Thực tiễn 20 năm qua, Cảnh sát biển đã đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, thực hiện quyền truy đuổi, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên các vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam theo các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Do đó, việc Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về trường hợp hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam là phù hợp và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển mang tính quốc tế cao, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán Quốc gia và an ninh biển đảo.

Ngay sau khi Luật Cảnh sát biển Việt Nam có hiệu lực thi hành, để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả cao nhất, Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc các quy định của Luật. Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Luật tới cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lực lượng cũng như cán bộ, Nhân dân các địa phương trên cả nước.

{keywords}
Cảnh sát biển Việt Nam. 

Nhìn lại chặng đường 1 năm qua, trong một bài viết mới đây, thiếu tướng Trần Văn Nam, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổng kết:

Trong công tác SSCĐ, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển

Toàn Lực lượng đã triển khai thực hiện đầy đủ, toàn diện các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam liên quan tới chức năng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc trên biển (Điều 3, khoản 2 Điều 8): Tiếp tục duy trì nghiêm hệ thống trực SSCĐ các cấp theo quy định; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hiệp đồng, theo dõi, nắm chắc tình hình trên không, trên biển, trên địa bàn liên quan theo quy định (khoản 1 Điều 8, Điều 22, Điều 23, Điều 24); tích cực, chủ động đánh giá, tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong chỉ huy, chỉ đạo các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Hiệp đồng, phối hợp với 05 quân khu ven biển, các bộ, ban, ngành và 28 tỉnh, thành phố ven biển tiến hành rà soát nguồn nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự để huy động theo khoản 6 Điều 8, Điều 16 của Luật Cảnh sát biển và Nghị định 30/2010/NĐ-CP, Nghị định 130/2015/NĐ-CP, Thông tư 153/TT-BQP, sẵn sàng tiếp nhận nguồn nhân lực, phương tiện tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tích cực, chủ động tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và sẵn sàng xử lý tình huống quốc phòng, an ninh trên biển (khoản 4 Điều 8). Tăng cường tổ chức luyện tập, diễn tập các phương án tác chiến...

Trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên biển

Các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển đã quán triệt nghiêm túc, triển khai thực hiện đồng bộ các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát (theo Điều 13, khoản 1 Điều 9 và Thông tư số 15/2019/TT-BQP của Bộ Quốc phòng).

Duy trì nghiêm lực lượng, phương tiện, tàu thuyền trực và tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tăng cường điều động, sử dụng hàng trăm lượt tàu, thuyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên các vùng biển. Qua đó đã tuyên truyền, yêu cầu gần 1.100 lượt/chiếc tàu thuyền nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; ghi số hiệu 548 tàu, lập biên bản điểm chỉ hải đồ phóng thích gần 100 tàu.

Quá trình hoạt động trên biển, các tàu Cảnh sát biển còn kết hợp tuyên truyền pháp luật cho hàng trăm tàu cá Việt Nam vi phạm quy định chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU); phát hiện, xử lý nhiều lỗi về an toàn hàng hải với hơn 500 tàu, số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 600 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước.

Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển

Căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi quản lý, địa bàn hoạt động được giao, các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển đã tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam liên quan tới đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển (khoản 2 Điều 3; khoản 3 Điều 8; khoản 4, khoản 5 Điều 9 và các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổ chức cơ quan điều tra hình sự khác có liên quan).

Trong năm vừa qua, toàn Lực lượng đã phát hiện, kiểm tra, bắt giữ, điều tra xử lý 508 vụ/936 đối tượng tội phạm, vi phạm trong đó có nhiều vụ việc lớn, tang vật tịch thu có giá trị cao; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại tài sản vi phạm, nộp ngân sách Nhà nước ước tính hơn 200 tỷ đồng.

Đối với tội phạm tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, Lực lượng Cảnh sát biển đã trực tiếp hoặc phối hợp đấu tranh, bắt giữ, xử lý hơn 100 vụ với 268 đối tượng. Tang vật thu giữ gồm hàng chục kg ma túy đá, hàng chục nghìn viên ma túy tổng hợp, 14 bánh heroin, hàng chục kg ma túy dạng cỏ và nhiều tang vật, tài vật khác.

Trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn

Lực lượng Cảnh sát biển đã tích cực, chủ động bố trí nhân lực, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên cơ sở các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam (khoản 2, khoản 3 Điều 8); tổ chức thực hiện tốt công tác tìm kiếm, cứu nạn cả trên biển, trên đất liền và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt với hơn 100 lượt tàu, xuồng/1.430 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia.

