- Hôm nay em vẫn phục vụ ba rọi tươi, sườn non, cốt lết, thịt đùi. Anh/chị nào mua nhắn số điện thoại và số phòng em giao liền!
Đó là một trong rất nhiều lời chào mời, quảng cáo của nhóm chat bán hàng tại một chung cư ở TP.HCM.
Siêu thị mini trong nhóm mua bán online
Đều đặn vào đầu tuần, chị Vân sẽ kiểm tra những thực phẩm sắp hết, ghi lại món đồ cần mua sau đó vào nhóm mua bán online của chung cư đang sinh sống để đặt hàng.
"Kể từ ngày thành giãn cách, số lần mình đi siêu thị đếm trên đầu ngón tay. Toàn bộ đồ ăn từ rau củ, trái cây đến thịt cá mình đều đặt hàng qua nhóm mua bán trên Zalo của chung cư. Trong đó chẳng khác gì một siêu thị mini, hầu như mặt hàng nào cũng có. Tiện lợi lắm", chị Vân, cư dân đang sinh sống tại chưng cư 1050, quận Bình Thạnh chia sẻ.
Gia đình ít người nên chị Vân thường mua thực phẩm dự trữ theo tuần. "Mình không tích trữ nhiều vì mua hàng trong chung cư nhanh lắm. Mình đặt hàng từ tối hôm trước, hôm sau người bán giao đến tận cửa nhà. Muộn lắm cũng chỉ đợi khoảng 2 ngày. Giá các mặt hàng khá bình ổn", chị Vân cho biết.
Các nhóm chung cư bán đủ mặt hàng từ rau củ đến thịt, hải sản tươi sống. Ảnh chụp màn hình. |
Cũng là cư dân của chung cư 1050, anh V.Đức chia sẻ từ khi giãn cách xã hội mới biết đến nhóm chat chung cư. Nhờ đó, Đức không phải xếp hàng nửa tiếng đồng hồ để chờ tới lượt vào siêu thị mua đồ nữa. "Dưới sảnh chung cư mình ở có một siêu thị nhỏ. Mùa dịch chỉ cho phép 3 lượt khách vào mua nên phải xếp hàng khá lâu. Mình thấy đặt hàng online qua hội nhóm chung cư khá an toàn và tiết kiệm thời gian hơn nhiều", anh nói.
Mỗi lần mua hàng, anh Đức thường trả tiền qua ví điện tử hoặc chuyển khoản và nhắn người bán treo hàng trước cửa để tránh tiếp xúc trong mùa dịch.
Cũng như chị Vân, anh Đức, nhiều cư dân tại các chung cư trên địa bàn thành phố cho biết không gặp nhiều khó khăn khi mua lương thực trong những ngày giãn cách.
Một cư dân sinh sống tại chung cư The Sun Avenue (thành phố Thủ Đức) cho hay group mua bán online tại đây có hơn 20.000 thành viên, các bài đăng bán hàng cập nhật từng giờ mỗi ngày. "Tôi cảm thấy may mắn hơn nhiều người trong mùa dịch này, khi tủ lạnh ở nhà luôn đầy ắp thực phẩm. Cần sầu riêng có sầu riêng, thèm bánh Trung thu có ngay bài đăng bán bánh, mua rau hay thịt là chuyện nhỏ... Hơn nữa lại được miễn phí ship", cư dân này chia sẻ.
Các nhóm mua bán trong cộng đồng chung cư cũng cho phép người bên ngoài hoạt động. Phương Thảo cho biết đang ở tại căn hộ dịch vụ cạnh The Sun Avenue và thường xuyên đặt hàng online qua nhóm mua bán của chung cư này.
"Mỗi lần cần mua gì là mình lại vào nhóm tìm kiếm. Người bán thường gom đơn từ tối hôm trước và giao sau 1-2 ngày nhận đơn. Vì không ở trong chung cư nên người bán không nhận đơn giao liền. Một số đơn hàng còn tính thêm phí ship", Thảo nói.
