Với những người thích trường chuyên thì trường chuyên thật tuyệt vời, thầy cô, bạn học giỏi giang, học phí rẻ, chuyện thi cử cạnh tranh sòng phẳng, nghiêm túc, công bằng.
Với những người ghét trường chuyên, họ cho rằng trường chuyên đã lỗi thời, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nên “xóa sổ” trường chuyên...
Cuộc tranh luận ở nước ta có lẽ khó có hồi kết và ngã ngũ bởi ai cũng có quan điểm và lý lẽ riêng của mình. Đó cũng là lẽ thường tình.
Nhằm cung cấp một góc nhìn tham khảo về trường chuyên ở các nước cùng khu vực, chúng tôi lựa chọn tìm hiểu trường chuyên ở Singapore thế nào?
Khởi động Chương trình giáo dục năng khiếu
Với dân số chưa đầy 6 triệu, Singapore có nền giáo dục đẳng cấp thế giới với nhiều thành tựu rực rỡ, thành tích học tập của học sinh luôn ở top đầu thế giới, ngay cả khi so sánh thành tích trong các kỳ thi toán học quốc tế IMO, vốn là môn “tủ” của chúng ta thì thành tích của Singapore vẫn tốt hơn.
Singapore không có trường chuyên riêng biệt kiểu như Việt Nam. Họ học theo mô hình của Israel tổ chức một số lớp học học theo Chương trình giáo dục năng khiếu (GEP) trong các trường thông thường. Chương trình này bắt đầu được thực hiện thí điểm từ năm 1984 ở cấp tiểu học và cấp trung học.
Ở cấp tiểu học từ lớp 4 đến lớp 6 được thí điểm tại Trường nữ sinh tiểu học Raffles và Trường Rosyth. Ở cấp trung học từ lớp 7 đến lớp 12 được thí điểm ở Học viện Raffles và Trường nữ sinh trung học Raffles. Đến nay, Singapore có 9 trường tiểu học có Chương trình giáo dục năng khiếu.
Ở cấp trung học, Chương trình giáo dục năng khiếu diện quốc gia chấm dứt vào năm 2008, thay thế bằng chương trình giáo dục năng khiếu của trường theo kiểu chương trình tích hợp với lợi thế học sinh được phép chuyển tiếp lên học hệ cao đẳng mà không cần Chứng chỉ giáo dục phổ thông. Hiện nay, Singapore có 7 trường trung học cung cấp Chương trình giáo dục năng khiếu.
Mục đích của Chương trình giáo dục năng khiếu nhằm nuôi dưỡng những học sinh năng khiếu phát huy tối đa tiềm năng, trau dồi năng lực tư duy ở cấp độ cao hơn và năng lực tự học, trách nhiệm xã hội và nhận thức công dân.
Tuyển chọn học sinh xuất sắc
Việc tuyển chọn học sinh được thực hiện rất kỹ lưỡng, cạnh tranh khốc liệt, số học sinh được lựa chọn rất ít, tỷ lệ được chọn là 0,5 - 1%.
Ở cấp tiểu học, việc tuyển chọn bắt đầu vào năm 1983 với khoảng 40.000 học sinh lớp 3 tham gia một bài kiểm tra sàng lọc gồm 100 câu hỏi đánh giá khả năng tư duy số học, đọc hiểu và từ vựng.
Khoảng 2.000 học sinh tương ứng với 5% tốp đầu lọt vào danh sách tiếp tục tham gia kỳ thi tuyển chọn với ba bài kiểm tra đánh giá về khả năng ngôn ngữ, số học và năng lực với mức độ khó hơn.
Cuối cùng, 100 học sinh xuất sắc nhất được chọn theo Chương trình giáo dục năng khiếu lớp 4 được thí điểm tại Trường nữ sinh tiểu học Raffles và Trường Rosyth.
Ở cấp trung học, những học sinh đạt ít nhất ba điểm A trong Kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, khoảng 4 - 5 %, được mời tham gia kỳ thi tuyển chọn để chọn ra 100 học sinh giỏi nhất theo học Chương trình giáo dục năng khiếu lớp 7 được thí điểm tại Học viện Raffles và Trường nữ sinh trung học Raffles.
