Dù phải mất hơn nửa thế kỷ để hoàn thiện và đáp ứng được những kỳ vọng của người dùng, bút stylus rõ ràng xứng đáng với sự chờ đợi đó - dù bạn là một hoạ sỹ muốn vẽ ngay trên màn hình máy tính, một người muốn viết tay các ghi chú thay vì gõ phím, hay đơn giản là một gã ngược đời muốn một giải pháp thay thế cho con chuột vốn quá đỗi tầm thường.

Bút stylus đã trải qua quá trình tiến hoá như thế nào để từ chỗ chỉ là một giấc mơ viễn tưởng trở thành một sản phẩm hiện thực hữu ích? Hãy cùng điểm qua một số cột mốc đáng nhớ trong lịch sử phát triển của nó.

1945: trong khi đang tìm cách giải quyết vấn đề quá tải thông tin mà các nhà khoa học làm việc trong các dự án an ninh quốc gia gặp phải, Vannevar Bush, trưởng Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển Khoa học của Mỹ thời đó, đã đi đến một trong những ý tưởng có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử ngành công nghệ. Được công bố với tiêu đề "As We May Think", ý tưởng của Bush là một loại thiết bị "mở rộng bộ nhớ" (viết tắt là memex), bao gồm một máy quét tài liệu, hệ thống lưu trữ bộ nhớ vi phim, màn hình cảm ứng, và - quan trọng nhất - là một cây bút stylus để người dùng có thể thêm những lưu ý của chính họ. Dù memex chưa bao giờ được chế tạo trong suốt cuộc đời của Bush, ý tưởng của ông là khởi đầu của nhiều cuộc cách mạng công nghệ, trong số đó có bút điện tử.

RAND Tablet

1950 - 1970: Máy tính thời kỳ này vẫn là một món đồ xa xỉ với người dùng thông thường, nhưng các nhà khoa học vẫn nghiên cứu và đưa ra được một số cải tiến liên quan công nghệ bút stylus và những thứ liên quan khác. Cái tên Styalator mới nghe qua có vẻ giống sự kết hợp của một sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và một loại thiết bị thể thao nào đó, nhưng nó thực ra là một trong những bút stylus đầu tiên được thiết kế cho một thiết bị điện toán.

Nổi tiếng hơn là RAND Tablet, một thiết bị nhập liệu máy tính đồ hoạ đi kèm bút stylus. Bút của RAND Tablet có một nút bấm nhỏ dùng để gửi tín hiệu đến tablet khi được nhấn xuống. Tiếp đó là concept Dynabook của Alan Kay tại Xerox PARC, một tablet với bàn phím và bút stylus tích hợp.

Cả ba thiết bị nói trên đều không thể gây tiếng vang trên thị trường vào thời điểm đó, nhưng chúng đều góp phần thúc đẩy ý tưởng về điện toán dùng bút. Chúng còn giới thiệu khái niệm nhập liệu viết tay thông qua bút stylus.

KoalaPad

1984: KoalaPad là một món phụ kiện giá 195 USD cho phép người dùng thay thế con chuột bằng một cây bút stylus và trackpad. Nó hoạt động với hệ thống Commodore 64 và chủ yếu được quảng cáo là một công cụ vẽ vời dành cho trẻ em. Vào thời điểm mà vẽ trên máy tính có thể được xem là thứ viễn tưởng nhất có thể hình dung được, thiết bị thú vị này quả thực gây chấn động cho thị trường. Nó còn đặt nền móng cho trackpad - và người ta cũng dần nghĩ đến bút stylus như một công cụ phục vụ các ứng dụng sáng tạo trên máy tính.

Thập niên 1990: Bạn cho rằng Microsoft hứng thú với việc phát triển một phiên bản Windows có thể điều khiển bằng bút stylus sau khi ra mắt dòng sản phẩm Surface? Sai rồi! Trong nửa đầu của thập niên 1990, công ty này đã công bố Microsoft Windows for Pen Computing 1.0 và 2.0, vốn là những phiên bản tinh chỉnh của Windows 3.1 và Windows 95, và chúng đã được cài đặt trên mẫu tablet PenMaster giá 5.000 USD của Samsung vào khoảng năm 1992.

