Mở rộng hạn điền là hướng đi thể hiện tinh thần đổi mới quyết liệt. Nhưng câu chuyện chính ở đây là làm thế nào để khi đất đai dồn lại người nông dân có đời sống khá hơn thì khía cạnh đáng lo ngại nhất lại ở chỗ người nông dân ra đi, chứ không phải câu chuyện là người nông dân ở lại.
Câu chuyện mở rộng hạn điền rõ ràng làm năng suất sản xuất nông nghiệp tăng lên. Thế nhưng làm lúa có làm cho đời sống nông dân khá lên không và khi tích tụ ruộng đất và cơ giới hóa nhiều nông dân sẽ mất việc làm?
TS. Đặng Kim Sơn: Câu chuyện về lúa là câu chuyện quan trọng, nhưng gắn với khía cạnh hạn điền theo một góc độ khác.
Nếu mà muốn tăng hiệu quả sản xuất lúa lên thì việc đầu tiên là phải tăng quy mô: nếu một hộ gia đình sản xuất vài sào lúa thì không thể nào có thu nhập ổn được, chứ đừng nói là giàu, nhưng nếu chỉ cần tăng quy mô lên chừng độ vài héc ta thì ngay cả chỉ trồng lúa chắc chắn sẽ có lãi.
Việc tăng qui mô sản xuất mở ra cơ hội áp dụng cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, sử dụng nước tiết kiệm hơn, kết hợp khoa học kỹ thuật để tạo ra khối lượng nông sản đồng nhất có qui mô lớn hơn sẽ dẫn đến tăng thu nhập cao hơn. Chưa nói đến chuyển sang làm nông nghiệp đa canh kết hợp với lúa.
Tuy nhiên, câu chuyện chính ở đây là làm thế nào để người nông dân sẽ có đời sống khá hơn. Mở rộng hạn điền, sẽ mở cơ hội cho một số người nông dân tiếp tục gắn bó với ruộng đồng, và sẽ có những người nông dân ly hương.
Về lý thuyết, khi nông nghiệp đẩy lao động ra khỏi ruộng đất thì nhà máy và công xưởng phải hút lao động vào, và hút vào không chỉ để người ta làm việc mà hút vào để họ thay đổi thân phận, tức là anh nông dân được thay bằng anh công nhân, anh viên chức hay anh kinh doanh. Cái đáng lo ngại nhất, câu hỏi đặt ra hiện nay, là hoàn cảnh kinh tế - xã hội của Việt Nam lại không cho điều đó diễn ra thuận lợi.
Mở rộng hạn điền là hướng đi thể hiện tinh thần đổi mới quyết liệt. Ảnh: Lê Hoàng Vũ/Báo Đầu Tư |
Lĩnh vực công nghiệp trong mấy chục năm gần đây mặc dù tăng trưởng trên hai con số, nhưng tốc độ thu hút lao động tăng rất ít. Các dịch vụ của chúng ta thu hút vào lao động nhiều hơn, nhưng toàn các dịch vụ “không chính thức”, tức là người đi làm không có hợp đồng, không có bảo hiểm, không có tương lai.
Còn bộ máy nhà nước phình quá, bây giờ chỉ có giảm bớt đi, không thể tăng thêm được. Tóm lại, nông nghiệp thì đẩy lao động ra, nhưng phi nông nghiệp lại không hút lao động vào, câu chuyện tưởng là vướng ở thị trường đất đai, nhưng thật ra là vướng ở thị trường lao động.
Với chuyện mở rộng hạn điền thì chúng ta sẽ giải quyết nguy cơ đó như thế nào?
Để giải quyết câu chuyện về lao động thì chúng ta phải xử lý tốt bài toán tái cơ cấu lại nền kinh tế.
Nền kinh tế của Việt Nam trong 30 năm đổi mới vừa qua có khía cạnh thành công là đã phần nào phát triển theo quy luật cơ chế thị trường, nhưng lại có khía cạnh không thành công tức là đã theo quy luật cơ chế thị trường thì điều đầu tiên phải dựa vào lợi thế so sánh.
