Thị trấn Yên Thế, cách TP Yên Bái khoảng 90km, nổi bật với những ngôi nhà cao tầng, cửa hàng kinh doanh đá quý khá sầm uất.
Vùng đất này được mệnh danh là đất ngọc nhờ trữ lượng đá quý lớn. Đá quý cũng là 'đặc sản' đem đến sự thay đổi đáng kể về mặt kinh tế cho huyện thuần nông này.
Tài nguyên đá quý khiến thị trấn Yên Thế quanh năm nhộn nhịp khi thu hút hàng nghìn người tập trung đến đây làm nghề khai thác đá, buôn đá, làm tranh, chế tác đá quý…
Trong các quán trà đá, những ghế đá ven hồ nước, các câu chuyện về đá quý thường trực với người dân nơi đây.
Một bàn bán đá quý tại chợ đá quý Lục Yên. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Vào sáng sớm, một bộ phận người dân vác dụng cụ vào rừng đào đá quý. Họ đào được đa phần là các khối đá thô, bên ngoài có một chút dấu hiệu của đá quý nhưng bên trong có thể chứa đá quý nhiều hoặc ít, thậm chí là không có gì. Sau khi đào được phần này, họ gọi điện cho các tay buôn đá quý đến xem và đánh giá.
Chị Hiền (SN 1979), tiểu thương bán đá tại chợ đá quý Lục Yên, cho biết: ‘Ngoài việc được dân đào đá quý gọi điện đến mua mỗi khi có hàng, chúng tôi phải săn tìm. Mỗi lần, nghe thông tin khu vực này, khu vực kia có hàng, chúng tôi phải lặn lội đến tận nơi tìm mua. Giao dịch có lúc thành công, có lúc không’.
Các tay buôn đá quý hùn tiền mua viên đá thô, đập ngay tại chợ đá quý để tìm vận may. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Bằng mắt thường và kinh nghiệm, dân buôn đá sẽ phán đoán xem bên trong viên đá thô có chứa đá quý hay không.
Sau khi giao dịch, người buôn đá mang khối đá thô về, dùng các dụng cụ thô sơ như dao, búa đập vỡ tìm đá quý ở bên trong. Đây là những người làm việc mang tính chất may rủi nhất tại huyện Lục Yên.
Nếu may mắn, họ có thể kiếm được những viên đá trị giá từ vài chục triệu, vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Nếu không, họ chỉ thu về được một ít hoặc mất trắng số tiền bỏ ra mua.
Cũng bởi vậy, ở mảnh đất này, người ta không thiếu những câu chuyện về người dân phất lên chỉ sau một đêm nhờ ‘lộc trời cho’.
Chị Nga (SN 1979, TT Yên Thế), cũng là một người theo đuổi nghề buôn đá quý từ 2 năm nay.
Sáng, người phụ nữ này bày hàng ở chợ đá, chiều chị đi thu mua đá thô từ những người đi rừng về. Gia đình chị có 2 chị gái, 2 anh rể cũng theo nghề buôn đá quý.
‘Nhiều người hợp được tiền tỷ nhờ đá quý’, chị Nga khẳng định.
‘Tôi từng chứng kiến mấy người góp tiền mua chung một viên đá thô, sau khi đập ra, bên trong có nhiều đá quý. Họ lãi mấy trăm triệu một lần giao dịch’, chị nói.
Bản thân chị từng bỏ ra số tiền nhỏ nhưng bán được 200 triệu chỉ sau một ngày.
Người phụ nữ kể tiếp: ‘Vừa rồi, một người mang viên đá thô ra chợ đá bán, người này chỉ nói một cái giá rất vu vơ là 40 triệu đồng. Một nhóm người buôn đá xem xét, hội ý rồi đồng ý mua với giá 40 triệu.
Sau đó, họ đập ra và lấy được số đá quý bán với giá khoảng 3,5 tỷ đồng. Vụ mua bán này chỉ cách đây khoảng 1 tuần’.
Anh Hoàng Văn Phóng (SN 1988), có 2 năm làm nghề mua bán đá quý cũng phải thừa nhận đây là một nghề rất may rủi.
‘Giới buôn đá bỏ số tiền vài triệu, vài chục triệu đồng mua một viên đá thô bằng chiếc cốc, bát ăn cơm. Ban đầu, người ta chưa nhìn ra viên đá thô có giá trị nhưng vẫn quyết định mua để tìm vận may’, anh nói.
Cũng có những viên đá thô màu sắc đẹp, hứa hẹn bên trong là một gia tài nên được mua với giá khá cao. Anh Phóng từng bỏ 400 triệu đồng để mua một viên đá thô. Sau đó, anh đập ra tìm đá và bán được 600 triệu đồng.
‘Đá quý không cần nhiều chỉ cần một mẩu nhỏ, đẹp là có thể bán tiền trăm triệu, tiền tỷ’, anh nói.
Viên đá có giá 100 triệu đồng anh Phóng từng mua bán. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Người đàn ông này cũng may mắn trong một thương vụ khi bỏ ra khoảng 10 triệu đồng để mua một viên đá thô. Sau đó, số đá quý được tìm thấy bên trong viên đá thô có giá cao gấp mấy chục lần.
‘Số đá được định giá khoảng 500, 600 triệu đồng. Hiện tại tôi vẫn chưa bán ra thị trường’, người đàn ông sinh năm 1988 khẳng định.
Thị trấn Yên Thế thay đổi nhờ đá quý. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Ông Nguyễn Quốc Dân - Chủ tịch Hiệp hội Đá quý Lục Yên chia sẻ, Lục Yên được thiên nhiên ưu đãi khi có tài nguyên đá quý. Chính loại tài nguyên này đã làm thay đổi bộ mặt cuộc sống người dân nơi đây.
Hiện, thị trấn có 326 hộ tham gia Hiệp hội đá quý Lục Yên. Mỗi gia đình có khoảng 2, 3 người làm các nghề như đào đá, buôn bán, làm tranh từ đá quý... Cuộc sống người dân vì vậy cũng tốt hơn khi họ có thể xây nhà tầng, mua xe, đầu tư cho con ăn học…
Tuy nhiên ông Dân khẳng định, người thu lợi nhuận vì đá cũng nhiều nhưng mất trắng vì nó cũng không ít.
(Còn tiếp)
Bất ngờ những món hàng nhỏ xíu giá tiền tỷ trong khu chợ quê ở Yên Bái
Những món hàng nhỏ xíu đặt trên chiếc bàn đơn sơ có giá trị từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng.
Ngọc Trang - Nguyễn Thảo