Theo thông tin báo chí đã đưa, tranh chấp giữa CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) – đơn vị tổ chức Giải bóng đá Vô địch quốc gia 2023 (V-League 2023) đã bước sang một giai đoạn mới khi HAGL nộp đơn kiện tại Toà án.

Tranh chấp này liên quan đến việc VPF không cho phép HAGL sử dụng hình ảnh nhà tài trợ CLB trong phạm vi giải đấu vì lý do nhãn hàng cạnh tranh với nhà tài trợ độc quyền của giải.

Mặc dù nội dung đơn kiện do HAGL chưa được công bố cụ thể, nhưng ông chủ CLB là bầu Đức đã nhiều lần viện dẫn Luật Cạnh tranh (LCT) 2018 như là cơ sở pháp lý để khởi kiện.

Việc áp dụng pháp luật cạnh tranh (PLCT) để giải quyết một tranh chấp thể thao không chỉ chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam, mà cũng là một thực tiễn mới mẻ trên bình diện quốc tế.

Bài viết này phân tích một số khía cạnh của vụ việc trên cơ sở tham chiếu với các án lệ đáng chú ý tại Châu Âu về áp dụng PLCT trong thể thao thời gian gần đây.

Tài trợ độc quyền có phải là vấn đề?

Điểm đáng chú ý đầu tiên trong vụ việc HAGL – VPF là việc bầu Đức đã nêu khoản 2 Điều 8 của LCT 2018 “nghiêm cấm tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh” làm cơ sở pháp lý (1) để phản đối VPF.

Theo câu chữ điều luật, có thể hiểu HAGL xác định VPF bị coi là bên thực hiện hành vi “ép buộc hoặc tổ chức..”, còn “doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh” chính là nhà tài trợ độc quyền của giải. 

Cách hiểu như vậy có lẽ sẽ không đi đúng bản chất cạnh tranh và vai trò của các bên trong vụ việc này.

Đúng là từ khóa “độc quyền” trong tài trợ luôn gây chú ý. Tuy nhiên, tài trợ độc quyền thường không phải là mối quan ngại quá lớn cho các cơ quan thực thi PLCT.

Việc các doanh nghiệp tài trợ tiền, hiện vật để đổi lấy quyền hiện diện thương mại (branding) tại một sự kiện thể thao đã là một thông lệ lâu đời. Sự hiện diện độc quyền của một doanh nghiệp tại một giải bóng đá, không có nghĩa là các doanh nghiệp cùng ngành bị triệt đường đến với công chúng: họ có thể tài trợ các môn thể thao khác như bóng chuyền, bơi lội, võ thuật hay cờ vua… vốn rất khát tài trợ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Nếu cho rằng sức hấp dẫn của môn thể thao vua tạo nên sự khác biệt đủ để trở thành một thị trường sản phẩm liên quan, thì họ cũng có thể xem xét tài trợ World Cup, UEFA Champion League hay AFF Cup, miễn là có đủ tiền.

Mặt khác, tài trợ là một nguồn thu sống còn cho hoạt động thể thao, khi nguồn thu truyền thống từ bán vé từ lâu đã không đủ trang trải kinh phí cho các vận động viên và giải đấu.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp cạnh tranh thường không hào hứng ngồi cùng nhau trong một sự kiện, vì hiệu quả tiếp thị hạn chế, và thông điệp gửi đến khán giả sẽ bị xáo trộn.

Ngược lại, họ sẵn sàng trả một giá cao hơn để có được sự hiện diện duy nhất trong ngành hàng của mình. Khả năng bán một gói tài trợ độc quyền lớn hơn nhiều so với bán nhiều gói lẻ cho các doanh nghiệp cạnh tranh, trong khi chi phí giao dịch lại thấp hơn.

Cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai tập luyện trên sân Pleiku để chuẩn bị cho trận mở màn V-League 2023 - Ảnh: HAGL FC

Một khoản tài trợ độc quyền cho giải đấu có thể làm phát sinh quan ngại, nhưng vẫn tốt hơn là không có tài trợ và cũng không có giải đấu. Hiệu quả kinh tế và lợi ích xã hội của việc tài trợ độc quyền sẽ đủ để nó được bảo vệ theo nguyên tắc hợp lý (rules of reasons) trước bất kỳ quan ngại nào về cạnh tranh.

Với cùng quan điểm, các toà án tại châu Âu đã bảo vệ quyền của nhà tài trợ độc quyền và ủng hộ các biện pháp của họ, cũng như đơn vị tổ chức sự kiện, nhằm ngăn chặn đối thủ cạnh tranh lợi dụng hình ảnh sự kiện, đặc biệt là chống các hoạt động tiếp thị phục kích (ambush marketing) (2).