Việt Nam có hai lợi thế: một là lao động (con người nhiều, trẻ, có năng lực, sáng tạo, cần cù), hai là có nông nghiệp rất mạnh (đất đai, thời tiết, thiên nhiên và lao động sẵn sàng). Nhưng kinh tế Việt Nam lại không đầu tư vào đấy, toàn bộ của cải vật chất xã hội trong 30 năm qua 95% là đầu tư vào công nghiệp và dịch vụ.
Và trong công nghiệp và kinh tế đô thị cũng đầu tư vào rất nhiều ngành mà chúng ta không có lợi thế, như xi măng, sắt thép, đóng tàu,… và về chính sách thì một loạt những thứ trợ cấp, bảo vệ, đầu tư công, đầu tư nước ngoài đều dồn cả vào đấy, chính vì thế cho nên lực lượng lao động dồi dào của chúng ta, mà chúng ta gọi là độ tuổi vàng đã lãng phí đi mất 2/3 thời gian rồi, giỏi lắm chỉ còn 1/3 quĩ thời gian tới đây nữa thôi.
Tương tự như thế, sức mạnh của chúng ta về nông nghiệp, đáng nhẽ nếu chúng ta phát triển một nền nông nghiệp theo chiều sâu (chế biến, theo hiệu quả, theo chất lượng, theo giá trị, bằng khoa học công nghệ,…) thì sức lớn của nông nghiệp chúng ta sẽ hơn rất nhiều. Nhưng chúng ta lại dựa vào một cái nền nông nghiệp khai thác tài nguyên, dùng nhiều vật tư, nhiều lao động, chạy theo sản phẩm rẻ, bán vào thị trường dễ tính,… cho nên là chúng ta làm lãng phí rất nhiều tài nguyên và làm lãng phí rất nhiều thời gian.
Trong đó có cả câu chuyện lãng phí đất đai, hàng chục năm không dám xử lý vấn đề hạn điền, vấn đề đa canh sản xuất nông nghiệp, vấn đề đất nông lâm trường,…Rõ ràng câu chuyện đã là quá chậm.
Đã đến lúc cuộc sống buộc chúng ta phải kiên quyết bẻ lái, thay đổi lại, không chỉ tái cơ cấu riêng trong ngành nông nghiệp mà quan trọng hơn là phải làm cái việc chúng ta cứ nói suốt ra rả suốt mấy năm nay là tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng.
Nhưng tái cơ cấu như thế nào? Theo tôi, phải định hướng trở lại đúng cơ chế thị trường là là phát huy lợi thế tự nhiên của đất nước là tài nguyên con người và sản xuất nông nghiệp.
Nước lớn Trung Quốc nằm bên cạnh chúng ta đã được cả thế giới công nhận là công xưởng của thế giới rồi, thế mạnh của họ là công nghiệp rõ ràng rồi, từ công nghiệp nhẹ tới công nghiệp nặng.
Tôi cho rằng con đường thoát cho kinh tế Việt Nam phải là con đường phát triển một nền kinh tế dịch vụ, vì đó chính là một nền kinh tế tập trung huy động sức lao động của con người, dùng trí tuệ của con người, dùng sự khéo léo, tài năng của con người trực tiếp làm ra của cải vật chất.
Trong nền kinh tế dịch vụ từ thấp đến cao, có đỉnh là dịch vụ phần mềm, IT, thiết kế, tư vấn, chuyên gia…, cũng có phần ở giữa rất là rộng lớn như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, văn hóa, nghệ thuật,… và có cả cái phần rất rộng ở bên dưới nữa như là giúp việc, thợ xây dựng, bảo vệ nông nghiệp, thủy thủ, quân sự,…. Với một cái nền xã hội và chính trị ổn định như Việt Nam thì tôi nghĩ đây là cơ hội rất tốt cho chúng ta bắt vào thị trường ấy.
Thời gian vừa qua những nước giàu có như Singapore, tập trung vào cái đỉnh cao, bao nhiêu người cần chữa bệnh, bao nhiêu người cần đào tạo thì đến đấy. Những nước khó khăn, như Philippines, thì toàn tập trung vào những chỗ thấp, như bao nhiêu người nấu ăn, bao nhiêu người giữ trẻ, bao nhiêu người giúp việc nhà thì họ đi họ làm.
