"Mình order hàng từ Bách Hóa Xanh (BHX) từ ngày 5/6, họ hẹn khoảng 19h - 21h ngày 6/6 sẽ giao. Tuy nhiên tới 23h ngày 6/6 họ lại báo lại là 19h - 21h ngày 8/6 mới giao được vì quá tải đơn hàng", chị H. Chi (quận 2, TP.HCM) chia sẻ.

"Thịt cá rau củ đặt rồi mà bắt gia đình mình nhịn suốt 3 ngày. Mình có gọi lên hotline của BHX đề nghị giao sớm thì họ đành giải thích rồi xin lỗi", mẹ bỉm sữa này bức xúc. "Ví dụ không giao được hàng, họ có thể trực tiếp liên hệ lại với mình sớm để thông báo và tìm phương án giao hàng mới thì tốt hơn nhiều", chị Chi nói thêm.

Nữ khách hàng này cũng không hài lòng về việc khi đơn hàng bị chậm trễ, chị lựa chọn hủy đơn thì mất tới 15 ngày để nhận hoàn tiền, gây nhiều phiền toái.

{keywords}
Nhu cầu tăng vọt khiến dịch vụ đi chợ hộ của nhiều doanh nghiệp quá tải. Ảnh: NVCC.

Chị Chi không phải là khách hàng hiếm hoi gặp phiền toái vì dịch vụ đi chợ hộ quá tải. Theo đại diện nhiều doanh nghiệp đang cung ứng dịch vụ này, lượng đơn hàng giai đoạn cuối tháng 5, đầu tháng 6 tại TP.HCM đã tăng gấp 2 - 4 lần so với trước đó, khiến các doanh nghiệp này đột nhiên bận rộn.

Chia sẻ với Zing, đại diện BHX cho hay dịch vụ đi chợ hộ của doanh nghiệp này đang gặp quá tải cục bộ, doanh nghiệp đang giải quyết vấn đề này trong thời gian sớm nhất và mong sự thông cảm từ người tiêu dùng.

Cũng theo chia sẻ từ BHX, trước khi TP.HCM giãn cách, doanh nghiệp chỉ ghi nhận trung bình 5.000 - 7.000 đơn hàng mỗi ngày. Tuy nhiên tới thời điểm cuối tháng 5, con số này đã lên tới 11.000 - 12.000 đơn mỗi ngày, chủ yếu là đơn mua thực phẩm. BHX đang tăng cường chuẩn bị hàng hóa để đáp ứng khả năng phục vụ lên đến 20.000 đơn mỗi ngày nhằm tránh tình trạng quá tải, hết hàng.

{keywords}
Ảnh: Việt Linh.

Trước thông tin TP.HCM giãn cách xã hội từ 0h ngày 31/5, nhiều người tiêu dùng cũng cẩn trọng hơn khi tới những địa điểm mua sắm đông người như siêu thị, chợ hay các cửa hàng thực phẩm. Không ít người trong số này chuyển sang mua thực phẩm trực tuyến hoặc qua các dịch vụ đi chợ hộ.

Trao đổi với Zing, đại diện Grab cho biết doanh nghiệp ghi nhận số lượng đơn hàng GrabFood, dịch vụ gọi đồ ăn giao tận nơi, tăng mạnh so với thời điểm trước ngày 30/5. Tuy nhiên theo vị này, dịch vụ đi chợ hộ GrabMart thậm chí còn ghi nhận tăng trưởng đơn hàng đột biến trong những ngày qua.

"Lượng khách mua trực tuyến tăng mạnh đã khiến nhiều cửa hàng đối tác bán thực phẩm của Grab phải 'ngắt mạng' vì hết hàng, không thể phục vụ kịp nhu cầu của khách", đại diện Grab nói.

(Theo Zing)

Nhu cầu giao hàng cá nhân tăng mạnh trong dịch Covid-19

Nhu cầu giao hàng cá nhân tăng mạnh trong dịch Covid-19

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng của người dân đã có nhiều thay đổi, trong đó nhu cầu giao hàng cá nhân có xu hướng tăng lên.