"Tôi nhớ mãi nải chuối chín mọng, nải chuối giao duyên mà chính ông Sáu Dân tự tay ban đêm ra vườn chặt gửi lần đầu tiên vào hơn 9 giờ đêm để chúng tôi ăn đỡ đói khi biết chúng tôi còn làm việc tại phòng thí nghiệm Trường ĐH Tổng hợp. Đó là những năm tháng không thể nào quên".


GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội hóa học TP.HCM chia sẻ câu chuyện trải nghiệm của ông ở TP sau giải phóng, tái thiết đầy khó khăn, trong cuộc gặp mặt của lãnh đạo TP.HCM với trí thức tiêu biểu sáng nay. Cuộc gặp có khoảng 350 trí thức đại diện cho hơn 1 triệu nhà khoa học, chuyên gia, trí thức của TP.

GS Ngọc Sơn kể, sau 30/4/1975, đa số anh chị em trí thức tuy có thể có người chưa hiểu rõ cách mạng, nhưng do gắn bó với đất nước, quê hương, đã quyết tâm ở lại.

{keywords}
GS Chu Phạm Ngọc Sơn ngoài cùng trái cùng các trí thức TPHCM tại buổi gặp mặt. Ảnh: Xuân Linh

Tháng 8/1975, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và sự chỉ đạo của MTTQ TP, Hội trí thức yêu nước, từng hoạt động trí vận ngầm trước giải phóng, chính thức ra mắt nhằm tập hợp trí thức, bồi dưỡng chính trị, ổn định tư tưởng, từng bước tạo điều kiện để anh chị em đến với cách mạng, làm quen với cuộc sống mới, để dần dần trí thức hai nguồn đến với nhau, cảm thông nhau, hiểu nhau hơn.

"Trong những tháng đầu sau giải phóng, hoạt động của Hội không phải lúc nào cũng thật suôn sẻ, anh chị em hòa nhịp vào cuộc sống mới không phải lúc nào cũng thật dễ dàng. Cũng có những suy tư, băn khoăn, cũng có người bỏ cuộc nửa chừng, ra đi vào những ngày tháng quá khó khăn của đất nước, nhưng phải nói rằng tuyệt đai bộ phận anh chị em đã thắng trận đối với chính mình, vì tấm lòng yêu nước, vì mình là con của ba mẹ và ba mẹ chính là quê hương mình" - GS kể.

Ông nhớ, trong những năm nhiều khó khăn ấy, TP triển khai những biện pháp chăm lo đời sống hết sức có ý nghĩa dành cho trí thức như trợ cấp thêm, mang gạo thịt đến từng gia đình có khó khăn, cấp xăng hàng tháng cho giáo sư, phó giáo sư... Và trên hết là những buổi gặp gỡ thân tình của các lãnh đạo TP lúc bấy giờ như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Vĩnh Nghiệp...

"Các đồng chí thực sự rất thông cảm, chia sẻ với chúng tôi những khó khăn, động viên tinh thần, giúp đỡ vật chất, tìm nhiều cách để hỗ trợ chúng tôi yên tâm làm việc. Riêng tôi, tôi mãi ghi khắc trong tim sự chăm sóc ân cần của các lãnh đạo đối với nhóm anh chị em nghiên cứu khoa học do tôi hướng dẫn.

Đặc biệt, tôi nhớ mãi nải chuối chín mọng, nải chuối giao duyên mà chính ông Sáu Dân tự tay ban đêm ra vườn chặt gửi lần đầu tiên vào hơn 9 giờ đêm để chúng tôi ăn đỡ đói khi biết chúng tôi còn làm việc tại phòng thí nghiệm của Trường ĐH Tổng hợp. Đó là những năm tháng không thể nào quên...".

Ký ức của người thầy giáo vẫn in đậm hình ảnh những đồng nghiệp ba lô trên vai cuối tuần những năm 1976-1977 lặn lội xuyên rừng, vượt suối băng sông, từng bước theo dấu chân của các anh bộ đội quân khu 7 trong những cánh rừng rậm còn chưa kịp gỡ mìn để tìm nguồn khoáng sản cần cho sản xuất.

Đó là những mẻ hàng trăm kilo véc-ni tổng hợp cách điện cho tráng dây đồng, tráng thiếc cho các lon nước trái cây, những mẻ sơn màu từ dầu hạt điều thay thế sơn ta vì lúc ấy không nhập được nhựa sơn từ Campuchia...

GS Ngọc Sơn có những cảm xúc đặc biệt về ngày 30/4/1975 lịch sử. "Được làm công dân của một nước độc lập, được sống ngẩng đầu trên đất nước thân thương của mình quả thật là hạnh phúc."

Xuân Linh