Chấp nhận mua hàng không như ý muốn
Mua bán qua các hội nhóm chung cư được nhiều người đánh giá là tiện lợi trong mùa dịch, song không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Tại quận 7, cư dân chung cư Phú Mỹ cho biết hầu hết mọi người hỗ trợ nhau rất nhiều trong mùa dịch, nhưng không tránh khỏi những lần shop "vừa bán" mà khách "không thuận mua".
Bên cạnh nhóm mua bán do người dân tạo lập, siêu thị gần chung cư Phú Mỹ cũng có nhóm chat nhận đơn đặt hàng online của người trong chung cư. Các đơn hàng đều được giao tận nơi miễn phí. Một số người phàn nàn giá bán từ siêu thị cao, một số khác cho rằng giá cả hiện bình ổn. Hơn nữa, mọi người cần thông cảm cho nhau trong mùa dịch này và chấp nhận những thiếu sót.
"Mình gặp một trường hợp đã đặt cá thu từ siêu thị. Cá được làm sạch, giao tận nơi miễn phí mà người đó từ chối nhận với lý do giá cao. Mình thấy cá thu cắt khúc giá 269.000 đồng/ký là mức ổn. Cho dù giá có cao, mình không chấp nhận việc trả hàng như vậy, vì các shipper rất vất vả trong mùa dịch này", một cư dân chung cư Phú Mỹ bộc bạch.
Người này cũng chia sẻ cư dân ở chung cư Phú Mỹ khá may mắn vì vẫn được đặt mua từng món đồ từ siêu thị. Nhiều khu vực khác phải mua combo kèm theo, không xé lẻ, trùng nhiều món đồ đã có mà vẫn phải chấp nhận.
"Thời điểm này vẫn được ngồi nhà đặt hàng đã là may mắn. Siêu thị cũng chỉ có nhiêu đó con người làm việc, nhân lực mỏng, đơn hàng lại nhiều, nhân viên phải vất vả chọn lựa hàng hóa, giao đến tận nơi mọi người. Vậy nên, điều cần làm lúc này là mọi người san sẻ và thông cảm cho nhau", cư dân quận 7 nói.
Bên cạnh việc không "thuận mua vừa bán", còn nhiều bất cập khác khi mua hàng online trong cộng đồng các chung cư. Không ít người rơi vào tình cảnh chỉ có tiền mặt để trả, nhưng người bán chỉ nhận chuyển khoản.
"Chung cư mình có nhiều người mua hàng lớn tuổi không dùng ví điện tử hay internet banking. Mọi người thường rủ nhau gộp đơn mua chung, để giúp đỡ những người không thanh toán trực tuyến được", chị Hằng, cư dân tại chung cư địa bàn phường 25 (quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Nói về chất lượng các mặt hàng, Phương Thảo cho biết vì mua online, lại trong mùa dịch nên không thể khắt khe trong việc chọn hàng được. "Người bán có gì, mô tả hàng ra sao, niêm yết giá thế nào thì mình biết vậy, không có nhiều lựa chọn trong mùa dịch này. Nhiều khi mua trái cây có quả hỏng, giá cao hơn bình thường cũng đành chịu. Mùa dịch ai cũng khó khăn", Thảo nói.
Những người bán hàng online không chuyên
Số lượng người bán hàng ở các group chung cư tăng lên đáng kể trong mùa dịch. Nhiều người chưa từng có kinh nghiệm bán hàng online cũng tập tành "chốt đơn" để kiếm thêm thu nhập vì công việc trước đó bị tạm ngưng.
Anh N.Minh (quận Bình Thạnh) cho biết trước dịch làm trong một agency tổ chức sự kiện. Từ tháng 6, công việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên anh Minh kiếm nguồn thu nhập khác từ việc làm shipper và bán đồ online trong group chung cư anh sinh sống.
Nhờ làm shipper, anh Minh tìm tòi được nguồn hàng để tập tành kinh doanh. "Mình quyết định thử làm bún bò và bán trong nhóm chung cư. Mình định bán thêm cho vui thôi, ngờ đâu bài đăng đầu tiên mình nhận được 70 đơn hàng. Chắc mọi người lâu rồi không được ăn bún bò nên đặt nhiều", anh Minh nói.
