Trong nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ, các đề nghị vay vốn được xem xét và đánh giá chủ yếu dựa vào chính sách tín dụng nội bộ, mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng và tình hình lãi suất trên thị trường. Từ góc độ đó, có thể định nghĩa phần nào về thị trường cho vay dưới chuẩn ở Việt Nam.
Đó là những người dân không chứng minh được dòng tiền thông qua sao kê bảng lương, xác nhận thu nhập của công ty, cơ quan công tác. Hay đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh thiếu tài sản đảm bảo, chưa có kế hoạch sản xuất kinh doanh đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng. Nhất là trong bối cảnh bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, số lượng đối tượng này ngày càng tăng.
Lao động gặp khó khăn do tình trạng doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất vì Covid-19 |
Chia sẻ tại một hội thảo vừa qua về hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, các ngân hàng đang đứng trước tình cảnh tiến thoái lưỡng nan trước nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp dòng tiền đã “âm" từ cách đây 2 năm, luôn có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện để vay vốn. Theo ông Nghĩa, chính sách hỗ trợ của ngân hàng đến nay đã mở “kịch trần”, như giãn hoãn nợ, điều chỉnh nhóm nợ, giảm phí.
CIMB hợp tác F88 cùng thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện |
Nắm bắt nhu cầu phát triển của thị trường cho vay dưới chuẩn, CIMB và F88 hợp tác chiến lược cùng triển khai các dịch vụ tài chính cho khách hàng. Theo đó, hai đơn vị đặt ra các tiêu chí tùy chỉnh các dịch vụ cho vay với mức lãi suất ưu đãi và dễ dàng tiếp cận hơn cho các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn kinh doanh, chi tiêu sinh hoạt. Đối tượng khách hàng được mở rộng từ sinh viên, công nhân viên cho tới các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Thomson Fam Siew Kat - Tổng giám đốc ngân hàng CIMB Việt Nam cho biết: “Mục tiêu chính của Hợp tác chiến lược này là cải thiện dịch vụ tín dụng hướng đến phân khúc dưới chuẩn ngân hàng, giúp người dân thu nhập thấp có khả năng tiếp cận nguồn tín dụng tài chính dễ dàng hơn. Khách hàng sẽ nhận được các khoản vay lãi suất rất cạnh tranh do chi phí vốn từ ngân hàng thấp hơn trong khi phạm vi tiếp cận của F88 lại rộng hơn rất nhiều. Cùng với F88, chúng tôi mong muốn tận dụng thế mạnh từ cả 2 phía để tập trung phát triển đáp ứng yêu cầu tín dụng của các phân khúc thấp trong xã hội khi nền kinh tế đang dần phục hồi trở lại sau đại dịch”.
Từ phía F88, CEO Phùng Anh Tuấn khẳng định F88 và CIMB cùng có chung một tầm nhìn là góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, làm sao để cung cấp được các giải pháp tài chính phù hợp và dễ dàng tiếp cận nguồn vốn cho những đối tượng chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính từ ngân hàng như hiện nay.
Lệ Thanh