Tuy chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, hoạt động buôn bán, tàng trữ vật liệu nổ trái phép trên cả nước vẫn diễn ra sôi nổi và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Khác với mọi năm, thay vì “tốn công” tìm nguồn, tìm mối bán pháo lậu tận nơi, sự bùng nổ của mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung đang giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các mặt hàng thuộc danh mục cấm với đa dạng chủng loại.
Đặt online, giao tận tay
Facebook, mạng xã hội được hàng chục triệu người Việt Nam sử dụng, đang trở thành địa bàn kinh doanh pháo lậu ưu thích của nhiều đối tượng. Chỉ cần một vài từ khóa tìm kiếm đơn giản, nền tảng này nhanh chóng gợi ý cho người dùng hàng trăm hội nhóm chuyên rao bán pháo lậu hoặc chia sẻ kinh nghiệm chế tạo pháo thủ công.
Thông thường, những hội nhóm này có 3.000-8.000 thành viên. Đáng nói, thay vì hoạt động bí mật, đa số hội nhóm đều được thiết lập công khai để người mua tiện truy cập cũng như tham khảo.
“Pháo banh nhỏ 350.000 đồng, banh lớn 450.000 đồng, dàn 36 quả/hộp là 500.000 đồng, dàn 49 quả/hộp là 700.000 đồng, pháo trứng thùng 120 quả giá 1,2 triệu đồng”, tài khoản có tên Xuân Phong quảng cáo, không quên đính kèm hình ảnh chi tiết mô tả lô sản phẩm.
“Giá sỉ cho anh em. Sỉ 1 thùng 12 bệ 36 quả, giá 5 triệu đồng, thùng 12 bệ 49 quả, giá là 7 triệu đồng. Bệ 100 bán lẻ 1,2 triệu đồng, sỉ 5 bệ giá 5 triệu đồng…”, một tài khoản khác có tên Chung Võ Kim đăng tải.
Bao bì các lô pháo này đều có chữ Thái Lan hoặc Trung Quốc. Ảnh: Facebook. |
Trung bình, những bài viết rao bán thu hút hàng trăm lượt tương tác. Dù không thông tin rõ nguồn gốc, qua ký tự trên bao bì, người dùng vẫn có thể nhận ra các loại pháo lậu có xuất xứ từ Thái Lan hoặc Trung Quốc.
Pháo lậu được rao bán với tùy mức giá và mẫu mã khác nhau, bình dân có mà cao cấp cũng có, dao động khoảng 90.000-1,5 triệu đồng. Những loại có giá thành thấp thường là pháo nổ cơ bản, chỉ gây tiếng nổ đơn thuần như pháo diêm, pháo banh hoặc tự chế. Nếu muốn mua loại thăng thiên, có tầm bắn xa, hiệu ứng lớn, người dùng sẽ phải trả trên 400.000 đồng.
Ngoài ra, một số tài khoản trên mạng xã hội còn quảng cáo loại pháo dù tín hiệu hàng hải. Đây là loại pháo có khả năng bắn cao 300 m, tốc độ lên tới 80 m/giây, tạo ánh sáng trong vòng 90 giây, chuyên dùng cho hoạt động tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn hàng hải.
“Loại tín hiệu này được phép sử dụng, không bị cấm, không vi phạm pháp luật. Mặt hàng này thích hợp đốt chơi Tết, thay thế pháo hoa (một loại pháo bị cấm)”, tài khoản có tên Lương Linh giới thiệu.
Dựa vào tìm hiểu của phóng viên, loại pháo dù được cá nhân này rao bán có mẫu mã, vỏ bọc tương tự loại pháo từng khiến một nữ cổ động viên bóng đá bị bỏng nặng tại sân Hàng Đẫy hồi năm 2019.
Không chỉ rao bán các loại pháo lậu thành phẩm, người dùng một số hội nhóm chia sẻ cho nhau cách chế tạo pháo với công thức đơn giản trên các mạng xã hội lớn như Facebook, YouTube. Đây thậm chí là nơi phân phối các nguyên liệu làm pháo như dây cháy chậm, lưu huỳnh, than, kali clorat…
Sau khi đặt hàng, người bán sẽ gọi shipper ứng dụng giao hàng. Trường hợp người mua ở xa, pháo lậu hoặc nguyên liệu sẽ được đóng thùng kín rồi gửi qua xe khách.
Có thể bị truy cứu hình sự
Với trường hợp loại pháo dù tín hiệu hàng hải được quảng cáo có thể bắn chơi trong dịp Tết mà không vi phạm pháp luật, Thạc sĩ Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định pháo hiệu hàng hải chỉ được sử dụng trong hoạt động hàng hải, trường hợp sử dụng vào mục đích khác khi chưa được cấp phép là vi phạm pháp luật.
Khoản 5 Điều 3 Nghị định số 70/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện cung cấp dịch vụ đảm bảo hàng hải, quy định pháo hiệu hàng hải là pháo hiệu sử dụng trong công tác an toàn hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn hàng hải, bao gồm: các loại pháo hiệu, đuốc cầm tay và tín hiệu khói nổ thỏa mãn các quy định của pháp luật và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Để sử dụng cũng như cung cấp dịch vụ đảm bảo hàng hải như thông báo hàng hải, báo hiệu hàng hải thì tổ chức, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 70/NĐ-CP. Việc sử dụng pháo hiệu hàng hải không thuộc điều chỉnh bởi Nghị định số 137/2020/NĐ-CP quản lý, sử dụng pháo.
“Người dân cần tẩy chay hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm trong kinh doanh pháo nói riêng. Không nên mua, sử dụng những sản phẩm pháo kinh doanh trái phép. Bởi pháo là sẩn phẩm kinh doanh có điều kiện, tính an toàn cao, gặp sản phẩm trôi nổi có thể gây rủi ro khó lường khi sử dụng”, vị luật sư cảnh báo.
Nếu phát hiện đối tượng, cơ sở kinh doanh pháo trái phép, người dân cần thông tin tới cơ quan có thẩm quyền, hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để nắm bắt và xử lý.
Pháo lậu với số lượng tính bằng thùng đang được rao bán trên mạng. Ảnh: Facebook. |
Pháp luật Việt Nam quy định người dân chỉ được phép sử dụng pháo hoa thông thường (loại tạo hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây tiếng nổ) do doanh nghiệp có giấy phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa phân phối (hiện là Nhà máy Z121 thuộc Bộ Quốc phòng).
Đối với pháo hoa nổ, loại vật liệu này chỉ được bắn trong các dịp Tết, Giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc khánh… và do cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng.
Hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo nổ (kể cả pháo hoa) đều bị nghiêm cấm, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Theo Zing)
Xếp hàng mua pháo hoa từ 5h sáng, một buổi cửa hàng thu nửa tỷ
Riêng trong sáng 19/1, đã có gần 700 lượt khách đến trực tiếp mua pháo. Cửa hàng pháo bán được khoảng 1.000 giàn phun viên, doanh thu ước chừng lên đến cả tỷ đồng.