Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ TT&TT vừa diễn ra mới đây đã ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp từ các địa phương, doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, đây là những ý kiến rất tâm huyết, thẳng thắn và đầy trách nhiệm từ thực tiễn cơ sở. Những nội dung góp ý một mặt làm phong phú hơn những kết quả đạt được, mặt khác cũng làm rõ hơn những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua để hoạch định, bổ sung các giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới. Báo Bưu điện Việt Nam ghi lại một số ý kiến tại Hội nghị.
Ông Phan Quang Thao, Giám đốc Sở TT&TT Phú Thọ
Trong năm 2014, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành TT&TT đã được tăng cường, tạo hành lang pháp lý, căn cứ để địa phương thực hiện. Bộ TT&TT cũng đã tăng cường làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình, tạo sự gắn bó giữa Bộ với địa phương.
Với sự hỗ trợ, chỉ đạo của Bộ TT&TT, Sở TT&TT Phú Thọ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước để tăng cường cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực báo chí, phát thanh – truyền hình, thông tin điện tử, bưu chính, viễn thông, CNTT, chú trọng bảo đảm an toàn ANTT. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành.
Để hoạt động TT&TT trong năm 2015 đạt hiệu quả cao, Sở TT&TT Phú Thọ có một số kiến nghị với Bộ TT&TT như sau:
Thứ nhất, cần phải tăng cường đưa thông tin về cơ sở trong thời kỳ mới. Trước đây ngành Văn hóa quản lý cả cơ sở vật chất và các thiết chế để triển khai nhiệm vụ tuyên truyền cổ động. Nay không còn thiết chế nhưng ngành Văn hóa vẫn quản lý cơ sở vật chất. Bộ TT&TT cần bổ sung thêm các quy định, cơ chế, chính sách để các địa phương có điều kiện đưa thông tin về cơ sở hiệu quả hơn. Chương trình mục tiêu quốc gia Đưa thông tin về cơ sở là chương trình có ý nghĩa rất thiết thực, đặc biệt là đối với các địa phương miền núi, khó khăn. Bởi vậy, đề nghị tiếp tục triển khai chương trình này trong thời gian tới.
Thứ hai, đề xuất Chính phủ xem xét lại định hướng quản lý cổng thông tin điện tử/trang thông tin điện tử của tỉnh sao cho ổn định và có tính thống nhất. Trước đây, tất cả các cổng/trang thông tin điện tử của tỉnh đều chuyển về Sở TT&TT quản lý. Nhưng gần đây lại có ý kiến đề nghị chuyển về Văn phòng UBND tỉnh. Hiện vẫn chưa có văn bản quyết định thống nhất về vấn đề này.
Thứ ba, Bộ TT&TT sớm có kế hoạch triển khai Quỹ Viễn thông công ích để hỗ trợ địa phương, đặc biệt về phát triển hạ tầng.
Thứ tư, Bộ TT&TT đang chuẩn bị trình đề án quy hoạch báo chí toàn quốc. Đề nghị làm rõ hơn phân định vai trò của cơ quan lãnh đạo và cơ quan quản lý báo chí.
Ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM
Bộ TT&TT nên có tổng kết sau 5 năm thực hiện Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT.
Mặt khác, tại địa phương, tin nhắn rác, sim rác vẫn đang là vấn đề cực kỳ bức xúc không chỉ ở người dân mà cả ở Hội đồng Nhân dân Thành phố. Dường như cơ quan quản lý Nhà nước vẫn chưa đi vào nguyên nhân là lợi ích của các nhà mạng khi thực hiện dịch vụ trên mạng Internet này. Nhà mạng vẫn chưa thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ của mình khi cung cấp các dịch vụ. Nên có đối thoại trực tiếp để tìm ra giải pháp hữu hiệu cho vấn nạn tin nhắn rác, sim rác.
Trong năm 2015, Bộ TT&TT cần quan tâm hơn tới các cơ sở dữ liệu quốc gia. Thực tiễn các địa phương đều đang xây dựng cơ sở dữ liệu và liên thông kết nối. Bộ nên về địa phương để xem cách làm thế nào. Ví dụ như TP.HCM đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai liên thông, nhưng Bộ Tài nguyên & Môi trường lại triển khai cơ sở dữ liệu chỉ về đất đai, dẫn đến chồng chéo, cản trở nỗ lực cải cách hành chính của địa phương.
Liên quan đến Thông tư số 13/2008 hướng dẫn việc thành lập và hoạt động của cơ quan đại diện, phóng viên thường trú ở trong nước của các cơ quan báo chí, có một vấn đề là các cơ quan báo chí thường cử cán bộ ngoài 60 tuổi làm đại diện. Địa phương rất khó xem xét để quyết định chấp thuận hay không.
