xong cảnh quay là mình phải tỉnh táo lại để chuẩn bị cảnh khác nữa".

{keywords}

Nghệ sĩ Như Quỳnh trong ngày cưới

{keywords}

Nghệ sĩ Như Quỳnh lập gia đình với nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo (em trai của nhà quay phim, Nghệ sỹ Nhân dân Hữu Tuấn và đạo diễn Hữu Luyện) và có 2 con gái.

{keywords}

Nghệ sĩ Như Quỳnh và chị gái

Đối với Như Quỳnh, không cứ phải là vai lớn cô mới gật đầu. Chỉ cần nhân vật có màu, có tính cách rõ ràng, cô rất ít khi từ chối. "Khi Vũ Ngọc Đãng làm bộ phim đầu tay 'Những cô gái chân dài', ban lãnh đạo của hãng phim Thiên Ngân đã giới thiệu tôi vào vai người đàn bà bán ve chai ở đường phố. Nhân vật này luôn ước mong đứa con gái trở nên nổi tiếng nhưng cũng giằng xé vì sợ mất con. Cuối cùng, trong cơn hoảng loạn bà đã hất chảo dầu vào con gái để hủy hoại nhan sắc của cô với mục đích luôn giữ con cạnh bên mình. Nhân vật này được lấy ra từ một câu chuyện hoàn toàn có thật thế nên, sau khi đóng xong cảnh đó, đoàn làm phim đã mời gia đình của nhân vật đến xem. Đáng tiếc là họ đã xin cắt đi cảnh hất chảo dầu vì thế nhân vật của tôi đã không để lại ấn tượng nào.

Tuy nhiên, tôi vẫn còn nhớ sau khi xem tôi đóng xong cảnh quay đó, những người mẫu như Anh Thư, Xuân Lan, Thanh Hằng... cứ há hốc mồm và hỏi: 'Cô ơi, cô lấy cảm xúc ở đâu thế? Khi xem cô diễn, cháu cứ nổi hết cả da gà'. Lúc ấy, tôi cũng trả lời: 'Đơn giản là mình đặt cái tôi vào nhân vật và quên hết tất cả mọi thứ xung quanh".

"Diễn viên điện ảnh phải quên đi tất cả mọi thứ, bạn phải diễn ngoài đường, trước ống kính và hàng trăm người đứng chung quanh xem. Nếu như còn ngượng ngùng, còn để ý đến người khác thì không bao giờ thể hiện được vai diễn. Bỏ hết mọi thứ đi, chỉ có mình sống với nhân vật thôi.".

Không chỉ "làm mưa làm gió" trên màn ảnh Việt, nghệ sĩ Như Quỳnh còn là cái tên được rất nhiều đạo diễn nước ngoài nghĩ đến.

{keywords}

"Phim quốc tế đầu tiên tôi tham gia là 'Ngọn tháp Hà Nội', trong phim vào vai một người phụ nữ Hà Thành sang trọng, có chồng tham gia Việt Minh. Đối với tôi, vai diễn đó như một tấm hộ chiếu để tôi đến với các phim quốc tế khác".

"Bình thường làm những phim quốc tế thì có phiên dịch nhưng cuối năm ngoái, tôi phải thoại bằng tiếng Anh khi tham gia bộ phim dựa trên một câu chuyện hoàn toàn có thật ở Ireland. Ban đầu, tôi được giới thiệu vào vai người đàn bà bán thuốc lá dạo nhưng khi đọc kịch bản, tôi lại cảm thấy rất thích thú với vai diễn bà giám đốc trung tâm trại trẻ em cơ nhỡ.

Theo yêu cầu của phía tuyển diễn viên, tôi chỉ cần chụp những hình ảnh của một người phụ nữ bán thuốc lá dạo với lối ăn mặc tuềnh toàng và ánh mắt bất cần. Thế nhưng, tôi đã quyết định mượn thêm phục trang để vào vai bà giám đốc. Điều đáng nói là tôi biết chắc chắn sau khi xem ảnh, tôi sẽ được chọn vào vai diễn thứ hai và quả thật mọi chuyện đã diễn ra như thế.