Hiện nay, việc tuyển chọn được thực hiện cụ thể như sau. Hàng năm, ở cấp tiểu học, nhà trường thông báo cho học sinh lớp 3 về vòng kiểm tra sàng lọc được tổ chức vào tháng 8 với hai bài thi là Tiếng Anh và Toán. Thông thường, tất cả học sinh lớp 3 đều làm bài kiểm tra này chỉ trừ những học sinh chọn không tham gia.
Những học sinh vượt qua vòng sàng lọc sẽ được mời tham gia vòng tuyển chọn vào tháng 10 diễn ra trong hai ngày với 4 bài thi gồm: Tiếng Anh; Đánh giá năng lực (Tiếng Anh); Toán; Đánh giá năng lực (Toán).
Các bài thi đánh giá năng lực tương tự các bài kiểm tra IQ, học sinh phải xác định các mẫu và giải các câu đố không theo tiêu chuẩn.
Kết quả được thông báo vào tháng 11. Nếu đỗ, học sinh được mời tham gia Chương trình giáo dục năng khiếu và chuyển đến một trong 9 trường tiểu học có Chương trình giáo dục năng khiếu vào năm tiếp theo.
Việc tuyển chọn học sinh năng khiếu năm 2023 được Bộ giáo dục Singapore thông báo trên website. Thời gian thực hiện từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 10 với 2 vòng. Nếu vượt qua được vòng sàng lọc, học sinh sẽ được thông báo qua trường học của mình vào đầu tháng 10. Nếu tiếp tục vượt qua vòng tuyển chọn, học sinh sẽ nhận được thư mời tham gia Chương trình giáo dục học sinh năng khiếu vào tháng 11 và nhập học 1 trong 9 trường tiểu học có Chương trình giáo dục năng khiếu vào năm tới.
Tìm những giáo viên ‘bậc thầy’
Người thầy vốn được coi trọng và đề cao ở Singapore, được xem là chìa khoá thành công, bởi vậy, với trường chuyên thì vị thế của người thầy càng được đề cao hơn.
Ngay khi Chương trình giáo dục năng khiếu bắt đầu, Singapore đặc biệt chú trọng tuyển chọn và đào tạo kỹ lưỡng đội ngũ giáo viên phù hợp với việc dạy học sinh năng khiếu. Một đơn vị đặc biệt được thành lập vào tháng 5 năm 1983 để tuyển chọn, đào tạo giáo viên. Có 14 giáo viên tiểu học và 16 giáo viên trung học được tuyển chọn và đào tạo đặc biệt để dạy cho lứa học sinh năng khiếu đầu tiên. Khi đó, Singapore mời hẳn chuyên gia danh tiếng người Mỹ gốc Nhật về giáo dục trẻ em năng khiếu trực tiếp đào tạo cho đội ngũ giáo viên này.
Ngày nay, các trường có Chương trình giáo dục năng khiếu ở Singapore tuyển dụng những giáo viên giỏi, có chuyên môn về giáo dục năng khiếu và có kinh nghiệm làm việc với những học sinh năng khiếu. Những giáo viên này được đào tạo chuyên môn và phát triển chuyên môn trong các chiến lược giáo dục năng khiếu. Họ tìm kiếm các giáo viên với các tiêu chuẩn rất cao, không chỉ giỏi chuyên môn mà toàn diện.
Giáo viên phải là “bậc thầy” về lĩnh vực chuyên môn, luôn cập nhật kiến thức, thấm đẫm hơi thở của cuộc sống, của thời đại, học tập suốt đời và liên tục đổi mới, cung cấp cho học sinh những kỹ năng cần thiết để thành công trong sự nghiệp tương lai. Họ có đủ năng lực giảng giải những khái niệm phức tạp cho học sinh có trình độ khác nhau, truyền cảm hứng học tập, hướng dẫn vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống bên ngoài phòng học.