Các nước trung bình, chẳng hạn như Trung Quốc, thì bao nhiêu người xây dựng, bao nhiêu người làm công nghiệp, bao nhiêu người lắp ráp, thì thuê người ở đấy đi.
Còn bản thân người Việt Nam không chịu lùi, họ cũng chủ động tiến vào nền kinh tế dịch vụ. Ở trong nước thì người giúp việc, cửu vạn, xe ôm, quán ăn, karaoke, xây dựng, buôn bán… . Ở ngoài nước thì phần mềm, tin học, làm tóc, nấu ăn, xây dựng, thủy thủ, nông nghiệp….
Nhưng đó mới chỉ là tự phát để mưu sinh, cũng như người nông dân phá rào ra làm ruộng khoán, người kinh doanh tự buôn thúng bán buôn trên thị trường “chợ đen” trước đây chứ chưa có chiến lược, chính sách, chủ trương của nhà nước, chưa có tổ chức, chưa có hiệp định. Không ai đầu tư cho họ, không ai bảo vệ, không ai nghiên cứu thị trường, công nghệ, không ai bảo hiểm những người đó, không ai đào tạo những người đó, không ai đánh thuế những người đó cả.
Tôi nói tài nguyên lớn nhất của chúng ta đang và phải khai thác là con người. Còn nông nghiệp thì chúng ta nói nhiều rồi, nhưng về thực chất hỗ trợ (vốn, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng,…) thì cũng trong cùng tình trạng bị bỏ quên như vậy.
Ông có theo dõi cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp trong An Giang không? Ông thấy thế nào, những kết luận của ông đã đáp ứng được tình hình chưa?
Có. Vừa qua Thủ tướng đi khá nhiều đến các vùng sản xuất nông nghiệp. Trước đấy, Thủ tướng nói vấn đề tôm ở bán đảo Cà Mau, rồi Thủ tướng lên Tây Nguyên nói về vấn đề cà phê, và vừa rồi Thủ tướng về Đồng bằng Sông Cửu Long nói về lúa gạo.
Chúng ta còn có thể kể ra thêm nhiều nông sản chiến lược khác như chè, hạt tiêu, hạt điều, đồ gỗ,… chúng ta phải biến tất cả những ngành hàng đấy thành các mũi nhọn chiến lược cho ngành nông nghiệp, như ban nãy tôi nói về mũi nhọn của ngành kinh tế dịch vụ.
Một khi nó đã là một cái ngành chiến lược của đất nước thì nó phải thể hiện ở với Luật lệ, chính sách, tổ chức, chiến lược, quy hoạch, đầu tư công…
Đội ngũ chuyên gia, các ông có cảm thấy thông điệp nào từ phía trên yêu cầu mình tham gia hoạch định chiến lược đó không?
Chính phủ có các hoạt động rất mạnh xung quanh các vấn đề phát triển kinh tế, xung quanh phát triển IT, phát triển du lịch, những hoạt động rất mạnh xung quanh thu hút doanh nghiệp phát triển đầu tư vào nông nghiệp, rất mạnh trong cái việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Đã có những tín hiệu rất mới, rất đúng hướng. Chúng ta vô cùng mong đợi là hướng đi đã bắt đầu hình thành lên rồi cần nhanh chóng trở thành hành động.
Xin cám ơn ông.
Mời xem lại kỳ 1: Cơ hội để người nông dân làm giàu trên cánh đồng của mình
Chuyện ông Lý Quang Diệu xử lý bán hàng rong“Chúng tôi không được coi là một xã hội có học thức, có văn hóa nếu chúng tôi không xấu hổ để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn hóa trong thời gian ngắn nhất có thể”. Nhập nhằng biển xanh và cái kết thu hồiHoan nghênh chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công an trong việc khẩn trương xác minh và thu hồi những tấm biển xanh cấp sai phép lập lại kỷ cương trật tự trong việc cấp biển này. Gạo xuất khẩu của Việt Nam: Châu Phi còn “lắc đầu”Cách thức sản xuất và xuất khẩu gạo của chúng ta có thể nói đã quá “cổ lỗ sĩ” |
Huỳnh Phan thực hiện