Trong vụ việc tranh chấp giữa hãng sản xuất dụng cụ thể thao Dunlop và Liên đoàn Cầu lông Hà Lan (NBB) năm 2011 (3), công ty này kiện NBB do liên đoàn, căn cứ hợp đồng tài trợ độc quyền với Yonex, đã buộc các thành viên đội tuyển quốc gia Hà Lan phải sử dụng trang phục và dụng cụ có in logo nhà tài trợ, dẫn đến việc một số vận động viên vi phạm hợp đồng tài trợ cá nhân đã ký với Dunlop từ trước.

Toà án Hà Lan đã kết luận hợp đồng tài trợ độc quyền giữa Yonex và NBB không vi phạm luật cạnh tranh, và không hạn chế cơ hội tiếp thị của Dunlop khi các vận động viên liên quan tham gia các hoạt động thể thao khác ngoài đội tuyển.

Tuy nhiên, thú vị hơn, toà lại phán quyết rằng việc NBB buộc các vận động viên muốn lên tuyển phải vi phạm hợp đồng tài trợ cá nhân của họ với Dunlop là sai phạm, và vì vậy phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho các bên liên quan.

Có thể thấy, trách nhiệm của liên đoàn thể thao trong trường hợp này phát sinh từ luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tort law), chứ không chỉ dừng ở PLCT nữa.

Vai trò của đơn vị tổ chức giải

Có thể phỏng đoán, HAGL đã có những băn khoăn nhất định khi đánh giá một đơn vị tổ chức sự kiện thể thao có phải là chủ thể của hành vi phản cạnh tranh hay không, và cuối cùng đành viện dẫn khoản 2 điều 8 của LCT 2018 - vốn chỉ áp dụng cho những hành vi mang tính chất giúp sức, hỗ trợ đối tượng vi phạm.

Toà Công lý Châu Âu (ECJ) đã giải đáp khúc mắc tương tự trong án lệ nổi tiếng Meca-Medina năm 2006, khẳng định việc áp dụng các điều 81 và 82 (về cạnh tranh) của Hiệp định Thành lập Cộng đồng chung Châu Âu để xem xét các quy tắc, quy chế thể thao, và xử lý bất kỳ thực thể (undertaking) nào tham gia thể thao như một hoạt động kinh tế, bao gồm cả các liên đoàn thể thao, tổ chức điều hành, câu lạc bộ và thậm chí cả vận động viên.

Trong bối cảnh V-League 2023, việc áp dụng PLCT sẽ dễ dàng hơn vì đơn vị tổ chức giải đấu – VPF lại là một doanh nghiệp, vì thế có thể trở thành một đối tượng điều chỉnh đầy đủ của Luật Cạnh tranh 2018. Việc đánh giá tác động cạnh tranh trong hoạt động của VPF sẽ cần được liên kết đến vai trò kép của doanh nghiệp này:

Một mặt, VPF là doanh nghiệp được giao quyền quản lý, tổ chức và điều hành các Giải Bóng đá Chuyên nghiệp quốc gia. Với quyền hạn này, VPF nắm độc quyền cung cấp dịch vụ tổ chức giải bóng đá quốc gia, tạo nên một thị trường liên quan đặc biệt và khép kín dành cho khách hàng là các đội bóng chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Các CLB muốn tham gia hoạt động bóng đá chuyên nghiệp như HAGL không có lựa chọn nào khác ngoài sử dụng dịch vụ của VPF, đóng góp lệ phí tham gia giải và tuân thủ điều lệ giải do đơn vị tổ chức ban hành.

Độc quyền của VPF được trao lại từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này, và độc quyền của VFF lại được ghi nhận trong Điều lệ của Liên đoàn, được ban hành theo một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (4).

Vì thế, nó mang màu sắc của một độc quyền hành chính. Trong một lĩnh vực mà VPF có thể thiết lập quy tắc, ấn định giá và điều kiện tham gia, cũng như thực thi chế tài lên các bên không tuân thủ, quyền lực thị trường của doanh nghiệp này là không giới hạn.

Mặt khác, khi khai thác quyền thương mại của giải đấu, VPF thực tế đã trở thành đối thủ cạnh tranh của những CLB như HAGL ở thị trường thứ cấp này.

Tại một sự kiện thể thao như V-League, cả đơn vị tổ chức và các CLB thực tế đều bán cùng một loại sản phẩm cho cùng một nhóm khách hàng là các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo truyền thông.

Áo thi đấu của CLB HAGL đã in logo nhà tài trợ mới

Trong khi gói tài trợ của VPF cho phép doanh nghiệp tài trợ hiện diện tại toàn bộ giải đấu, thì gói tài trợ của mỗi CLB sẽ cho phép sự hiện diện đó tại các hoạt động/trận đấu của giải có sự tham gia của CLB đó. Tuy phạm vi có khác biệt, nhưng khả năng thay thế là hoàn toàn có thể, vì chúng đáp ứng cùng mục đích của khách hàng.