Thật sự khi vào một vai diễn đòi hỏi phải thoại bằng tiếng Anh từ đầu đến cuối là điều rất khó khăn. Chị tôi, một giáo viên tiếng Anh, đã giúp đỡ tôi rất nhiều nhưng tự thân tôi cũng phải rất cố gắng. Tôi thu vào điện thoại và suốt ngày đọc đi đọc lại cho thuộc vì trong khi quay phim, đến đoạn nào thì lời thoại phải chính xác đến đó. Lúc ấy, người diễn viên không có thời gian để nghĩ đến thoại nữa vì nếu làm thế sẽ hỏng phần diễn. Phim nước ngoài khó ở chỗ đó nhưng rất may tôi làm xong, đạo diễn đã rất hài lòng. Đó là kỷ niệm in đậm nhất trong tôi khi làm phim với các đoàn nước ngoài".

{keywords}

Như Quỳnh là một trong những diễn viên hiếm hoi không bị đóng khung trong bất cứ hình tượng nhân vật hay lối diễn xuất nào. Có khi khán giả thấy cô vào vai một người phụ nữ hiền lành, nhân hậu nhưng cũng có khi lạnh lùng đến đáng sợ như vai bà trùm trong bộ phim Xích lô.

"Trước 'Xích lô', tôi thường vào vai những người phụ nữ bị đàn áp, luôn trong tâm thế phải nhẫn nhịn. Khi vợ chồng đạo diễn Trần Anh Hùng mang phim 'Mùa đu đủ xanh' về chiếu ở Hội điện ảnh và đến quán nhà tôi ngồi uống nước, tôi vẫn còn đang chửa con gái thứ hai. Sau khi về, đạo diễn viết kịch bản 'Xích lô' và mời tôi vào vai bà trùm của băng đảng. Có lẽ khi ngồi với tôi, đạo diễn đã bắt được cái thần và biết được tôi có thể đảm nhận những vai diễn khác hẳn với vẻ bề ngoài.

Ở thời điểm ấy, tất cả những vai phản diện ở Việt Nam đều lấy mặt kiểu mũi bặm trợn, gào thét để thể hiện nhưng với Trần Anh Hùng, không phải như thế. Khi tôi quay cảnh đầu tiên, bà trùm ngồi ở giường đếm tiền, mặt tôi trợn lên và nói rất to. Lúc ấy đạo diễn đã gạt đi và nói: ‘Không, chị cứ bình thường, mặt rất lạnh, không thể hiện, không cảm xúc gì hết’. Không cần thể hiện nhiều nhưng cái đó mới là cái khó. Qua phim đó, tôi vững vàng lên rất nhiều".

{keywords}

Thời thiếu nữ của nghệ sĩ Như Quỳnh

Yêu nghề, cống hiến cả cuộc đời cho môn nghệ thuật thứ bảy nên hơn ai hết, Như Quỳnh hiểu rõ nền điện ảnh Việt Nam vẫn còn nhiều khuyết điểm, nhất là ở thời điểm sắc được đặt lên trên tài trong các bộ phim điện ảnh ăn khách.

"Khi người ta lấy sắc đẹp, hình thể để tải nhân vật thì mặt tâm lý vơi đi là điều hiển nhiên. Có khi đạo diễn cũng chính là người không đòi hỏi sự sâu sắc hay đa chiều của từng tính cách nhân vật. Thậm chí đạo diễn còn không biết làm việc, khơi gợi để diễn viên thể hiện cảm xúc tốt".

Đến độ tuổi này, tôi mới thực sự chín về tuổi nghề, đủ trải nghiệm và may mắn là không bị quá già, sắc không bị xuống quá. Tôi vẫn có thể đóng những nhân vật bà mẹ nhưng không phải bà mẹ nhà quê lam lũ, chỉ những kịch bản phim sâu sắc, đa chiều thì đạo diễn mới thích mời.

