Pha chế thành công 2 thuốc phóng xạ mới

Tháng 11/2023, lần đầu tiên một bệnh viện ở Việt Nam là Bệnh viện Chợ Rẫy pha chế thành công 2 loại thuốc phóng xạ mới dùng trong chụp PET/CT là Ga-68 PSMA điều trị ung thư tuyến tiền liệt và Ga-68 Dotatate điều trị u thần kinh nội tiết.

Sau gần một tháng, 12 ca ung thư tuyến tiền liệt và 9 ca u thần kinh nội tiết được áp dụng ghi hình PET/CT với các thuốc phóng xạ mới. Kết quả cho thấy tính hiệu quả của 2 kỹ thuật này trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh.

thuocphongxa.jpeg
Lần đầu tiên ở Việt Nam, một bệnh viện pha chế thành công thuốc phóng xạ Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate. Ảnh: BVCC

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy, trên thế giới, hai loại thuốc phóng xạ này đang được sử dụng rộng rãi, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận vào các năm 2020 và năm 2016.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng có thể sản xuất được Ga-68 PSMA và Ga-68 Dotatate. Do đó, người bệnh trong nước thường phải đi ra nước ngoài khi có nhu cầu chụp PET/CT với 2 loại thuốc này.

Lập giường mổ đặc biệt cho bé sơ sinh mắc bệnh tim

Để không bỏ lỡ giây phút nào nhằm cứu sống em bé sơ sinh bị rối loạn nhịp tim nặng nề từ trong bụng mẹ, ngày 9/10, bác sĩ hai bệnh viện tuyến cuối (ở Hà Nội, cách nhau vài trăm mét) là Phụ sản Hà Nội và Nhi Trung ương đã thiết kế ngay phòng mổ đặc biệt: bàn can thiệp tim ngay cạnh bàn mổ đẻ.

Hàng chục thầy thuốc của hai viện chỉ có 16 giờ đồng hồ (thay vì 2 tuần) để chuẩn bị phòng mổ. Sáng 10/10, ca mổ bắt thai diễn ra, bé gái chào đời nặng hơn 2,1kg, nhịp tim chỉ khoảng 50 lần/phút, có khi xuống 35 lần/phút, suy tim. 

15 phút sau, bé gái với quả tim chỉ bằng đốt ngón tay được đặt máy tạo nhịp tim tạm thời. Khi nhịp thất được nâng lên 120 lần/phút, bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị tích cực...

be benhtim.png
Nhịp tim bé M.A đã ổn định nhờ sự hỗ trợ của máy tạo nhịp tim được đặt ngay lúc chào đời. Ảnh: BVCC

Quyết định chưa có tiền lệ mang tính đột phá này không chỉ cứu sống em bé còn mở ra trang mới cho việc phối hợp sản - nhi, tăng cơ hội cứu sống mới cho những bệnh nhi tương tự. Thời điểm đó, tại Việt Nam, chưa một bệnh viện phụ sản nào có phòng mổ đặc biệt như vậy. 

Hai tháng sau, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Nhi Trung ương cũng phối hợp tạo lập giường mổ đặc biệt tương tự, cứu em bé sơ sinh dị tật tim đảo gốc động mạch, không có thông liên thất.

Ca ghép gan bất đồng nhóm máu cho trẻ lớn đầu tiên

Bệnh nhi là bé gái 15 tuổi quê Quảng Bình, bị ung thư gan, ghép gan là cách duy nhất duy trì sự sống. Bà nội là người hiến tạng, nhưng bà và cháu lại không cùng nhóm máu (bất đồng nhóm máu ABO).

Tại Việt Nam, ghép tạng từ nguồn cho bất đồng nhóm máu ABO đã được thực hiện trên bệnh nhân ghép thận và trên nhóm ghép gan ở trẻ nhỏ, tuy nhiên chưa được thực hiện trong ghép gan ở người trưởng thành.

Ca ghép được tiến hành trong 8 tiếng, sau mổ 1 tuần sức khỏe người hiến, người ghép ổn định

Ngày 30/10, ca phẫu thuật nội soi lấy mảnh gan phải của bà nội để ghép cho cháu gái được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) tiến hành. Ca mổ kéo dài 8 giờ đồng hồ. Một tuần sau ca lấy - ghép, bà nội sức khỏe ổn định, cháu gái phục hồi tốt.

Hiện nay, cả nước có 9 trung tâm ghép gan, thực hiện ghép cho hơn 500 bệnh nhân. Ghép gan từ người cho sống là kỹ thuật khó và phức tạp hơn rất nhiều so với ghép gan từ người hiến chết não.

Việc triển khai ghép gan bất đồng nhóm máu được đánh giá là thành tựu ấn tượng, giúp tăng cơ hội sống cho người cần được ghép gan, trong bối cảnh nhu cầu được ghép gan ngày càng tăng nhưng nguồn gan hiến hạn chế. 