Đây cũng là quan điểm mà Uỷ ban Châu Âu đưa ra khi đánh giá cơ chế chào bán chung quyền thương mại cho các trận đấu tại Champion League do UEFA đề xuất năm 2003: UEFA và các CLB bóng đá là các đối thủ cạnh tranh về kinh tế trong việc bán quyền thương mại đối với các trận đấu bóng đá (5).

Cuối cùng, như cáo buộc của HAGL, việc VPF thực thi quyền của đơn vị tổ chức giải để ban hành và áp dụng Điều lệ giải, trong đó hạn chế quyền bán tài trợ của CLB kể cả trong một phạm vi truyền thống như  “mầu cờ - sắc áo”, đã cản trở các CLB thực hiện hoạt động cạnh tranh với VPF khi bán gói tài trợ, đồng thời đem lại lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp này.

Hành vi của VPF  đang gây ảnh hưởng đến đối thủ cạnh tranh của chính VPF, chứ không phải đến doanh nghiệp cạnh tranh của nhà tài trợ giải. Vì vậy hành vi này có đủ điều kiện để bị xem xét theo khoản 2 Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018 về lạm dụng vị trí độc quyền, có thể dưới hình thức “áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng” hoặc “ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác”.

Cơ quan nào sẽ xét xử?

Nói rằng VPF và quy định tại Điều lệ V-League thuộc phạm vi điều chỉnh của LCT 2018, không có nghĩa rằng có thể kết luận ngay doanh nghiệp này đã vi phạm luật.

Trong vụ Meca-Medina và Sách trắng về Thể thao tiếp theo đó, ECJ đã nhận định khi đánh giá một quy tắc, quy chế thể thao có hạn chế cạnh tranh hay không, cần phải xét đến mục tiêu đảm bảo hoạt động/sự kiện thể thao sẽ bền vững, hiệu quả và công bằng cho các bên tham gia.

Cơ quan xét xử trong vụ việc HAGL-VPF sẽ cần đánh giá kỹ các yếu tố của vụ việc, bao gồm cả các lập luận của VPF về ý nghĩa gói tài trợ độc quyền cho công tác tổ chức V-League, và tiền lệ quy định tại các mùa giải trước, để đưa ra phán quyết.

Việc nộp hồ sơ tại toà án có vẻ là một lựa chọn bất đắc dĩ, bởi thẩm quyền tiến hành tố tụng cạnh tranh và kết luận vi phạm thuộc về Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (UBCT), một cơ quan chưa tồn tại tại thời điểm tranh chấp.

Tuy nhiên, ngày 29/3 vừa qua, UBCT đã chính thức được thành lập, và bên khởi kiện sẽ sớm lựa chọn khác nếu toà án từ chối thụ lý  hồ sơ vì không thuộc thẩm quyền.

Để toà án thụ lý vụ việc, nguyên đơn cũng có thể xem xét khởi kiện trên cơ sở buộc chấm dứt hành vi vi phạm hoặc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong trường hợp này, toà án vẫn phải đánh giá tính chất vi phạm của hành vi bị kiện, và có thể trưng cầu ý kiến chuyên môn của UBCT. Đây sẽ là một thủ tục cũng chưa từng có tiền lệ cho một tranh chấp chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

Ngoài toà án và cơ quan cạnh tranh, còn một giải pháp thứ ba là đưa tranh chấp ra giải quyết tại một cơ quan hành chính. Việc các cơ quan hành chính giải quyết các tranh chấp kinh tế có thừa tiền lệ ở Việt Nam, và, xét đến yếu tố độc quyền hành chính trong vụ việc,  sự giải toả hay khắc phục độc quyền đó thông qua mệnh lệnh hành chính cũng là hợp lý.

Tuy nhiên, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cơ quan có thẩm quyền quản lý hoạt động thể thao và Liên đoàn bóng đá Việt Nam, dù đã nhận nhiều đơn thư từ các bên liên quan, cho đến nay vẫn giữ im lặng.

Đoàn Tử Tích Phước - Chuyên gia luật cạnh tranh

Chú thích: 

(1) https://tuoitre.vn/hoang-anh-gia-lai-kien-vpf-ra-toa-20230202220613069.htm

(2) Tiếp thị phục kích được định nghĩa là một hành vi cố ý của doanh nghiệp không tài trợ một sự kiện nhưng cố dành những quyền lợi tương tự như dành cho nhà tài trợ chính thức của sự kiện đó (Bayless -1988). Trên phạm vi hẹp hơn, hành vi này được coi là việc tấn công, làm yếu đi sự liên kết với một sự kiện thể thao mà đối thủ cạnh tranh có được thông qua tài trợ ( Schmitz - 2005)

(3) Rechtbank Utrecht, 30 November 2011, 289895/HA ZA 10-1563

(4) Quyết định 243/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 21 tháng 3 năm 2014 phê duyệt Điều lệ (sửa đổi bổ sung) của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam.

(5) Quyết định của UB Châu Âu ngày 23/7/2003 về vụ việc số 37398, OJ 2003 L 291/25, đoạn 128.