Lời toà soạn

Hiện nay, độ bao phủ BHYT ở nước ta đã trên 93%, phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng, bảo đảm. Chất lượng dịch vụ y tế được cải thiện, nâng cao. Chính sách BHYT cũng cho thấy tính bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia, đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác. Tuy nhiên, trong 15 năm thực hiện Luật BHYT, thực tiễn đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.

VietNamNet đăng tải tuyến bài Tháo gỡ bất cập trong chính sách BHYT nhằm nhận diện những bất cập, khó khăn mang tính cấp bách trong thực tiễn và ghi nhận các hướng tháo gỡ để góp phần bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe; tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Trong kiến nghị gửi đến Bộ Y tế trước Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, cử tri tỉnh Bình Định cho hay: "Hiện tại, thuốc điều trị ung thư ở bệnh viện công đa số không có trong danh mục bảo hiểm (trước đây thì có, hiện nay thì không), bệnh nhân tự mua thuốc, người lao động bị bệnh đã khó khăn giờ khó khăn hơn".

Cử tri Bình Định đề nghị Bộ Y tế quan tâm đưa thêm các loại thuốc điều trị ung thư vào danh mục bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm hỗ trợ hơn nữa các đối tượng tham gia bảo hiểm.

thach thao 37 2196.jpg
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K (Hà Nội). Ảnh: Thạch Thảo

Trong văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định trả lời ý kiến cử tri mới đây, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia có danh mục thuốc BHYT tương đối đầy đủ và toàn diện, phù hợp với mức phí đóng. 

Theo quy định, mức đóng BHYT hàng tháng tối đa bằng 6% mức tiền lương hoặc tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hoặc mức lương cơ sở. Hiện nay, mức đóng BHYT là 4,5%. Người tham gia BHYT có mức hưởng khác nhau: 80-95% và 100% trong phạm vi được hưởng.

Theo Thông tư số 20/2022, Bộ Y tế đã ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.

Bộ Y tế cho biết danh mục này bao gồm 1.037 hoạt chất/thuốc hóa dược và sinh phẩm, được chia thành 27 nhóm lớn và 59 thuốc phóng xạ và chất đánh dấu. Đặc biệt, trong đó, 76 hoạt chất/thuốc hóa dược, sinh phẩm thuộc nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch.

"Điều này cho thấy sự quan tâm của Bộ Y tế trong việc bảo đảm quyền lợi của người bệnh ung thư", Bộ trưởng Lan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, danh mục thuốc bảo hiểm y tế tại Việt Nam được ghi dưới dạng tên hoạt chất/thành phần, không ghi hàm lượng và dạng bào chế và tên thương mại. Như vậy, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bị giới hạn bởi chỉ định điều trị, chuyên khoa điều trị, các bệnh cấp tính hay mãn tính.

Theo người đứng đầu Bộ Y tế, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung thông tư ban hành danh mục thuốc được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, nhằm mở rộng phạm vi và đảm bảo chất lượng điều trị cho người bệnh.

Đồng thời, Bộ Y tế đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Thông tư quy định về việc thanh toán trực tiếp chi phí thuốc và thiết bị y tế cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế, nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc do những nguyên nhân  khách quan, đảm bảo quyền lợi và nhu cầu điều trị của người tham gia BHYT.

Thực tế, danh mục thuốc được BHYT thanh toán trong 13 năm qua chỉ được điều chỉnh 4 lần vào các năm 2012, 2014, 2018 và 2022. Trung bình phải 3-4 năm, danh mục thuốc mới được bổ sung một lần.

Giáo sư Mai Trọng Khoa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết số liệu từ Globocan 2020 cho thấy mỗi năm Việt Nam có trên 182.000 ca mắc ung thư mới, trên 122.000 người tử vong. Bộ Y tế thống kê có hơn 354.000 người Việt Nam đang sống chung với ung thư.  

"Tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam tăng lên, đặc biệt tỷ lệ tử vong rất cao, hơn một nửa bệnh nhân ung thư qua đời sau một năm phát hiện", Giáo sư Khoa cho biết.