Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Ngọc Khánh, 35 tuổi - người sáng lập cộng đồng Bơi Khám phá, đây không phải là lần đầu tiên nhóm làm việc này. “Thực ra, việc treo phao lên thành cầu chỉ là một hoạt động trong chuỗi hoạt động của nhóm được thực hiện chính thức từ ngày 6/5. Tính đến nay, chúng tôi đã treo được gần 100 chiếc phao lên những cây cầu bắc qua sông Hồng, khởi nguồn từ Lào Cai.

Theo dự kiến, nhóm sẽ treo khoảng 300-400 chiếc phao từ Lào Cai cho tới Thái Bình. Chi phí của hoạt động này do một đơn vị tài trợ chính cùng rất nhiều sự ủng hộ của các thành viên” - anh Khánh chia sẻ.

Sáu cây cầu lớn ở Hà Nội đều được treo phao bơi. 

Trong ngày 14/5 vừa qua, các thành viên của nhóm đã chia nhau treo phao bơi ở 6 cây cầu thuộc địa phận Hà Nội, gồm: cầu Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì. 

Ngoài hoạt động này, anh Khánh cho biết, nhóm còn tổ chức các buổi dạy bơi miễn phí và chia sẻ kiến thức sơ cấp cứu người đuối nước ở Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Nội, thu hút được khoảng 600-700 người tham gia tính đến nay.

Những buổi chia sẻ này có 80% người tham gia là trẻ em. Rất nhiều thành đoàn, nhà trường ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã gọi điện lại cho nhóm bày tỏ mong muốn có thêm những buổi học như thế này.

“Chúng tôi không kỳ vọng tất cả mọi người tham gia buổi học sẽ biết bơi ngay. Nhưng nó sẽ tạo động lực để mọi người đi học bơi và tìm hiểu thêm những kiến thức chống đuối nước ở sông suối, ao hồ, biển. Những kiến thức này đôi khi bị hiểu sai. Nhiều người cứ nghĩ mình đã biết bơi rồi nên chủ quan. Nhưng đó chỉ là bơi ở trong bể, còn khi ra ngoài thực tế thì việc xử lý đuối nước rất khác biệt”.

Một buổi dạy bơi miễn phí ở Yên Bái

Anh Khánh cũng cho biết, mục đích của việc treo áo phao lên thành cầu là để hỗ trợ người có ý định tự tử và người đứng trên cầu muốn nhảy xuống cứu nạn nhân. “Những người tự tử đôi khi vì nghĩ quẩn mà nhảy xuống, nhưng khi phải vật lộn với dòng nước, biết đâu họ nghĩ lại. Lúc ấy bản năng sống có thể khiến họ túm lấy chiếc phao để tự cứu mình. Còn với những người ở trên cầu, họ có thể bơi tốt nhưng độ cao của cây cầu có thể khiến họ không tự tin để nhảy xuống. Nếu có chiếc áo phao này, biết đâu họ tự tin hơn để cứu một mạng người”.

Tuy nhiên, anh Khánh cho rằng, việc treo áo phao chỉ là việc làm hỗ trợ, còn mục đích chính của nhóm vẫn là giúp cộng đồng nâng cao nhận thức và hiểu biết về lợi ích của việc học bơi và cách xử lý khi đuối nước.

Có nhiều ý kiến nói rằng, việc treo áo phao như thế này rất vô nghĩa vì chỉ trong 1, 2 ngày có thể bị lấy cắp ngay. Anh Khánh cho biết, nhóm cũng đã nghĩ tới việc này nhưng vẫn quyết định làm. “Chúng tôi đã in một dòng chữ lên phao - “phao cứu người, không lấy”, hi vọng mọi người biết mục đích của nó để ngăn lại những ý đồ xấu. Thứ hai là cho dù có 99 chiếc phao bị lấy cắp, nhưng biết đâu còn 1 chiếc có thể cứu được ai đó thì vẫn là tốt, vẫn là đáng làm. Chúng tôi cứ làm thôi, chứ không tính toán nhiều chuyện ấy”.

Nhóm thực hành xử lý đuối nước ở Tuyên Quang. 

Người thành lập nhóm cho biết, các thành viên trong nhóm đều là người yêu thích bơi lội đơn thuần, không phải dân chuyên nghiệp. Nhưng nhiều người cũng đạt được một số thành tích ở các giải phong trào và thường xuyên bơi ở sông Hồng. 

Riêng bản thân anh, cách đây 4 năm cũng từng chết đuối hụt vì không biết bơi. Sau sự cố đó, anh học bơi rất nghiêm túc. Đến giờ, anh đã đạt được thành tích đáng nể là bơi được quãng đường 200km từ đoạn cầu Long Biên ra biển. Anh Khánh cho rằng, không biết bơi là một điều rất thiệt thòi, vì thế anh và các thành viên rất tâm huyết với dự án này.

Đăng Dương  

Ảnh: NVCC