- "Xứ Huế quê tôi hầu như mỗi lần Tết đến là mang theo cái giá lạnh và ẩm ướt. Có năm trời mưa dai dẳng. Chợ búa nghỉ Tết khá lâu..." - bài dự thi của độc giả Tôn Thất Thọ.


Nhà tôi anh em đông  nên mạ lo thực phẩm ăn Tết rất chu đáo. Ngoài cái nồi bánh chưng, bánh tét to đùng và các loại mứt bánh để cúng ông bà và mời khách; năm nào cũng thế, mạ còn hầm thêm một nồi măng hầm thịt vịt cuốn với bánh tráng, để đãi khách và cũng để bọn tôi ăn suốt cả tuần .

                             

Từ mấy tháng trước, mạ đã mua măng khô dự trữ, cho rẻ! Gần đến ngàyTết, mạ bắt đầu đem măng ra ngâm nguyên miếng trong nước lạnh. Những cái thau lớn được trưng dụng để ngâm măng. Mỗi tối phải xả nước và thay nước mới. Qua ngày thứ ba, mạ ngồi xẻ măng ra từng miếng nhỏ và dài. Việc xẻ măng  có khi mạ làm suốt cả một ngày…Sau đó là nấu măng, phải nấu thật sôi rồi qua 2 lần xả nước; sau đó mới nấu bằng nước sạch để măng không còn mùi hăng. Nhờ vậy, cái màu nâu khô của măng đã trở thành màu vàng tươi rất lôi cuốn !.


Đến ngày 29 Tết, nồi măng thịt vịt được mạ bắt đầu hầm. Trông những sợi măng khô vàng sẫm vừa trương nước, lẫn với những miếng thịt vịt đã được ninh nhừ, nhỏ nhắn, trông thật hấp dẫn làm sao ! Nồi măng không quá khô , mà cũng không quá nhiều nước. Sau khi hầm trên bếp một thời gian; đêm đó, mạ lại đặt nồi măng sát nồi bánh chưng , để ăn theo”  hơi nóng hừng hực tỏa ra từ bếp lửa đầy than hồng . Bọn tôi xúm xít chung quanh bếp lửa để sưởi ấm trong đêm Xuân lạnh lêo…


Trong món măng hầm thịt vịt của mạ, măng không phải là món rau phụ trợ như ở những món gỏi măng, bún măng vịt... mà nó là nguyên liệu chủ lực. Măng đã thẩm thấu một cách đậm đà hương vị ngon ngọt của thịt vịt hầm chung với nó, đã trở thành hương vị rất đặc trưng của món măng hầm. Nhưng để có được những sợi măng mềm giòn, hâm đi hâm lại, thấm gia vị nhưng không mềm rã, theo lời mạ nói : “ phải là măng Phan Thiết…!”


Măng hầm thịt vịt có thể ăn với cơm nóng, hoặc với bánh chưng, bánh tét đều rất ngon. Nhưng bọn tôi đứa nào cũng thích cuốn măng với bánh tráng, ăn với rau sống, gồm sà lách, rau muống xắt nhỏ, cải con…chấm với nước mắm chua ngọt. Bánh tráng dùng để cuốn cũng được mạ mua từ mấy tháng trước, nó không quá mềm và hơi dẻo nên rất  dễ cuốn. Nước chấm chua ngọt gồm ớt , tỏi , chanh , đường…được mạ pha sẵn đựng trong  tô để bọn tôi có thể  dùng cả ngày .Còn rau sống thì ôi thôi cả một rỗ thật lớn! Món măng hầm này, ăn nóng hay ăn nguội đều ngon !


Món này rất ý vị, để càng lâu, hâm đi hâm lại nhiều lần thì sợi măng càng mềm, càng thấm thịt, ăn càng đậm đà hương vị. Mạ nói:


 -Ba ngày Tết ăn nhiều thịt, nhiều mỡ quá thì dễ ngán, nhiều khi không tiêu, dễ đau bụng. Ăn măng hầm thịt vịt với rau cho đỡ ngán và dễ tiêu !…”.


Năm nào cũng thế , ngày ba mươi Tết thì nồi măng hầm của mạ rất to, nhưng chưa hết ngày mồng 3 Tết thì đã vơi đi quá nửa !...


Lớn lên, xa quê hương lập nghiệp, nhưng Tết năm nào cũng thế, nhà tôi cũng bắt chước mạ làm món măng hầm thịt vịt, nhưng thật khó mà tìm được thứ măng Phan Thiết, mềm và dai như nồi măng của mạ ngày xưa…!


Ngoài lý do là một thức ăn ngon và không ngán trong ba ngày Tết, nồi măng hầm  của mạ là một bài học sâu sắc dạy cho chúng tôi sống giữa cuộc đời:


Một khi đã thừa thãi về một điều gì đó, các con hãy tìm một giá trị khác cao đẹp hơn, để giữ thăng bằng cho cuộc sống và cho tâm hồn….”.


Nồi măng hầm thịt vịt của mạ như là biểu tượng Mùa Xuân đời người của tôi …!


Tôn Thất Thọ