Với ý chí và quyết tâm xây dựng, đưa tỉnh Bạc Liêu vươn lên tầm cao mới, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để Bạc Liêu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Từ những kết quả đạt được qua nửa nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đề ra.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát dự án điện gió Hòa Bình 5, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu_Ảnh: TTXVN


Tạo động lực phát triển mới

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề ra mục tiêu tổng quát là “Đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh khá của khu vực và phấn đấu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030; có mức GRDP/người thuộc nhóm cao của vùng; quy mô kinh tế đến năm 2025 tăng từ 2 - 2,5 lần so với năm 2020”(1). Đại hội đề ra 21 chỉ tiêu chủ yếu, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội(2) và 3 khâu đột phá(3) để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển nhanh và bền vững, đạt được mục tiêu đã đề ra.

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án kinh tế động lực, đạt được nhiều kết quả quan trọng và tạo ra động lực phát triển mới. Đến cuối năm 2022, cùng với dự án Điện khí LNG 3.200MW, trên địa bàn tỉnh có 8 dự án điện gió đã hoàn thành đưa vào hoạt động, với công suất gần 470MW, đứng thứ ba cả nước. Các dự án này là động lực chính làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu lớn, giúp tỉnh tăng tỷ lệ tự cân đối ngân sách, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, với trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí.

Ngành nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả gắn với tăng cường liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị. Ngành thủy sản tiếp tục phát triển mạnh, nhất là sản xuất tôm, bằng nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu quốc gia đã đưa tỉnh Bạc Liêu vươn lên là tỉnh đứng thứ hai cả nước về sản lượng tôm; có vai trò quan trọng trong nhiều khâu của “chuỗi cung ứng tôm” ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Cùng với tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đến hết năm 2022, tất cả 49 xã trong tỉnh và huyện Phước Long, thành phố Bạc Liêu đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 15 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao; 3 xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của ngành thương mại, ngành du lịch từng bước vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, hướng đến mục tiêu đưa tỉnh Bạc Liêu trở thành trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hằng năm, lượng khách du lịch tăng trung bình khoảng 22%, tổng nguồn thu từ du lịch tăng khoảng 20%. Đặc biệt, trong số 43 điểm du lịch tiêu biểu ở đồng bằng sông Cửu Long được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận, có 10 điểm nằm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong vùng). 

Để tạo nguồn lực đầu tư phát triển, tỉnh chú trọng cải cách thể chế, tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 19.606 tỷ đồng; công bố danh mục 195 dự án mời gọi đầu tư trên tất cả lĩnh vực. Năm 2022, tỉnh tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, trao chủ trương đầu tư cho 13 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 17.000 tỷ đồng. Đây là tiền đề rất quan trọng, tạo nền tảng để Bạc Liêu bứt phá vươn lên, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án giáo dục chất lượng cao; Trường Đại học Bạc Liêu được tổ chức, sắp xếp lại và định hướng rõ hơn mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh trong giai đoạn phát triển mới. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, tỉnh có 99,67% thí sinh đỗ tốt nghiệp, đây là năm thứ 6 liên tiếp Bạc Liêu nằm trong nhóm 10 địa phương có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhất cả nước. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội được các cấp, các ngành quan tâm và tiếp tục đạt được nhiều kết quả khả quan...

Nhìn chung, qua nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét; các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra hằng năm đều cơ bản hoàn thành. Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm đạt khá (năm 2021 tăng 5,05%, đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long; năm 2022 đạt 9,60%, đứng thứ tư vùng đồng bằng sông Cửu Long); thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng, đến cuối năm 2022 đạt mức 60,53 triệu đồng.

Nhận diện hạn chế và bài học kinh nghiệm

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra cũng còn một số hạn chế, yếu kém. Cụ thể là, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chậm đổi mới phương pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thấp. Việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính quyền điện tử triển khai chậm. Đến nay, nhiều dự án động lực vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thi công nên chưa tạo ra được động lực mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo hướng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thành phần kinh tế tư nhân tuy có phát triển, nhưng chưa thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu...

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong nửa nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, phải luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Để đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền,  các cấp ủy, tổ chức đảng, phải coi công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Thứ hai, trên cơ sở xác định đúng “5 trụ cột” phát triển kinh tế - xã hội và “3 đột phá”, các cấp ủy, chính quyền phải có quyết tâm chính trị cao, có tư duy đổi mới, sáng tạo, chủ động và chọn đúng thứ tự ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm, khâu đột phá để chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, coi trọng tổng kết thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết.

