Tỉnh Quảng Ninh xác định sự hỗ trợ, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời điểm cam go là yếu tố quan trọng, cốt lõi giúp doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, thách thức.

Do đó, khi dịch Covid-19 mới ảnh hưởng tới Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động nắm bắt các khó khăn, nhanh chóng triển khai hàng loạt các giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng ban hành các cơ chế, chính sách để làm trợ lực cho các doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động.

Chỉ trong 4 tháng, HĐND tỉnh đã ban hành 4 nghị quyết quan trọng (số 245, 256, 266, 286) để đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, hỗ trợ kích cầu du lịch.

{keywords}
Tỉnh Quảng Ninh xác định sự hỗ trợ, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời điểm cam go là yếu tố quan trọng, cốt lõi. 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ban hành cơ chế để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông sản, thúc đẩy tiêu thụ nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu thủy, hải sản... Vì vậy, khu vực du lịch dịch vụ dù bị ảnh hưởng rất sâu, song dự kiến hết năm 2020 vẫn đạt mức tăng trưởng 7,5%; nông lâm thủy sản có nhiều bứt phá khi tăng 3,8% so với năm trước.

Cùng với việc ban hành các cơ chế, chính sách, tỉnh đẩy mạnh công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo lành mạnh, thông thoáng, minh bạch; tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, tín dụng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp trong các KCN Cái Lân, Cảng biển Hải Hà, Hải Yên, Đông Mai... nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai các dự án đầu tư.

Để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, tỉnh tạm dừng các cuộc kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp theo kế hoạch; chuyển cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với minh bạch hóa, tránh chồng chéo trong kiểm tra, thanh tra.

 Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện tốt trọng trách quốc gia được Chính phủ giao phó là đón đội ngũ chuyên gia, nhân sự chất lượng cao của các doanh nghiệp nước ngoài qua sân bay quốc tế Vân Đồn trở lại làm việc trong các nhà máy, công xưởng, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi kinh tế.

Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong đồng hành cùng doanh nghiệp, các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn giữ được sức sản xuất, tạo giá trị gia tăng các sản phẩm, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Với khoảng 2.000 doanh nghiệp thành lập mới và 600 doanh nghiệp hoạt động trở lại trong năm đã nâng tổng số 19.600 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2020, với tổng vốn đăng ký  đầu tư 180.000 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh, hoạt động ổn định trở lại đã đóng góp không nhỏ vào mục tiêu hoàn thành tăng trưởng GRDP 10% của tỉnh và thu ngân sách nhà nước dự kiến 49.300 tỷ đồng.

Lê Thuý