Ngày 29 tháng Một năm nay, công ty cổ phần tập đoàn Yeah1 đã có một buổi báo cáo kết quả kinh doanh đầy triển vọng với doanh thu đạt 1.658,2 tỷ đồng, tăng trưởng đến 97,3% và lợi nhuận tăng trưởng đến 118,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 180 tỷ đồng. Cùng với kết quả kinh doanh thuận lợi là các kế hoạch mở rộng sang các thị trường khác như Indonesia và Phillipines khi tập trung hơn vào mảng kinh doanh kỹ thuật số.
Tuy nhiên, ngay đầu tháng 3 năm nay, mọi triển vọng lạc quan cùng các kết quả tích cực của Yeah1 đã bị thổi bay với một thông báo đến từ YouTube. Theo đó, YouTube sẽ chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHSA: Content Hosting Agreement) sau ngày 31 tháng 3 năm 2019 tới đây với công ty con, công ty tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan tới mảng kinh doanh quảng cáo YouTube Adsense của Tập đoàn.
Sau quyết định của YouTube, cổ phiếu YEG của Yeah1 nhanh chóng giảm sàn nhiều phiên liên tiếp và khiến vốn hóa công ty bốc hơi hơn 1.000 tỷ đồng, bất chấp nỗ lực trấn an của ban lãnh đạo công ty khi cho biết, mảng kinh doanh YouTube Adsense chỉ đóng góp khoảng 1 triệu USD cho Yeah1 trong năm 2018, tương đương khoảng 13% lợi nhuận sau thuế của tập đoàn.
Tại sao khoản 1 triệu USD này có thể khiến vốn hóa Yeah1 bốc hơi hơn 1.000 tỷ đồng
Nếu nhìn vào cơ cấu kết quả kinh doanh năm 2018 của Yeah1, người ta thấy công ty đang phụ thuộc vào YouTube đến mức nào. Với 55,6% doanh thu và đến 88,6% lợi nhuận toàn Tập đoàn đều đến từ mảng kinh doanh kỹ thuật số trên YouTube – nghĩa là họ hoàn toàn phụ thuộc vào người khổng lồ này, với các chính sách rất ngặt nghèo và có thể thay đổi một cách đột ngột.
Với vai trò là một mạng lưới quản lý đa kênh (MCN: Multi Channel Network), Yeah1, thông qua các công ty con, bao gồm SpringMe Pte Ltd, Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC, sẽ làm trung gian để tuyển chọn và quản lý các kênh YouTube riêng lẻ cho các cá nhân, giúp họ thu hút lượt xem và tăng doanh thu quảng cáo. Thông qua các công ty này, hiện Yeah1 là hệ thống kênh YouTube hàng đầu châu Á với hơn 3.000 kênh và 610 triệu người đăng ký.
Nhưng đây cũng chính là nguồn cơn cho quyết định của YouTube. Phía YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (một công ty có trụ sở tại Thái Lan, nơi Yeah1 sở hữu gián tiếp với 16,93% cổ phần) đã có hoạt động quản lý, tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của họ, dẫn tới việc chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung CHSA nói trên.
Tuy nhiên, không chỉ riêng SpringMe bị ảnh hưởng, tất cả các công ty con khác của Yeah1, bao gồm Yeah1 Network và ScaleLab cũng bị YouTube áp dụng chính sách tương tự. Việc một công ty vi phạm nhưng biện pháp trừng phạt lại áp dụng cho cả các công ty độc lập có liên quan cho thấy YouTube có quyền lực gần như tuyệt đối với các mạng lưới kênh này, thay vì mối quan hệ hợp tác cộng sinh như mọi người vẫn thường nhầm tưởng.
Mức độ phụ thuộc vào YouTube ngày càng gia tăng
Đây cũng chính là điều mà công ty từng dự báo. Nhưng theo kế hoạch doanh thu giai đoạn từ trong bản cáo bạch của công ty, vai trò của YouTube trong việc mang lại doanh thu cho công ty sẽ ngày càng lớn hơn nữa.
Ngay đầu năm 2019, công ty đã hiện thực hóa chiến lược đó của mình bằng việc chi ra 20 triệu USD để thâu tóm ScaleLab nhằm có được trong tay hệ thống 1.750 kênh YouTube mà hãng này đang quản lý. Ngoài ra, công ty còn tiếp tục thâu tóm thêm Thoughtful Media (tại Mỹ) và Thoughtful Thailand Limited (tại Thái Lan) để tăng cường thêm số kênh mình quản lý.
Với việc phụ thuộc hoàn toàn vào YouTube để có được doanh thu, số phận Yeah1 có thể trở nên quá bấp bênh, nhất là khi quyết định vừa qua của YouTube cho thấy, nguồn thu từ hàng nghìn kênh họ đang quản lý đó có thể mất đi bất kỳ lúc nào, và nó có thể đến từ những lý do mà họ khó có thể kiểm soát nổi.
Dù công ty cho biết, đóng góp từ YouTube Adsense chỉ khoảng 13% lợi nhuận toàn tập đoàn (trên thực tế, doanh thu MCN từ Yeah1 Network năm 2018 lên tới 461.7 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế đạt 91,8 tỷ đồng), nhưng rõ ràng khi mức độ phụ thuộc vào YouTube quá lớn như hiện nay, 76% lợi nhuận còn lại của Yeah1 cũng có thể mất đi bất cứ lúc nào.
Theo GenK