Từ năm 1985, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đặt ra vấn đề tại sao tiền lương trả cho toàn bộ bộ máy Chính phủ Singapore, quản lý một đất nước có GDP là 17 tỷ USD (năm 1985) chỉ là 2,5 triệu USD còn công ty Vận tải biển Singapore dù làm ra doanh số 1 tỷ USD nhưng tiền lương của lãnh đạo cao cấp của công ty lại là 2 triệu USD?

Tiền lương cao cho quan chức giỏi

Trong tham luận gửi Toạ đàm “Tiền lương tối thiểu và an sinh xã hội” hồi tháng 9 năm nay, ThS. Nguyễn Thị Vân Anh chỉ ra rằng, nhiều năm trở lại đây, Singapore đã nhấn mạnh đến tính cạnh tranh giữa lương trong khu vực công với khu vực tư nhân. Để thu hút được người tài, Chính phủ thường căn cứ thu nhập của khối tư nhân để đưa ra mức lương cho công chức.

Cụ thể, ngày 9/4/2007, Chính phủ Singapore đã công bố chế độ lương mới, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4/2007. Theo đó, ngân sách nước này phải chi thêm 214 triệu đô Sing (SGD) và nâng tổng số quỹ tiền lương lên 4,7 tỷ SGD/năm.

Mức lương chuẩn để tính lương cho các chức vụ từ Thư ký thường trực trở lên là 2,2 triệu SGD, ngang bằng với mức thu nhập trung bình cùng năng lực 8 ngành trong khu vực tư nhân.

{keywords}

Lương của Thư ký thường trực và Bộ trưởng khởi điểm 1,2 triệu SGD lên 1,6 triệu tương được 73% mốc lương chuẩn, đến cuối năm 2007 sẽ nâng lên bằng 77% và cuối năm 2008 sẽ là 88%.

Lương của Thủ tướng tăng từ 2,5 triệu lên 3,1 triệu; của Bộ trưởng Cao cấp và Cố vấn Bộ trưởng từ 2,7 triệu lên 3,04 triệu SGD.

Lương của cán bộ trung cấp trẻ và có triển vọng tăng từ 372 nghìn SGD lên 384 nghìn SGD gần ngang với thu nhập của người có độ tuổi từ 32 – 35 làm việc trong khu vực tư nhân.

Trong tiền lương có phần trả cố định hàng tháng, cụ thể Thủ tướng 102 nghìn, Thư ký thường trực và Bộ trưởng là 52,4 nghìn SGD. Phần còn lại được trả theo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế và hiệu quả công việc hàng năm.

Ghi nhận trong tham luận cho thấy hiện nay, mức lương Bộ trưởng và công chức ở Singapore vào loại cao nhất thế giới. Lương của Thủ tướng Singapore cao gấp 2 lần Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ, tức khoảng gần 500.000 USD/ năm. Lương các Bộ trưởng cũng ở dưới mức đó một chút.

Chính phủ nước này lập luận rằng, chế độ đãi ngộ góp phần quyết định vào những thành công của Singapore trong những thập kỷ qua và hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, cạnh tranh chất xám từ khu vực tư nhân và từ các nước khác ngày càng quyết liệt.

Điều giúp Singapore giữ được đội ngũ công chức tài năng, hiệu quả chính là chính sách trả lương cao tương xứng với hiệu quả công việc. Chính sách lương hợp lý, có tính cạnh tranh cao với khối tư nhân đã giúp bộ máy công chức hoạt động vô cùng hiệu quả. Chính phủ nước này luôn đứng đầu danh sách về độ minh bạch và chống tham nhũng.

Trông người mà ngẫm đến ta…

Cách đây ít lâu, tại Hội thảo khoa học “Về bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương” do Bộ Nội vụ tổ chức câu chuyện về mức lương công chức lại một lần nữa được mang ra mổ xẻ.

“Lương công chức hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động”, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội Vụ nhấn mạnh.

Do vậy, các giá trị xã hội của công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất để tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển.

Một vị chuyên gia khác, lại chỉ ra: “Chế độ tiền lương cơ sở (lương áp dụng đối với cán bộ, công - viên chức) hiện nay lấy hệ số trung bình là người tốt nghiệp đại học (có hệ số 2,34) - tức là dựa trên trình độ chuyên môn. Trong khi đó, hệ số cao nhất trong bảng này lại lấy là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, tức dựa trên chức danh.

Như vậy, theo chế độ này, với hệ số cao nhất là 13, nhân với mức lương cơ sở thì mức lương vị trí lãnh đạo cao nhất đất nước chỉ là hơn 15 triệu đồng. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 51/2013 thì mức lương cơ bản thấp nhất của kế toán trưởng một công ty hạng III (hạng thấp nhất) đã là 16 triệu đồng và vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên một tập đoàn kinh tế là 36 triệu.

“Chính sách tiền lương giống như chiếc áo lâu ngày đang bục dần. Nó cần được thay thế nhanh hơn để thay đổi diện mạo của một con người”, vị này nói.

Tuy nhiên, vị này cũng cho biết thêm, đấy là sự vô lý dựa trên quy định hiện nay, còn thực tế lại là câu chuyện khác.

Mặt khác, ước tính được ở Việt Nam cũng đang có đến 700.000 công chức đang không làm được việc, tiêu tốn 17.000 tỷ đồng ngân sách mỗi năm. Như vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, bộ máy hành chính Nhà nước phải được sắp xếp tinh giản lại, giảm bớt những dư thừa. Từ đó, tạo thêm được nguồn tài chính để trả lương cho cán bộ, công chức tương xứng với giá trị sức lao động.

(Theo TTVN)