Ông Dương Ngọc Hưng, Giám đốc Sở TT&TT Ninh Thuận
Trong năm qua, Ninh Thuận đã đầu tư một trung tâm dữ liệu tập trung, kết nối thông suốt cho tỉnh quản lý tập trung từ tỉnh đến xã. Dự án đang phát huy hiệu quả. Tới nay, 100% cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện đã có mạng nội bộ kết nối mạng diện rộng qua cáp quang; Đã cấp 2.600 hộp thư điện tử cá nhân cho cán bộ công chức; Triển khai phần mềm văn phòng điện tử dùng chung 51 sở ngành; Đã số hóa 130.000 tài liệu văn bản đến và 50.000 văn bản đi; Cổng thông tin điện tử của tỉnh tích hợp 25 trang thành phần, đang triển khai 51 dịch vụ công mức độ 3; Đang triển khai dự án 1 cửa liên thông.... Những kết quả trong hoạt động ứng dụng CNTT-TT góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh cho Ninh Thuận.
Để tạo điều kiện cho Sở TT&TT tiếp tục phát huy vai trò của ngành TT&TT tại địa phương, đề nghị Bộ TT&TT nghiên cứu và có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ CNTT; Hướng dẫn biên chế, cơ chế tài chính cho trung tâm dữ liệu cấp tỉnh và đài truyền thanh cấp xã; Hàng năm có đào tạo chuyên sâu về an ninh thông tin ATTT cho tỉnh; Sớm có hướng dẫn để triển khai đề án số hóa truyền hình.
Ông Đỗ Ngọc Bình, Chủ tịch Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost)
Trong năm 2014, các đơn vị của Bộ TT&TT đã triển khai và hoàn thành khối lượng lớn công việc. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các tổ chức trong hoạt động cung ứng các dịch vụ trong lĩnh vực bưu chính, phát thanh – truyền hình, Internet… Tại các doanh nghiệp gồm cả VietnamPost, Bộ đã chỉ đạo sát sao các công việc liên quan đến tái cấu trúc, hỗ trợ tái cơ cấu và ổn định tổ chức hoạt động.
2014 là năm thứ 2 Tổng công ty VietnamPost hoạt động độc lập theo mô hình mới, trực thuộc Bộ TT&TT. Trong điều kiện vừa ổn định kiện toàn tổ chức vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đến nay, Tổng công ty đã đạt nhiều kết quả khả quan. Tổng lợi nhuận hợp nhất tăng 19,9% so với 2013, lợi nhuận của Công ty mẹ tăng 68,9% so thực hiện 2013; nộp ngân sách trên 330 tỷ đồng. Tổng công ty đã thực hiện bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước, đạt lợi nhuận trong điều kiện không còn thanh toán trợ cấp công ích của Nhà nước; đã cân bằng thu chi và có lãi trong điều kiện vẫn đảm bảo cung ứng các dịch vụ công ích. Những kết quả này khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc tách bưu chính -viễn thông, đổi mới hoạt động lĩnh vực bưu chính công cộng.
Năm 2015 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của Tổng công ty. Đề xuất Bộ TT&TT sớm ban hành quyết định tổ chức lại Tổng công ty sau khi Tổng công ty hoàn thành việc tổ chức thành lập mới 3 đơn vị. Bộ TT&TT hỗ trợ lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan để sớm hoàn thiện báo cáo tổng kết và điều chỉnh Quyết định số 65 về phương án cước phát hành báo chí công ích.
Kiến nghị Ban Chỉ đạo và Ban Biên soạn Luật Báo chí mới giúp đưa những nội dung liên quan đến báo chí công ích vào dự thảo Luật để trình Quốc hội. Hiện vấn đề này chưa được xác định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, nên việc triển khai, quản lý với báo chí công ích còn khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt, Bộ TT&TT tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy mối quan hệ giữa các doanh nghiệp trong Bộ để các doanh nghiệp hợp tác sử dụng dịch vụ của nhau nhằm tiết kiệm nguồn lực Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Ông Thân Đức Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau
Nhờ ứng dụng tốt CNTT&TT, đặc biệt là ứng dụng CNTT nên xuất khẩu thủy sản của Cà Mau trong năm 2014 đạt xấp xỉ 300 triệu USD. Chỉ tiêu GDP, thu nhập bình quân đầu người của địa phương đều tăng khá.
