Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, mỗi năm Việt Nam có trên 200.000 người bị đột quỵ, 11.000 người tử vong. Đột quỵ do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có yếu tố rung nhĩ.
Rung nhĩ là một trong các rối loạn nhịp tim phổ biến nhất hiện nay. Số lượng người mắc rung nhĩ có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Năm 2016, trên thế giới ghi nhận 46,3 triệu người mắc rung nhĩ. Hiện tại, ở châu Âu cứ 3 người trên 55 tuổi có 1 người bị rung nhĩ.
Tại châu Á, dự đoán có ít nhất 72 triệu người bị rung nhĩ và 3 triệu người đột quỵ do rung nhĩ vào năm 2050.
Phó giáo sư Hùng cho biết hậu quả của rung nhĩ rất nặng nề. Người mắc rung nhĩ có nguy cơ tử vong cao gấp 1,5 đến 3,5 lần, suy giảm nhận thức cao gấp khoảng 1,4 lần và chứng tâm thần phân liệt cao gấp 1,6 lần. Rung nhĩ gia tăng theo tuổi và có liên quan đến một số yếu tố nguy cơ: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành. 1/4 số bệnh nhân trên 40 tuổi bị đột quỵ do rung nhĩ.
Bác sĩ Hùng cảnh báo những bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 5 lần so với những người khác. Đột quỵ do rung nhĩ thường diễn tiến nặng, tỷ lệ tử vong và tàn phế cao, dẫn đến chi phí chăm sóc và điều trị gia tăng.
Nhóm đối tượng có nguy cơ bị rung nhĩ:
- Người mắc bệnh động mạch vành, suy tim, bệnh van tim.
- Người bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
- Người béo phì, bị tắc nghẽn đường thở khi ngủ, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, rối loạn lipid máu, lười vận động, mắc bệnh lý cấp tính…
Những bệnh nhân bị rung nhĩ cần sự thăm khám của bác sĩ. Để dự phòng đột quỵ, người bệnh cần sử dụng thuốc chống đông, uống thuốc giảm 50-70% nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, họ cần tuân thủ thuốc điều trị, kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu.
Người bị rung nhĩ cần theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu của đột quỵ cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được cấp cứu. Các triệu chứng của đột quỵ cần nhớ:
Face (mặt) - Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi cười.
Arms (tay) - Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.
Speech (lời nói) - Có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản được không? Có nói lắp hoặc nói kỳ lạ (khó hiểu) hay không?
Time (thời gian) - Thời gian đột quỵ được tính tới từng giây từng phút. Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu nào, gọi số 115 hoặc số dịch vụ y tế cấp cứu tại địa phương ngay lập tức.
Với với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ, bác sĩ khuyến cáo cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm.