- Những lần gặp gỡ nhạc sĩ Hoàng Vân cho tôi nhiều xúc cảm đặc biệt. Cách ông gọi vợ thật dịu dàng và tự hào kể về con trai, con gái trìu mến...

Khi chương trình Điều còn mãi tổ chức lần thứ 3 tại Hà Nội, một nhà báo hỏi tôi yêu âm nhạc nước nào nhất, tôi không ngần ngại nói rằng tôi yêu âm nhạc Việt Nam và các nhạc sĩ Việt Nam. Vì nhạc cùng ngôn ngữ, cùng dòng chảy qua các thăng trầm của lịch sử mà tôi dù chưa từng chứng kiến nhưng cũng được đọc qua những trang sử của đất nước.

Lần đầu tiên tôi gặp nhạc sĩ Hoàng Vân tại nhà riêng trên phố Hàng Thùng khi đến nhà ông để gửi bộ tài liệu của thủ trưởng cơ quan gửi cho con trai ông - nhạc sĩ Lê Phi Phi - người từng đồng hành với nhiều chương trình hòa nhạc Điều Còn Mãi do báo VietNamNet tổ chức.

{keywords}
Nhạc sĩ Hoàng Vân (áo kẻ) cùng vợ ngồi xem một chương trình hòa nhạc Điều còn mãi do con trai nhạc trưởng Lê Phi Phi chỉ huy.

Hơn 5 phút ngắn ngủi được gặp gỡ vị nhạc sĩ lần đó nhưng tôi cảm nhận được một người nhạc sĩ hiền từ và nhã nhặn trong cách nói chuyện. Cách ông ân cần gọi vợ thật dịu dàng thông báo khi nhà có khách và nhắc bà lấy nước mời khách khiến tôi nhớ mãi.

Lần thứ 2 tôi gặp ông là năm 2012 trong buổi gặp mặt gần 40 nhạc sĩ do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổ chức về việc thủ tục cấp phép chương trình ca nhạc của các cơ quan quản lý không bảo vệ được chủ sở hữu tác phẩm.

Thật tình cờ buổi hôm đó tôi được ngồi gần ông, chứng kiến cách ông trầm tư nghe tất cả các ý kiến của đồng nghiệp và cân nhắc rất kỹ để cuối cùng không ký vào văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng để phản đối Cục Nghệ thuật biểu diễn và các Sở địa phương cấp phép cho tổ chức biểu diễn mà không nhận được sự đồng ý của các tác giả.

Lần thứ 3 tôi gặp ông (qua điện thoại) là vào ngày 12/10/2013. Khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tòa soạn yêu cầu tôi phải tiếp cận ông (tác giả "Quảng Bình quê ta ơi", ca khúc mà vị Đại tướng đã nghe đi nghe lại mỗi ngày sau những tháng nằm trên giường bệnh) để mong có bài viết sớm nhất.

{keywords}
Khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân.

9h tối ngày 11/10/2013, tôi đến nhà ông một cách vội vã và gõ cửa. Vợ nhạc sĩ nói với tôi ông hơi mệt nên đã đi ngủ sớm. Bà hẹn tôi sáng mai đúng 8h30 gọi điện vào số máy bàn để gặp ông. Đúng giờ hẹn tôi gọi điện, từ đầu dây bên kia ông bảo: "Bác vừa đi tập thể dục. Với VietNamNet lúc nào bác cũng sẵn sàng".

Và nhiều lần sau đó ghé thăm ông đều để lại trong tôi nhiều xúc cảm. Trong nhiều câu chuyện ông kể, tôi nhớ nhất là kỷ niệm bài "Hò kéo pháo" giữa người nhạc sĩ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông bảo khi đang đi bộ đội được Tổng cục chính trị gọi về để đi học ở nước ngoài. Và khi về rồi ông mới biết trong danh sách đề cử đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Lúc đó mặc dù tôi không phải là nhạc sĩ nhưng đã được mọi người biết đến bài Hò kéo pháo. Tôi có nghe một số người nói lại rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói nhất định phải cho tôi và một số đồng chí khác về để đi học nước ngoài. Và sau đó tôi mới thành nhạc sĩ" - nhạc sĩ Hoàng Vân từng chia sẻ.

Với các ca khúc của nhạc sĩ Hoàng Vân, tôi cho rằng dù ở thể loại sáng tạo khác nhau dẫu viết ở những cuộc chiến hay thời bình thì tất cả vẫn cảm hóa được công chúng, như một sức mạnh của tình yêu truyền vào trái tim người nghe.

Nghe Trọng Tấn hát "Người chiến sĩ ấy" của nhạc sĩ Hoàng Vân

Bởi thế những ca khúc cách mạng nổi tiếng như: Hò kéo pháo, Tôi là người thợ lò, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Nổi trống lên rừng núi ơi, Không cho chúng nó thoát, Bài ca giao thông vận tải, Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng, Hai chị em, Người chiến sĩ ấy... bao năm vẫn ở lại trong lòng người nghe.

Không chỉ sáng tác ca khúc, ông còn viết nhiều tác phẩm hợp xướng và khí nhạc. Một số hợp xướng viết với dàn nhạc giao hưởng như: Hồi tưởng, Việt Nam muôn năm, Vượt núi, Tuổi lên mười, Hát dưới cờ búa liềm, Thành phố chúng ta nhà máy chúng ta...

Nhiều bài hát của ông đã trở thành "ngành ca" như Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân, Hát về cây lúa hôm nay, Tôi là người thợ lò, Bài ca giao thông vận tải, Bài ca người thủy thủ... Thể loại trường ca có những tác phẩm: Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Việt Nam muôn năm, Tôi là người thợ lò,...

{keywords}
Nhạc sĩ Hoàng Vân cùng phu nhân và con trai - nhạc trưởng Lê Phi Phi tới xem hoà nhạc Điều còn mãi 2017 tại Nhà hát Lớn. 

Lĩnh vực khí nhạc, nhạc sĩ có các tác phẩm như: Fugue cho piano, Tổ khúc cho hautboy và piano, Rhapsodie cho violon, độc tấu kèn basson, Hành khúc con voi, độc tấu flute Vui được mùa, Hoa thơm bướm lượn, âm nhạc cho vũ kịch Chị Sứ, đại hợp xướng Điện Biên Phủ...

Ngoài ra ông còn viết các ca khúc thiếu nhi như: Mùa hoa phượng nở, Em yêu trường em, Con chim vành khuyên, Bảy sắc cầu vồng, ca khúc chủ đề của chương trình Đường lên đỉnh Olympia... Hoàng Vân đã viết nhạc cho nhiều bộ phim Việt Nam kinh điển như: Nổi gió, Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu...

Sự cống hiến của nhạc sĩ Hoàng Vân là vô cùng to lớn. Bởi vậy khi nghe tin ông vĩnh biệt cõi trần lúc 4h sáng ngày 4/2/2018, lòng tôi buồn vô hạn. Xin được thắp lên một nén nhang vĩnh biệt người nhạc sĩ tài hoa và đức độ. Ở thế giới bên kia, cầu mong vong linh nhạc sĩ Hoàng Vân được siêu sinh tịnh độ, không vướng bụi trần.

Sơn Hà