- Để tận dụng được những cơ hội mà APEC 2017 mang lại, Việt Nam cần thực hiện thành công Nghị quyết TƯ 4 khóa 12 và TƯ 6 khóa 12.
Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng
Hội nghị Cấp cao APEC 2017 diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực đang gặp nhiều khó khăn và thách thức, xuất hiện những chiều hướng, quan điểm khác nhau thậm chí là trái ngược trong vấn đề kinh tế, thương mại, đầu tư, hay sự căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên ngày một gia tăng. Với phương châm “Nước Mỹ là trên hết” mang đậm tính chủ nghĩa bảo hộ dưới chính quyền Tổng thống Trump đã tạo ra nhiều thay đổi tác động mạnh đến bàn cờ kinh tế toàn cầu.
Trước ngày khai mạc hội nghị cấp cao, không ít người lo lắng 21 quốc gia thành viên bước vào APEC 2017 trên con tàu nền kinh tế toàn cầu đang lung lay, đang chấn động mạnh chưa bao giờ có.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng một số đại biểu trao đổi ý kiến bên lề phiên khai mạc Hội nghị |
Tuy nhiên, Việt Nam đã nỗ lực, khéo léo góp phần hóa giải thành công những khó khăn và thách thức ấy tại APEC 2017 thông qua việc lựa chọn chủ đề “Tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung” với những ưu tiên tăng trưởng bền vững sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bản thân các quốc gia trước khi đến Việt Nam còn tồn tại những mâu thuẫn bất đồng nhưng khi đặt chân đến APEC lần này đã tạo không khí hết sức cởi mở, chân thành và thân thiện để những nguyên thủ quốc gia có thể trao đổi thẳng thắn với nhau, góp phần xóa bỏ những khác biệt. Song chủ đề mà nước chủ nhà Việt Nam nêu ra đã thu hút được sự quan tâm đồng tình rất cao của tất cả các thành viên. Chủ đề này đã góp phần tìm được tiếng nói chung, đã kết nối được 21 quốc gia đoàn kết lại với nhau, cùng tìm động lực thúc đẩy thương mại, đầu tư và kết nối khu vực. Các quốc gia đã đạt được sự nhất trí cao với nội dung được thảo luận, quyết tâm xây dựng khu vực ổn định thịnh vượng và hợp tác với nhau, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy lẫn nhau.
Hé lộ tầm nhìn mới của Mỹ đối với khu vực
Một trong những điểm nhấn tạo nên sự khác biệt tại APEC lần này là bài phát biểu của Tổng thống Hoa Kỳ. Ông Trump đã đưa ra ý tưởng mới về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển. Đây là tư tưởng rất mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump, hé lộ tầm nhìn mới của Mỹ đối với khu vực.
Nếu như trước đây Tổng thống Obama đưa chính sách xoay trục Châu Á – Thái Bình Dương thì nay Tổng thống Trump mở rộng thành Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Giới quan sát cho rằng cách dùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của ông Trump thể hiện mong muốn rằng Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ 3 ở khu vực, giữ một vai trò lớn hơn. Như vậy, phạm vi hợp tác đã được rộng mở hơn rất nhiều, ngoài 21 thành viên nền kinh tế APEC còn có cả Ấn Động Dương, hay Srilanka và một loạt các nước xung quanh đó.
Cứ nhìn các chuyển động của các đại cường sẽ không khó để thấy, Châu Á hay Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ là huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu trong thế kỉ 21 này, có đến 2/3 GDP toàn cầu, 2/3 thương mại toàn cầu đi qua khu vực Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Chính không khí APEC tại Việt Nam lần này đã tạo cảm hứng cho chính quyền của ông Trump đưa ra được những ý tưởng mới mang tầm toàn cầu.
Trong tuyên bố chung giữa Việt Nam- Hoa Kỳ, hai nhà lãnh đạo hoan nghênh kế hoạch về việc một tàu sân bay Hoa Kỳ lần đầu tiên thăm một cảng của Việt Nam trong năm 2018. Việc này không có mục đích đe dọa bất kỳ quốc gia nào mà góp phần củng cố hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực. Đây là chuyển biến tích cực và cũng là điểm mới góp phần thúc đẩy quan hệ song phương.
Nhìn lại sẽ thấy nay, sau khi Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2006, những năm sau đó nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ dồn về Việt Nam, tạo ra bước phát triển nền tảng giúp Việt Nam vượt qua cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu tại thời điểm đó. Hôm nay, sau khi Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017, cộng đồng 21 quốc gia sẽ đánh giá đúng hơn về môi trường đầu tư của Việt Nam, đánh giá đúng hơn về chính sách thân thiện của chính quyền Việt Nam, có cái nhìn đúng hơn về con người Việt Nam cởi mở, chân tình.
Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội mà APEC 2017 mang lại, Việt Nam cần thực hiện thành công Nghị quyết TƯ 4 khóa 12 và TƯ 6 khóa 12. Cần phải cấp tập xây dựng bộ máy hành chính từ Trung Ương đến địa phương tinh gọn và hiệu quả, thân thiện với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nâng cao khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế. Có như vậy mới thu hút được sự đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó nhanh chóng đổi mới tư duy về những vấn đề quốc tế. Năm 1986, chúng ta chủ yếu đổi mới tư duy về kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. 32 năm sau Đổi mới, tính quốc tế đã phát triển rất nhanh và khôn lường. Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc đã đưa ra khẩu hiệu rất khôn ngoan là “Tiến cùng thời đại”. Vì vậy, trong lĩnh vực đối ngoại ta cần tỉnh táo nhận biết được xu thế của thế giới từ đó tập hợp lực lượng kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại.
Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an.
Lan Anh ghi
Biển Đông, an ninh khu vực sau ‘kịch tính TPP’
CPTPP sẽ có tác động lớn đối với hồ sơ Biển Đông vì khi lợi ích chung của 11 nước thành viên và các đồng minh bị đe doạ thì họ sẽ có những quyết định...
APEC 2017: Khi nguyên thủ thành 'người mẫu' quốc gia
Các nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam đều tranh thủ quảng bá cho đất nước mình qua hình ảnh cá nhân họ.
APEC 2017: Thách thức và cơ hội của nước chủ nhà Việt Nam
Tham gia APEC và làm chủ nhà APEC năm 2017 trong bối cảnh chính trị, kinh tế trên thế giới có rất nhiều thay đổi và biến động ở nhiều tầng nhiều nấc, Việt Nam gặp rất nhiều thách thức cũng như cơ hội.
Chính sách Việt Nam: Ông Obama mở đường, ông Trump tiếp bước
Tổng thống Trump đang duy trì hầu hết chính sách của người tiền nhiệm về Việt Nam.