Thứ ba, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; chú trọng phát huy tối đa nội lực, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển, lòng yêu quê hương của cán bộ, đảng viên và nhân dân; chú trọng cải tiến, hoàn thiện thể chế, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, tranh thủ mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Thứ tư, thực tiễn của tỉnh Bạc Liêu thời gian qua cho thấy, dù xuất phát điểm nền kinh tế thấp, nguồn lực hạn chế, nhưng nếu biết phát huy trí tuệ tập thể, xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất, có chủ trương đúng đắn, bước đi phù hợp, đồng tâm hiệp lực trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị với tinh thần quyết liệt thì sẽ tạo ra những thay đổi lớn, quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hướng đến phát triển xanh, nhanh, bền vững

Trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bạc Liêu tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Trong đó, tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đưa Bạc Liêu phát triển xanh, nhanh, bền vững và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cụ thể:

Một là, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Tiếp tục thực hiện nghiêm và có hiệu quả Kết luận Hội nghị Trung ương 4  khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp tỉnh có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hệ thống chính trị.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp trên cơ sở xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới.

Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả “5 trụ cột” phát triển kinh tế - xã hội và “3 đột phá” trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ để phát triển nhanh, bền vững.

Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; xây dựng thêm nhiều cánh đồng lớn để nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu; nâng cao hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Song song đó, đẩy mạnh việc xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nâng cao đời sống người dân nông thôn.

 Thu hoạch tôm nuôi trong nhà kính ở vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu_Nguồn: thanhnien.vn

Tiếp tục cải tiến cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là các dự án điện gió khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt và tạo điều kiện cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ Dự án điện LNG Bạc Liêu 3.200MW. Song song với việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, tỉnh tăng cường đầu tư để phát triển, nâng cao chất lượng, tính đa dạng của các sản phẩm du lịch đặc trưng, như các khu, điểm du lịch sinh thái ven biển, kết hợp với điện gió và dịch vụ giải trí cao cấp ven biển, gắn với truyền thống văn hóa lịch sử đặc sắc của tỉnh để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Ba là, triển khai thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được triển khai xây dựng và thực hiện với phương châm quy hoạch phải đi trước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, vừa khắc phục hạn chế trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Trên cơ sở quy hoạch được Trung ương phê duyệt, tỉnh tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực toàn xã hội, trong đó chú trọng hợp tác công - tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, tạo chuyển biến rõ nét trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quản lý tốt các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, tỉnh sẽ tăng cường liên kết, hợp tác với các địa phương trong Tiểu vùng bán đảo Cà Mau, vùng đồng bằng sông Cửu Long và mở rộng hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước.

Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể theo thẩm quyền, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc giải ngân vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án động lực, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, huy động và tập trung các nguồn lực phát triển văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ.

Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội; quan tâm hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, làm tốt chính sách với người có công, không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, quan tâm phát triển giáo dục - đào tạo chất lượng cao. Nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh và tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ đối với người dân.

Quan tâm đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Đảng, Nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng; lãnh đạo triển khai thực hiện tốt “Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030”./.

---------------------

(1) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bạc Liêu, 2020, tr. 79 - 80
(2) 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu: 1- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất tôm, lúa gạo; xây dựng mô hình nông nghiệp điển hình dựa trên các lợi thế, đặc thù của tỉnh; 2- Tập trung triển khai quyết liệt các dự án động lực, nhất là dự án về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gồm: điện gió, điện mặt trời và điện khí; xây dựng mô hình công nghiệp sạch, điển hình dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; 3- Đẩy mạnh phát triển du lịch để thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của vùng; 4- Đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, giáo dục, y tế chất lượng cao; 5- Tăng cường phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng và an ninh
(3) 3 khâu đột phá: 1- Đẩy mạnh thực hiện các dự án về phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, trong đó trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí; 2- Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ năng lực, bản lĩnh, khát vọng phát triển, lòng yêu quê hương, tinh thần trách nhiệm cao với công việc được giao và phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; 3- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng: hạ tầng giao thông, nhất là hàng không, cảng biển; hạ tầng điện và công nghệ thông tin; hạ tầng giáo dục, y tế, đô thị lớn

LỮ VĂN HÙNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu

Theo Tạp chí Cộng sản