Trong năm 2014, các kiến nghị của địa phương đều được Bộ TT&TT quan tâm giải quyết. Sang năm 2015, ngành TT&TT Cà Mau tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ.
Tuy nhiên, tỉnh Cà Mau có một số đề xuất, kiến nghị với Bộ TT&TT như sau:
Thời gian qua, không riêng Cà Mau mà nhiều địa phương khác đều tập trung triển khai xây dựng chính quyền điện tử cấp tỉnh. Nhưng đặc điểm địa phương khác nhau. Đã có một số địa phương đi trước như TP.HCM, Đà Nẵng đạt nhiều thành tựu. Đề xuất Bộ TT&TT có thể xây dựng mô hình chính quyền điện tử cấp tỉnh để áp dụng chung. Nội dung tiên tiến của địa phương này có thể giúp cho địa phương đi sau triển khai nhanh hơn và thuận lợi hơn.
Mặt khác, Cà Mau đã xây dựng được trung tâm dữ liệu tập trung rất nhiều dữ liệu nhưng rất lo lắng về vấn đề an toàn an ninh thông tin dữ liệu. Mong Bộ TT&TT hỗ trợ để tỉnh có phương án dự phòng và có đội ngũ nhân lực trình độ chuyên nghiệp hơn giúp đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Về mạng truyền số liệu chuyên dùng, Bộ TT&TT đã có Thông tư số 06 ngày 11/2/2010 về ban hành giá cước mạng truyền số liệu chuyên dùng. Hiện đơn giá đã xa thực tế. Đề nghị quy định lại đơn giá cho phù hợp hoặc có quy định mở để khi thực hiện, địa phương có thể tiết kiệm được chi phí.
Được Bưu điện Trung ương quan tâm, tỉnh đã triển khai được đường truyền mạng số liệu chuyên dùng đến cấp tỉnh và huyện. Đề nghị đẩy mạnh triển khai đến cấp xã, thị trấn (hiện vẫn dùng thuê bao công cộng). Nếu đường truyền xuống được cấp xã thì sẽ thuận lợi hơn trong việc triển khai ứng dụng CNTT.
Ông Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)
Năm 2014 có nhiều nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện, trọng tâm nhất là tái cơ cấu Tập đoàn.
Sau khi nhận được quyết định của Thủ tướng, chúng tôi đã khẩn trương tái cơ cấu VNPT trên 63 tỉnh, thành phố theo hướng tách bạch sản xuất kinh doanh, tổ chức lại mạng lưới bám sát thị trường, khách hàng, địa bàn; nâng cao năng suất lao động và hiệu quả hoạt động của viễn thông 63 tỉnh, thành phố. Đồng thời chủ động sắp xếp các hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty dọc để chuẩn bị hình thành và đưa các tổng công ty mới vào hoạt động.
Trong tái cơ cấu viễn thông 63 tỉnh, thành phố, khó khăn thách thức lớn nhất là trong thời gian ngắn nhất phải chuyển 1,7 vạn lao động sang chuyên hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngày 1/11, đơn vị cuối cùng là VNPT Hà Nội đã tinh giản bộ máy, bỏ bớt trung gian. Và 1,7 lao động trong 3,6 vạn lao động của VNPT đã được chuyển sang chuyên nghiệp về kinh doanh.
Như vậy là chỉ trong 3 tháng, VNPT đã hoàn thành tái cơ cấu viễn thông 63 tỉnh, thành. Sang năm 2015, đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ để giai đoạn 2 – tái cơ cấu các công ty dọc, Tập đoàn VNPT được hỗ trợ về thời điểm phù hợp để có thể chuẩn bị tốt hơn, tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel)
Năm 2014, Viettel đạt doanh thu 196.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so 2013, lợi nhuận trước thuế hơn 40.000 tỷ đồng, sau thuế hơn 31.000 tỷ đồng. Tổng doanh thu khối nước ngoài 1,2 tỷ USD. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 24%.
Định hướng trong năm 2015, Viettel đặt mục tiêu tối thiểu tăng trưởng 15%, doanh thu phải đạt 226.428 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 44.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 16.000 tỷ đồng. Trong năm 2015, viễn thông trong nước chuyển dịch từ di động sang di động băng rộng. Dự kiến hết 2015 sẽ làm chủ 75 thiết bị lõi gồm hệ thống chuyển mạch, nhắn tin, hệ thống phụ trợ, thiết bị an ninh quốc phòng... Đẩy mạnh đưa sản phẩm mới vào xã hội.
Hiện Viettel đang sở hữu tần số 900 MHz, 2100 MHz. Đề nghị Bộ TT&TT ban hành văn bản chính thức cho doanh nghiệp kinh doanh 3G trên băng tần 900.