Vừa rồi tôi mới làm một bộ phim của đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà. Trong phim, tôi sắm vai một người mẹ, một người vợ, một người mẹ chồng trong gia đình. Người phụ nữ này có tâm lý rất nhiều màu sắc. Nhà khá giả nhưng luôn luôn lấn lướt chồng con, luôn luôn có ý nghĩ chỉ đạo người khác kể cả trong công việc xã hội nữa. Trong thời gian làm 35 tập phim này, tôi đã rất căng thẳng và phải vận dụng nghiệp vụ rất nhiều. Thật sự đối với những vai diễn như thế thì phải đến độ tuổi này, tôi mới dám thể hiện".

Sự thành công của Như Quỳnh ngày hôm nay một phần cũng nhờ bóng dáng của người đàn ông luôn kề vai sát cánh trong cuộc đời, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo.

"Ngày xưa, anh trai của anh Bảo quen với chị gái tôi. Khi anh ấy sang chơi với chị tôi thì cậu em đi cùng. Thời ấy, tôi còn đang quen một người khác và anh Bảo cũng là bạn của người đó. Mỗi lần tôi đi diễn ở đâu thì bạn của tôi hay rủ anh Bảo phóng xe đến thăm. Ông kia đến thăm người yêu còn anh Bảo đi theo thì được giới thiệu cho một cô khác. Nhưng cuối cùng, khi người yêu tôi đi nước ngoài thì anh Bảo đã đứng ra làm người an ủi tôi và sau đó là... lấy luôn làm vợ. Năm ấy tôi 26 tuổi".

{keywords}

Tuy là gái thủ đô nhưng nghệ sĩ Như Quỳnh có thể làm thuần thục những công việc của nhà nông

Từ ngày dọn về ở chung cho đến thời điểm này, không bao giờ nhiếp ảnh gia Hữu Bảo can thiệp hay tham góp điều gì trong cách diễn của vợ. "Chỉ trong câu chuyện phim, trong từng phân đoạn, khi anh ấy đọc kịch bản thấy như thế nào thì anh ấy nói với mình thôi. Nếu thấy đúng, tôi có thể trao đổi lại với đạo diễn để làm nhân vật của mình hợp lý và sâu sắc lên".

Không chỉ ủng hộ về mặt tinh thần, chồng của Như Quỳnh còn sắm vai người đàn ông đảm đang để vợ yên tâm theo đuổi giấc mơ của mình.

"Tôi vẫn còn nhớ thời tôi mới đẻ con bé thứ hai là năm 1993. Khi con bé được 8 tháng rưỡi thì tôi nhận được lời mời đóng một bộ phim liên doanh với hãng phim Trung Quốc của anh Nguyễn Hữu Phần và anh Phi Tiến Sơn. Phim kể về một người đàn bà Trung Quốc lưu lạc ở Việt Nam. Đó là bộ phim đầu tiên tôi đóng vai người mẹ. Lúc ấy, tôi đã nói với chồng sẽ cai sữa cho con, tách con ra sớm, anh ở nhà trông. Con 8 tháng rưỡi, tôi xách va li đi khoảng một tháng thì hai bố con tự ở nhà chăm nhau. Chồng tôi giúp tôi rất nhiều vì cũng muốn vợ được tham gia nhiều phim.

Biết là vất vả nhưng thật sự là không thông cảm không được, đã xác định là lấy diễn viên thì phải chấp nhận chuyện đó. Tôi ngày xưa còn bé cũng như con gái của tôi ngày ấy, bố mẹ đi diễn suốt nên mình cũng quen rồi. Đến khi lấy chồng cũng có cái nếp như vậy".

Có lẽ cũng nhờ chỗ dựa vững chắc ấy mà Như Quỳnh đã trở thành cái tên được nhiều người yêu mến, sở hữu một kho vai diễn đầy màu sắc mà bất kỳ diễn viên trẻ nào cũng phải ghen tị.

{keywords}

{keywords}

{keywords}

{keywords}
Ngôi nhà ấm cúng của nghệ sĩ Như Quỳnh

{keywords}

Hai con gái của nghệ sĩ Như Quỳnh

{keywords}

Nghệ sĩ Như Quỳnh cùng với chồng và hai con gái

Theo Tri thức trẻ