Họ hướng tới các phẩm chất then chốt như có khả năng liên tục sáng tạo kiến thức chứ không chỉ hấp thu kiến thức; có khả năng đề xuất phương pháp học tập hiệu quả chứ không chỉ truyền đạt những thứ đã học; có khả năng kiến tạo môi trường học tập cho học sinh chứ không chỉ thực thi yêu cầu từ người khác.
Các giáo viên có khả năng kiến tạo nên các thế hệ học sinh phát triển cá tính riêng chứ không chỉ là thành viên trong lớp; và có khả năng dẫn dắt sự đổi mới giáo dục chứ không chỉ chạy theo sự đổi mới.
Phạm Mạnh Hùng
Chương trình giáo dục năng khiếu (GEP) được xây dựng trên nền tảng của chương trình giảng dạy thông thường nhưng với nội dung phong phú và thách thức hơn, mở rộng cả về bề rộng lẫn chiều sâu, vượt ra ngoài những vấn đề cơ bản, đòi hỏi tư duy ở cấp độ cao hơn và cung cấp nhiều cơ hội hơn cho việc tự học từ trải nghiệm của bản thân, khuyến khích khám phá về các lĩnh vực quan tâm, hướng tới sự phát triển toàn diện, khác với chương trình thông thường. Đặc biệt là ngay từ lớp 4, học sinh được dạy các kỹ năng nghiên cứu cốt lõi gồm: Phạm vi nghiên cứu; Nguồn thông tin; Thu thập dữ liệu; Phân tích dữ liệu; Trình bày các phát hiện của nghiên cứu... Chương trình giáo dục năng khiếu (GEP) hướng tới các mục tiêu: Phát triển chiều sâu trí tuệ và tư duy bậc cao; Nuôi dưỡng sự sáng tạo hiệu quả; Phát triển tinh thần học tập suốt đời; Nuôi dưỡng khát vọng đạt được sự hoàn hảo và xuất sắc của cá nhân; Phát triển lương tâm và cam kết phục vụ xã hội và đất nước; Xây dựng các giá trị đạo đức và phẩm chất lãnh đạo có trách nhiệm. Chương trình có các nội dung như sau: i) Nội dung phong phú: Mở rộng ra ngoài giáo trình cơ bản cả về chiều rộng và chiều sâu. Các chủ đề nâng cao hơn. Kết nối liên ngành. Khuyến khích nghiên cứu các vấn đề thực tế. Dạy các giá trị như tính kiên cường, tôn trọng, đồng cảm, chia sẻ, khiêm tốn, lạc quan, ham hiểu biết; tạo cơ hội hàng ngày cho học sinh hành động theo những giá trị này. Khám phá các vấn đề tình cảm trong các lĩnh vực chủ đề khác nhau ii) Làm giàu quá trình: Phát triển năng lực tư duy ở trình độ cao và các năng lực của thế kỷ XXI. Tạo cơ hội để khám phá và học hỏi kinh nghiệm. Cung cấp học tập dựa trên yêu cầu và giải quyết vấn đề mở. Dạy các kỹ năng nghiên cứu để học tập độc lập. Sử dụng các phương pháp giảng dạy khác nhau tùy theo sở thích học tập. Dạy kỹ năng giải quyết xung đột và làm việc nhóm. Xây dựng tính cách và niềm tin rằng hành động của học sinh mang lại sự khác biệt tích cực. iii) Làm giàu sản phẩm: Khuyến khích các dạng sản phẩm khác ngoài nhiệm vụ. Hỗ trợ sự sáng tạo. Phản ánh sự đa dạng của thế giới thực. Thúc đẩy thực học. Hỗ trợ các dự án do học sinh khởi xướng để xác định và giải quyết nhu cầu của cộng đồng. iv) Môi trường học tập: Kiến tạo một môi trường kích thích, hỗ trợ và lấy người học làm trung tâm. Cổ xúy tinh thần dám chấp nhận rủi ro. Phát triển nhận thức và chấp nhận bản thân. Khuyến khích kết giao với các bạn đồng trang lứa. Cung cấp các trải nghiệm học tập bên ngoài trường học, như các chuyến thăm quan công viên và bảo tàng... |