Nuôi sống em bé sinh ra chỉ nặng 400g

Bé gái tên Bình An chào đời vào tháng 7 ở Hà Nội khi mới 26 tuần thai, nặng 400g do bị suy dinh dưỡng bào thai, lọt thỏm trong lòng bàn tay của bác sĩ. 

Trong quá trình hồi sức sơ sinh ngay tại phòng sinh, các bác sĩ đã giải thích với gia đình để xác định tâm lý rằng em bé khó có thể qua khỏi. Sau khi được bóp bóng hồi sức tích cực 20 phút, da bé đã hồng hơn, bé có phản xạ tay chân, mở mắt.

be so sinh.png
Chăm sóc bé Bình An tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Ảnh: BVCC

Việc lấy ven rất khó khăn, trẻ được truyền dịch nuôi dưỡng bằng kỹ thuật longline, đặt tĩnh mạch rốn và động mạch rốn để thuận tiện cho việc xét nghiệm. Trong quá trình điều trị, trẻ bị nhiễm khuẩn nặng, phải điều trị kháng sinh. Sau 4 tháng, bé đã phát triển bình thường với cân nặng 2,1kg và có thể tự bú mẹ.

Bé Bình An là em bé sinh non nhất, với cân nặng nhẹ nhất từ trước đến nay đã được các thầy thuốc nuôi sống thành công, đánh dấu bước tiến vượt bậc của việc chăm sóc trẻ non tháng nhẹ cân. Trước đó, năm 2021, thầy thuốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương từng nuôi sống thành công bé gái chào đời ở tuần thai 27, nặng 400g. Sau 3 tháng điều trị, bé gái này tăng lên 1,8kg.  

Làm chủ kỹ thuật xạ trị toàn thân cho bệnh nhân ung thư

Người bệnh là chị N.H.O (46 tuổi, Bình Dương) nhập Bệnh viện Chợ Rẫy vào tháng 7/2022, chẩn đoán ung thư hạch. 6 năm trước đó chị phát hiện bệnh, được hoá trị. Bệnh tái phát vào năm 2019 và 2021 nhưng hoá trị không còn đáp ứng.

Bác sĩ quyết định ghép tế bào gốc đồng loài phối hợp với phác đồ điều kiện hóa diệt tủy có xạ trị toàn thân (TBI) cho bệnh nhân. 

Chị O. được xạ trị toàn thân trong 3 ngày, mỗi ngày 2 lần trong điều kiện đặc biệt, đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn tuyệt đối. Sau đó, chị được ghép tế bào gốc (chị gái bệnh nhân là người hiến tủy) và xuất viện sau 45 ngày. Sau 5 tháng xuất viện, bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường.

Bệnh viện Chợ Rẫy là bệnh viện công lập đầu tiên thực hiện thành công đồng thời 2 kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loài và xạ trị toàn thân điều trị bệnh nhân ung thư hạch. Việc phối hợp chuyên sâu mở ra cơ hội cho bệnh nhân ung thư, vì ít tác dụng phụ, ít biến chứng, thời gian nằm viện ngắn.

Lần đầu tiên đưa kỹ thuật tốn ít nhất 3,5 tỷ đồng từ Mỹ về Việt Nam

Đầu tháng 9, bé M. 6 tuổi (quê Hưng Yên), trở thành em bé đầu tiên ở Đông Nam Á được phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não, lập bản đồ vùng sinh động kinh. Ê-kíp thực hiện là bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và cộng sự, đây là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á nhận chuyển giao kỹ thuật, thực hiện thành công.  

phauthuat bv nhi.jpeg
Gần 1 ngày sau mổ bằng phương pháp mới, bé M. đã cắt hết cơn động kinh, không bị liệt. Ảnh: Võ Thu  

Các bác sĩ tiến hành 2 bước. Đầu tiên, phẫu thuật viên xác định vùng gây động kinh bằng cộng hưởng từ (MRI), PET, sau đó mở hộp sọ đặt điện cực (gồm điện cực bề mặt và điện cực sâu) dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị... Sau 36-48 tiếng theo dõi, xác định rõ vùng động kinh, bác sĩ liên khoa thảo luận đưa ra quyết định cắt hết vùng động kinh không gây tổn hại chức năng và vận động cho trẻ.

Hiệu quả với phương pháp này là tuyệt đối. Trẻ cũng không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ. Tại Mỹ, riêng phẫu thuật đã "ngốn" 150.000 USD (tương đương hơn 3,5 tỷ đồng) chưa kể chi phí cho quá trình điều trị và thuốc. Một điện cực sâu có giá khoảng 1.500 USD. Một ca tại Việt Nam tốn tối thiểu khoảng 1 tỷ đồng, chưa được BHYT chi trả.