- Tình trạng tuyển sinh bết bát kéo dài nhiều năm đẩy nhiều trường nghề tự nguyện khai tử.
Mới đây Trường Cao đẳng Miền Nam vừa thông báo trả lại hồ hồ sơ và học phí cho sinh viên xét tuyển vào hệ trung cấp chuyên nghiệp của trường vì không đủ mở lớp.
Theo lý giải của bà Trần Thị Bền, Phó phòng Đào tạo nhà trường, hệ trung cấp có thời gian đào tạo ba năm, tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THCS và THPT của trường mặc dù có 14 ngành gồm Dược sỹ, Y sỹ, Điều dưỡng, Kỹ thuật vật lý trị liệu phục hồi chức năng, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Quản lý đất đai, Tài chính ngân hàng, Hành chánh văn phòng, Kế toán doanh nghiệp, Pháp luật, Quản lý công trình đô thị, Hướng dẫn du lịch, Thiết kế và quản lý website, Sư phạm mầm non nhưng chỉ có 2 ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp và Sư phạm mầm non nhận được hồ sơ. Dù đã thông báo tuyển sinh nhiều đợt nhưng chỉ có 9 học sinh nộp học phí nhập học. Vì vậy trường đã thông báo và gọi điện đến từng phụ huynh, học sinh để trả lại hồ sơ, học phí. Bà Bền cho biết, trong khi Hệ cao đẳng của trường tuyển sinh tương đối tốt thì hệ trung cấp như vậy là một điều đáng tiếc.
Trước đó, trong một buổi làm việc của đại diện Sở LĐ-TB-XH với các trường CĐ, TC nghề trên địa bàn thành phố tình hình tuyển sinh năm học 2016-2017. Trường trung cấp Kỹ thuật Cơ khí Giao thông đã xin giải thể do không tuyển sinh được từ nhiều năm nay. Điều đáng nói mặc dù trường có lịch sử hơn 10 năm thành lập và được nâng cấp từ Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật Công nghệ Cơ khí giao thông vận tải . Nay website của trường cũng không tồn tại.
Còn ông Nguyễn Đăng Lý, hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Kinh tế Công nghệ TP.HCM cho biết, mặc dù trường có hai hệ đào tạo cao đẳng và trung cấp nhưng trường chỉ tập trung tuyển sinh cho hệ cao đẳng là chính. Dù được tập trung cho hệ này, các năm trước tuyển sinh tương đối tốt nhưng năm nay cũng chỉ tàm tạm. Còn hệ trung cấp vẫn tồn tại, đăng tuyển sinh nhưng chỉ thuộc dạng “nuôi mà không cho ăn”, tức là không tập trung lắm.
Nhiều trường nghề cam kết tìm việc làm cho sinh viên như một cam kết cho tuyển sinh |
Ông Lý cho rằng, đúng ra là hệ trung cấp sẽ không khó tuyển mà rất dễ tuyển vì có nhiều chính sách hỗ trợ trong đó có chính sách học phí. Nhưng do nguồn tuyển bị cạn kiệt, việc cung cầu trong công việc đẩy hệ trung cấp vào thế bí, đặc biệt là các ngành xã hội không có người học. Hơn nữa chính sách phân luồng không tốt, tâm lý của học sinh là thích học để lấy bằng. Trong khi đó, sinh viên trung cấp ra chính sách lương và tuyển dụng của nhà nước lại rất hạn chế. Đặc biệt khối ngành sức khỏe khi có quyết định tuyển dụng của bộ y tế là một bất lợi.
Hiệu trưởng một trường trung cấp khác than rằng. “các trường trung cấp tự khai tử là do việc tuyển sinh đầu vào. Đa số các trường đều tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, tức là những đối tượng không đủ trình độ lên cấp ba, trường khó đào tạo. Hơn nữa hiện nay lượng học sinh bị rớt ớp 10 rất ít, nguồn tuyển rất hạn hẹp. Còn đối tượng tốt nghiệp trung học phổ thông tuy rất dồi dào nhưng các em không chọn học trung cấp mà cơ hội vào đại học và cao đẳng rất lớn.
“Nhiều trường không còn thiết tha đầu tư cho trung cấp không phải chảnh, mà một phần vì không có nguồn. Nếu tuyển được thì đầu vào hạn chế trình độ, rất khó đào tạo. Ít nhất các em phải có trình độ THPT mới dễ đào tạo nhưng những đối tượng này trường trung cấp không còn mơ tới”.
Ông Võ Phước Nguyện, Phó phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, theo thống kê việc tuyển sinh các trường nghề thuộc Sở quản lý, các trường trung cấp tuyển sinh được 60% chỉ tiêu được giao, các trường cao đẳng tuyển sinh được khoảng 80% chỉ tiêu được giao. Trong hệ thống các trường này có 1 vài trường tuyển sinh được rất ít.
Ông Nguyện cho rằng, những đơn vi xin giải thể hoặc trả hồ sơ, không tập trung cho đào tạo trung cấp là do một quá trình không triển khai hoạt động, việc tuyển sinh cũng là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Lê Huyền