Ở khu công nghiệp làng nghề thuộc thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn (Thanh Hoá) có 40 nhân sự chính thức và khoảng 600 nghệ nhân mùa vụ đang đầu quân cho Công ty TNHH Xuất khẩu Việt Trang.
Chị Ngô Huyền Lâm, thành viên Công ty, chia sẻ, nhiều nghệ nhân gắn bó với nghề hàng chục năm, từ nhỏ tới lớn chỉ biết đan chiếu cói. Do vậy, Công ty cùng những nghệ nhân này trở thành đối tác, tạo ra 2 triệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ/năm.
Nhiều nông hộ Nga Sơn nhận đơn hàng để làm lúc nông nhàn. Mức thu nhập từ công đan thủ công mỹ nghệ khoảng 150.000-200.000 đồng/ngày. Cùng với đó, nguyên liệu cói Nga Sơn cũng được tận dụng để xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ, châu Âu, với giá trị cao.
Ở các quốc gia phát triển, người dân thích sản phẩm thân thiện môi trường. Ngoài ra, khách hàng muốn mua sản phẩm có câu chuyện ẩn đằng sau. Một chiếc thảm sàn size S có thể bán ra nước ngoài có giá 10 USD (khoảng 240.000 đồng).
“Đan cói bằng tay không ảnh hướng tới môi trường. Nghệ nhân có thu nhập, làng nghề thủ công truyền thống được duy trì. Những đóng góp cho xã hội là điều người tiêu dùng các nước rất quan tâm”, chị Lâm nói.
Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa đã công nhận 20 làng nghề chiếu cói truyền thống, 1 làng nghề mây tre đan trên địa bàn huyện Nga Sơn. Các làng nghề này thu hút 23 đơn vị, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh. Toàn huyện có hơn 15.000 hộ cá thể sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Cũng theo xu hướng sử dụng vật liệu truyền thống, ông Nguyễn Lê Phương, Giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt - VietS (Long An), thông tin, vùng nguyên liệu chủ yếu của doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam, sử dụng 100% chất liệu tự nhiên. Đồ nội thất được công ty làm bằng tre, hoặc kết hợp đan từ sợi cói, sợi lục bình, sợi đay...
Chia sẻ với VietNamNet, ông Phương cho hay, doanh nghiệp đi theo hướng thủ công mỹ nghệ, giúp người dân vùng nông thôn có việc làm, tăng thu nhập, tạo sinh kế lâu dài. Trước dịch, doanh thu xuất khẩu của công ty khoảng 5 triệu USD/năm (tương đương 120 tỷ đồng). Thị trường Bắc Âu, Mỹ tiêu thụ tốt các sản phẩm, người dân thích đồ thủ công “không đụng hàng”, mang đặc tính thiên nhiên.
Ước tính, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015 - 2022 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến gần 3 tỷ USD (2021) và giảm xuống khoảng 2,4 tỷ USD (năm 2022). Tác động của dịch bệnh, các diễn biến địa chính trị đang làm giảm xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.
Do vậy, để quảng bá hình ảnh của ngành thủ công mỹ nghệ nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế đã được thực hiện.
Đơn cử, tại Triển lãm Nội thất và Thủ công mỹ nghệ Maison & Objet 2023 ở Paris (Pháp) từ ngày 7-11/9, ở cụm gian hàng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), có 23 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nội thất và thủ công mỹ nghệ tham gia.
Các nhà phân phối quốc tế và khách hàng tại Pháp nhận định, hàng thủ công Việt có tiềm năng tiếp cận thị trường Pháp và châu Âu vì có nhiều đổi mới, độc đáo, đáp ứng các yêu cầu cao về thiết kế, chất lượng cũng như tính ứng dụng.
Đại diện đơn vị tổ chức triển lãm cũng mong muốn tìm kiếm những doanh nghiệp Việt Nam có khả năng xuất khẩu sang các thị trường thế giới và tạo ra thương hiệu.
Còn tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), thị trường quốc gia này cung cấp lượng lớn nhà cho thuê mà không có bất kỳ đồ vật nào. Người thuê nhà phải tự mua sắm toàn bộ đồ nội thất, đồ gia dụng như giường, tủ, bàn, ghế,... Do vậy, nhu cầu sản phẩm từ gỗ phục vụ trang trí nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ là tiềm năng.
Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại UAE, doanh thu sản phẩm nội thất tại thị trường này lên tới 4 tỷ USD vào năm 2023, dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm 4,12% (giai đoạn 2023-2027). Trong đó, phân khúc lớn nhất là nội thất phòng khách, trị giá lên đến 1,08 tỷ USD năm 2023.
Hiện, Việt Nam đang xếp thứ 15 trong danh sách xuất khẩu nội thất sang UAE, sau các doanh nghiệp Trung Quốc, Đức, Ấn Độ...
Các đơn vị nhập khẩu, phân phối phía UAE nhận định, thị phần sản phẩm Việt Nam còn ít, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, với mức độ cạnh tranh cao về giá bán, doanh nghiệp cần chào mức giá phù hợp khi muốn đưa sản phẩm vào UAE.