Kết quả cứu được 202 người, 21 tàu; di dời tài sản cho gần 30 hộ dân, sơ tán hơn 400 người dân đến nơi an toàn trong điều kiện thời tiết phức tạp, nguy hiểm. Tăng cường huấn luyện thực tế, diễn tập các phương án tìm kiếm, cứu nạn trên biển; duy trì lực lượng, phương tiện trực, bảo đảm thông suốt kênh liên lạc, chia sẻ thông tin cứu nạn với các lực lượng chức năng liên quan; nắm chắc tình hình mặt biển, diễn biến thời tiết, thiết thực nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Trong hoạt động hợp tác quốc tế

Các Điều 19, 20, 21 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định về nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác quốc tế của Lực lượng Cảnh sát biển đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để Lực lượng Cảnh sát biển duy trì, xây dựng các cơ chế hợp tác quốc tế linh hoạt, rộng mở.

{keywords}
Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc sẽ tiến hành tuần tra chung kiểm tra liên hiệp nghề cá tại khu vực vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ.

 

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác chặt chẽ với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Cảnh sát biển Việt Nam còn thực hiện tốt công tác tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Chính phủ về công tác đối ngoại quốc phòng; bám sát và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 860-NQ/QUTW ngày 31/12/2013 của Quân ủy Trung ương về Hội nhập kinh tế và đối ngoại quốc phòng, nổi bật là: Tăng cường trao đổi thông tin, tình hình về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp; thực hiện kiểm tra liên hợp nghề cá ở Vịnh Bắc bộ với Cảnh sát biển Trung Quốc; kịp thời phối hợp xử lý nhanh chóng, hiệu quả các vụ việc liên quan giữa các quốc gia có vùng biển liền kề, góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực Biển Đông; 

tiếp tục đưa hoạt động hợp tác quốc tế với Hoa Kỳ, Nhật Bản đi vào chiều sâu; tăng cường năng lực cho Lực lượng Cảnh sát biển thông qua các dự án, chương trình tài trợ; cử nhiều lượt cán bộ, sĩ quan tham gia các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Thúc đẩy hoạt động trao đổi ngoại giao với Cơ quan Thực thi pháp luật trên biển Malaysia (MMEA), Cảnh sát biển Indonesia (Barkamla) để tiến tới ký kết Bản ghi nhớ.

Trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, lực lượng

Trên cơ sở quy định tại Điều 22, 23, 24, 25 về hoạt động phối hợp của Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tích cực, chủ động nghiên cứu, rà soát các quy chế, kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng liên quan; tham mưu, đề xuất sửa đổi bổ sung, xây dựng mới các Quy chế phối hợp bảo đảm phù hợp, cập nhật đầy đủ các quy định về nội dung, hình thức, trách nhiệm phối hợp.

Lực lượng Cảnh sát biển đã và đang từng bước thực hiện đa dạng hóa nội dung, hình thức, biện pháp phối hợp hoạt động với các lực lượng (Quyết định 5895/QĐ-BQP ngày 13/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng thuộc bộ, ngành, chính quyền địa phương (Điều 31 đến Điều 42 Nghị định 61/2019/NĐ-CP của Chính phủ).

Từ 01/7/2019 đến nay, Lực lượng Cảnh sát biển đã phối hợp các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trao đổi gần 15.000 tin nghiệp vụ; tuyên truyền, đấu tranh hàng nghìn lượt tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; bắt giữ, xử lý hàng trăm đối tượng, tàu thuyền vi phạm; bắt 03 đối tượng tội phạm truy nã đặc biệt nguy hiểm lẩn trốn trên tàu cá của ngư dân; từng bước nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp hoạt động trên biển.

Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, Thiếu tướng Trần Văn Nam khẳng định: Luật Cảnh sát biển Việt Nam là nền tảng pháp lý vững chắc để Lực lượng Cảnh sát biển bước sang một giai đoạn phát triển mới.

"Trong những năm tiếp theo, bên cạnh những thuận lợi là vô vàn khó khăn, thử thách. Việc tổ chức thực hiện tốt các nội dung, giải pháp nêu trên sẽ là yếu tố bảo đảm cho Lực lượng Cảnh sát biển phát triển, tiến thẳng lên hiện đại, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó", Thiếu tướng Trần Văn Nam nhấn mạnh.

Hồ Thị Nhụy
Ảnh: Duy Linh