Microsoft Windows for Pen Computing trên thực tế không tận dụng nhiều chức năng của bút stylus. Dẫu vậy, nó vẫn sở hữu khả năng nhận dạng chữ viết tay ấn tượng, có thể diễn dịch một cách chính xác (phần lớn thời gian) nội dung tốc ký của người dùng và biến chúng thành chữ đánh máy.

Newton MessagePad

Cũng trong thập niên 1990: PDA, một thời từng là thuật ngữ vô cùng nổi tiếng trong lĩnh vực điện toán di động, ngày nay có lẽ đã đi vào dĩ vãng. Nó là viết tắt của Personal Data Assistant (Trợ lý dữ liệu cá nhân), một dạng máy tính cỡ nhỏ, bỏ vừa túi quần, thường được điều khiển bằng một cây bút stylus. Apple đã lấy ý tưởng này để tạo ra Newton MessagePad.

Tuy nhiên, kẻ chiến thắng vĩ đại nhất trên thị trường PDA lại là mẫu Palm Pilot nhỏ hơn và rẻ hơn. Bút stylus công nghệ…thấp của Palm Pilot không phải là một thứ gì quá đặc biệt khi đứng một mình. Nếu bạn làm mất nó, bạn vẫn tái hiện được những chức năng tương tự bằng cách dùng ngón tay hay bất kỳ thiết bị trỏ vật lý nào khác. Nhưng, kết hợp với sự gọn gàng của thiết bị, bút stylus trở thành một giải pháp nhanh chóng, dễ dàng và trực quan để tương tác với công nghệ. Ngày nay, dù trông lỗi thời, nhưng PDA đã từng là những con khủng long làm mưa làm gió trước khi smartphone trở thành hiện thực.

2010 trở về sau: Bút stylus đã luôn song hành cùng màn hình cảm ứng trong quá trình phát triển của mình. Chính vì vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi màn hình cảm ứng điện dung cuối cùng cũng trở nên phổ biến vào giữa thập niên 2000 trở về sau, thì vai trò của bút stylus cũng bắt đầu được đánh giá lại. Trong một vài năm tiếp đó, các nhà sản xuất thiết bị màn hình cảm ứng đã từ bỏ bút stylus, với lý do rằng việc vuốt và điều khiển các ứng dụng trên màn hình bằng ngón tay ưu việt hơn so với dùng bút. Nhưng với việc các thiết bị màn hình cảm ứng trở nên mạnh mẽ hơn và thực hiện được nhiều tác vụ mới lạ hơn, một số công ty đã nhận ra tiềm năng và nghiên cứu bút stylus trở lại.

Nổi bật trong số này có lẽ là Samsung với bút S-Pen dành cho dòng Galaxy Note, trong khi Apple có Apple Pencil. Cũng có niềm tin mãnh liệt về một thời đại mới nơi điện toán cảm ứng lên ngôi, Microsoft đã biến hoá hệ điều hành Windows thành một giải pháp đa dụng, vừa phục vụ desktop, vừa hiệu quả khi dùng với các thiết bị di động. Những cỗ máy như Surface Studio có thể được điều khiển bằng Surface-Pen, một loại bút stylus có độ chính xác cao và khả năng cảm nhận áp lực đè nén, với một đầu viết và đầu kia là cục tẩy số. Nhờ những tính năng của bút stylus, như cảm nhận áp lực (khiến chúng hữu dụng hơn cho các ứng dụng như vẽ vời), chúng ta cuối cùng cũng đang sống trong thời đại của bút stylus.

(Theo VnReview, DigitalTrends)

 

Galaxy Z Fold3 và Z Flip3 lộ diện: Thiết kế mới, tích hợp camera ẩn dưới màn hình, hỗ trợ bút S Pen, ra mắt vào mùa hè

Galaxy Z Fold3 và Z Flip3 lộ diện: Thiết kế mới, tích hợp camera ẩn dưới màn hình, hỗ trợ bút S Pen, ra mắt vào mùa hè

Bộ đôi Galaxy Z mới dường như mang trong mình khá nhiều công nghệ nổi bật, đặc biệt là công nghệ camera ẩn dưới màn hình, lần đầu tiên được Samsung giới thiệu.