Với dịch vụ 4G, đề xuất Bộ TT&TT cho phép Viettel sử dụng một phần băng tần 1800 MHz để thử nghiệm 4G, nếu tốt thì đưa vào triển khai. Cho phép đấu thầu băng tần 4G để doanh nghiệp triển khai đồng bộ vào 2016.
Về kho số viễn thông, sau khi ban hành quy định mới, đề nghị Bộ TT&TT cho triển khai ngay và có lộ trình triển khai cụ thể. Về quản lý giá dịch vụ viễn thông, để tăng cường cạnh tranh giữa các nhà khai thác, đảm bảo tính bền vững cho thị trường, đề nghị có khung giá với giá trần cho dịch vụ có tính cạnh tranh chưa cao, và giá sàn cho dịch vụ có tính cạnh tranh cao.
Ông Vũ Quốc Thạnh, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên
Thái Nguyên là một trong những tỉnh có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về CNTT, có nhiều đột phá về cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi về thu hút đầu tư nước ngoài. Về ứng dụng CNTT, nhiều năm nay, Thái Nguyên đều có tên trong Top 10 của xếp hạng ICT Index.
Từ thực tế hoạt động của địa phương, đề nghị Bộ TT&TT xây dựng Thông tư hướng dẫn các tiêu chí, chỉ tiêu chấm điểm trong ứng dụng CNTT để thúc đẩy ứng dụng CNTT tại các địa phương.
Bộ TT&TT cần sớm nghiên cứu hướng dẫn về thuê ngoài dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước, chỉ rõ những phần việc nên để doanh nghiệp làm thì tốt hơn, những phần việc để cơ quan Nhà nước làm.
Ngoài ra, rất mong Bộ TT&TT hỗ trợ để Thái Nguyên trở thành trọng điểm phát triển công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ để thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng
Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2014 đã được Bộ TT&TT chuẩn bị công phu, súc tích. Đặc biệt, đánh giá khá đầy đủ tình hình hoạt động của các cơ quan thuộc Bộ cũng như các Sở TT&TT cả nước. Tuy nhiên, sẽ đầy đủ hơn nếu đánh giá thêm được tỷ lệ tăng trưởng doanh thu của toàn ngành TT&TT (năm 2014 đạt doanh thu 500.000 tỷ đồng, lợi nhuận 52.000 tỷ đồng nhưng không rõ tốc độ tăng trưởng so với năm 2013 là bao nhiêu). Bên cạnh đó cần có chỉ tiêu đánh giá thống nhất đối với các sở TT&TT để các địa phương có thể nhìn vào và học tập lẫn nhau.
Sang năm 2015, Bộ TT&TT cần có đánh giá tình hình thực hiện Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Ban hành sớm các quy hoạch phát triển các khu CNTT tập trung ở Việt Nam đến năm 2020 để thúc đẩy nhanh hơn việc phát triển công nghiệp CNTT. Các khu CNTT tập trung nếu được thành lập và sớm đi vào hoạt động sẽ thu hút đầu tư để phát triển các sản phẩm CNTT, góp phần quan trọng để thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Mặt khác, cần có mục lục ngân sách riêng cho TT&TT. Kiến nghị này đã được đề đạt cách đây 7 – 8 năm nhưng đến nay vẫn chưa thấy có kết quả. Ứng dụng CNTT là một hoạt động rất quan trọng, nhưng hầu hết địa phương hiện nay đều phụ thuộc vào nguồn kinh phí ít ỏi từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ địa phương.
Bộ TT&TT cũng cần sớm đề ra mục tiêu về an toàn an ninh thông tin quốc gia cho các địa phương vì đây là vấn đề sống còn cho bảo đảm chủ quyền đất nước.
Ngoài ra, cần có Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển CNTT mới có thể đẩy mạnh hơn, nhanh hơn đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp CNTT. Hiện các địa phương không có hướng dẫn, chương trình quốc gia thì khó thuyết phục để địa phương tập trung phát triển hạ tầng công nghiệp CNTT.
Về việc triển khai số hóa truyền hình, kiến nghị Bộ quan tâm đẩy mạnh thực hiện thí điểm đề án số hóa tại Đà Nẵng. Hiện đang gặp khó khăn là chưa có hướng dẫn của Bộ về điều tra khảo sát, trong khi lại có sự khác biệt về chuẩn nghèo. Nếu không được hướng dẫn thì khó hoàn thành đúng tiến độ vào 30/6/2015.
(Nội dung được đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 1+2 ra ngày 02/01/2015)