Mỗi tô bún anh Minh bán giá 40.000 đồng, giao miễn phí tận cửa tới những người hàng xóm trong chung cư. Mỗi ngày anh nhận trung bình khoảng 40-50 đơn đặt hàng.
"Vì là bún bò nhà làm nên mất khá nhiều thời gian nấu nướng. Có ngày mình chỉ ngủ 3-4 tiếng, cả ngày lo làm bún, gói hàng và đi ship. Nhờ tham gia nhóm chung cư mà mình quen nhiều hàng xóm hơn. Mọi người còn cho mình mượn dụng cụ nấu bún nữa", anh Minh tâm sự.
Đi lại nhiều trong chung cư, anh Minh cũng lo cho sức khỏe của bản thân. Anh cho biết khi giao hàng sẽ không tiếp xúc, xịt khuẩn nếu nhận tiền mặt và không quên đeo găng tay, kính chống giọt bắn. "Mình cũng chủ động test nhanh tại nhà để đảm bảo an toàn", anh nói.
Sau ngày 23/8, shipper không được phép hoạt động nên anh Minh cũng ngưng công việc bán bún bò. Hiện, anh đang gom các đơn rau giải cứu từ Đà Lạt, bán với giá 8.000 đồng/kg cho bà con trong chung cư hoặc chia cho mỗi nhà một ít đủ dùng.
Nhiều kinh nghiệm hơn anh Minh, bạn Thảo Nhi cho biết trước dịch làm song song công việc tại cửa hàng mỹ phẩm và bán hàng online trong chung cư. Từ tháng 1, Nhi dừng công việc ở cửa hàng để chăm con nhỏ, nguồn thu nhập chính đến từ việc bán hàng.
Chị Thảo soạn các loại chả để giao hàng cho khách trong chung cư. Ảnh: Trần Thảo Nhi. |
Nhi cho biết vì dịch bệnh nên việc vận chuyển nhập hàng gặp nhiều khó khăn. "Mình nhập hàng từ Quy Nhơn (Bình Định) nên cước vận chuyển rất cao, chốt chặn nhiều nên xe hàng thường đến trễ. Một số đơn giao ngoài chung cư không đặt được ship", chị Nhi chia sẻ.
Bù lại, các mặt hàng chị nhập lại không khó kiếm, do tình hình dịch bệnh ở Quy Nhơn được kiểm soát. Hàng ngày, chị Nhi thường đăng các bài chào hàng trên nhóm Zalo chung cư, gom đơn và hẹn giao hàng từ 1-3 ngày cho khách trong chung cư.
"Mùa dịch này, mình nhận đơn trong chung cư nhiều hơn hẳn so với trước dịch. Mỗi ngày mình chốt khoảng hơn 10 đơn. Mình không trữ hàng nên nhiều hôm khách đặt muốn giao liền mà đành hủy đơn vì không có hàng. Hẹn 1-2 ngày giao khách từ chối", chị Nhi cho biết.
Cũng là một người không chuyên bán hàng online, cô Diệu tất bật trong mùa dịch với những đơn đặt mua rau củ từ nhóm chat chung cư. Vì lo ngại dịch bệnh và hạn chế đi lại, cô Diệu thường hẹn khách lấy hàng tại sảnh chung cư. Đến đơn của người nào, cô sẽ gọi điện người đó xuống lấy để tránh tập trung đông người.
Trước khi thành người bán hàng online, cô Diệu là một bà nội trợ không biết nhiều về công nghệ. Nhờ con trai giúp đỡ mà cô biết cách chat với khách bằng tin nhắn thoại, biết cách gửi hình rau củ vào nhóm chat. "Con trai cô còn đưa cả số tài khoản để khách không dùng tiền mặt có thể chuyển khoản. Mùa dịch bán rau online giúp đỡ mọi người trong chung cư cũng vui", cô Diệu chia sẻ.
(Theo Zing)
Phường mở web 'Đi chợ giúp dân', chung cư lập tổ phản ứng nhanh
Sự sáng tạo, tích cực đến từ chính quyền cơ sở, khu dân cư và các đơn vị phân phối đã góp phần đẩy nhanh tốc độ “đi chợ hộ”, đảm bảo nhu cầu lương thực cho người dân TP.HCM.