“Dặn dò ngày 7/10

1. Môn Tiếng Việt

Học sinh làm phiếu ôn tập tháng 10 môn TV  số 1 trên Teams, kênh bài tập của lớp. Hạn trước 23 tối nay.

2. Môn Toán

Hoàn thành phiếu ôn tập đổi đơn vị đo diện tích trên Teams, hạn 23h tối nay”.

Chưa kịp mừng vì thấy tin cô giáo nhắn bài tập về nhà của bé lớn hôm nay “có vẻ ít hơn mọi khi”, chị T. (Hà Nội) lại tá hỏa khi đọc tin nhắn tiếp theo của cô giáo lớp 3 dành cho cô con gái: “* Lưu ý về bài tập cho tiết Writing:

- Các con hoàn thành recipe (công thức nấu ăn) cho một món ăn bất kì.

- Quay video và trình bày cách làm món đó (con có thể vừa nấu vừa thuyết trình/ bố mẹ nấu-con thuyết trình/ con không nấu, dùng thêm các hình ảnh giấy hoặc powerpoint để  thuyết trình)

- Yêu cầu: trình bày được nguyên liệu và cách làm.

- Nộp bài trên Teams mục: Recipe - Công thức nấu ăn

Ngoài ra cô đã gửi tài liệu tham khảo cách làm trên Teams/Kênh Tiếng Anh.

Hi vọng bố mẹ có thể hỗ trợ các con hoàn thành bài. Cảm ơn bố mẹ”.

“Hầu như ngày nào cũng thế, “hàng đống” bài tập cho mấy đứa trẻ. Hôm nào ít bài tập Toán, Tiếng Việt thì lại làm tiếp mấy mô hình STEAM, vẽ, reading eggs… vân vân và mây mây.

Mà chúng nó đã học cả sáng, cả chiều rồi, có hôm đến 5h, 5 rưỡi chiều mới kết thúc lớp. Nên tối ăn cơm xong là mấy mẹ con lại vật vã cùng cái máy tính” – chị T. than thở.

Từ hơn một tháng nay, chị T. chính thức nhập cuộc cùng con học online. Không chỉ hỗ trợ con học những môn chính, chị còn kiêm luôn nhiệm vụ “làm giá đỗ, vẽ tranh, trồng cây, tập thể dục… với con”.

“Cứ mỗi chiều là một danh sách bài tập gửi vào Zalo. Công việc ở công ty bây giờ mình cũng “mặc kệ” chồng, mình nghỉ làm luôn ở nhà với con. Không kèm, không giục thì đám con cứ ngơ ngơ ngác ngác, bài không nộp được”.

Ốp con là thế, nhưng cũng có những thứ chị đành làm hộ cho xong.

“Nào là trồng cây trong vỏ trứng, làm giá đỗ…, mình bắt làm cùng nhưng nó có làm được gì đâu chỉ đứng xem thôi. Thôi mình làm cho nhanh để lấy cái mà nộp cô, cũng để con có thời gian nghỉ chứ học suốt ngày rồi lúc nào mà quan sát cây nảy mầm với cây lớn”.

"Mệt hết hơi"

Cũng ngán ngẩm về việc hàng ngày phải đốc thúc cô con gái học lớp 7 làm hàng loạt bài tập, chị Phương Lê (Quận Ba Đình, Hà Nội) than thở: “Thời khóa biểu của con y như khi đi học trực tiếp, không sót môn gì từ thể dục đến nhạc, mỹ thuật. Ngày nào cũng 4, 5 tiết, giữa các tiết có nghỉ khoảng 10 phút nhưng con chưa kịp thoát ra khỏi tiết học này đã phải đăng nhập vào tiết khác, nên cứ lúc nào học là nó ngồi lì ở máy vài tiếng đồng hồ”.

Với cô con gái học lớp 5, chị Lê ngao ngán “ngoài bài tập môn chính còn phải dạy con hát rồi quay clip gửi cô, xé dán... rồi chụp ảnh gửi cô. Nói thật, nếu như đi học bình thường thì mấy thứ này cũng có tác dụng thư giãn cho trẻ giữa các giờ học trên lớp. Nhưng trong tình trạng học online như thế này, tất cả lại dồn vào tay phụ huynh. Mà chúng tôi đâu chỉ có mỗi việc kèm con học, còn làm ăn, còn nhà cửa nữa chứ”.

Cũng là một phụ huynh lớp 3, anh Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) lắc đầu bình luận “chắc các cô chưa thấy học cả ngày là đủ nên ngoài giao bài tập về nhà còn tiện thể giao thêm những thứ rất 'oái oăm' như yêu cầu học sinh tham gia thử thách, so sánh hẳn 'Hà Nội xưa và nay', tí tuổi đầu biết gì mà so. Rồi Tiếng Anh ngày nào chả học mà bài tập tối cũng bắt quay video… Mệt hết hơi”.

Phụ huynh muốn “buông”

Cùng cảnh ngày ngày ngồi "canh" cậu con học lớp 2, chị Ngân Hương (Quận 1, TP.HCM) miêu tả một buổi học thường diễn ra theo kiểu "Con cứ ngồi quay mòng mòng trên chiếc ghế xoay, nhìn chóng hết cả mặt. Đôi khi con nhảy ra khỏi ghế đi lòng vòng quanh phòng, nhắc thì nó nói đi lại cho đỡ mỏi. Rồi thỉnh thoảng thấy chui tọt xuống gầm bàn, mình nhòm vào hóa ra cô đang gọi kiểm tra bài các học sinh.

Rồi thì trong giờ học mà đám trẻ cứ bất thình lình nói đủ thứ chuyện. Nào là "Cô ơi hôm qua sinh nhật mẹ con mà không có bánh kem", "Cô ơi con chó nhà con nó mới đánh nhau với chó hàng xóm sứt cả mũi", "Cô ơi nhà bên cạnh bật nhạc to quá con không nghe giảng được, cô cho con nghỉ một tí"...".

Chị Hương nói cảnh học hàng ngày diễn ra như vậy, kiểm tra bài thì con cứ "như trên trời rơi xuống", chả hiểu mô-tê gì.

"Sáng con học Toán hoặc Tiếng Việt khoảng 2 tiếng. Chiều cách ngày có một buổi học Tiếng Anh. Buổi tối cô giao bài tập. Thế là không bố thì mẹ, hai người thay phiên nhau đánh vật cùng ông con, lắm khi um tỏi cả nhà”.

Thế nhưng, từ một tuần nay, buổi tối ở nhà chị Hương yên tĩnh hẳn. Bố mẹ xử lý công việc riêng, con ngồi chơi lego, vẽ vời…

“Chúng tôi không ép con làm bài tập nữa, cho nó chơi vì có làm cũng thế thôi. Thôi để đến lúc đi học lại rồi tính".

Trong khi đó, chị Thanh Nhàn - một phụ huynh có con học lớp 7 ở Hà Nội cũng cho biết đã mạnh dạn gọi cho thầy chủ nhiệm, xin cho con không làm bài tập về nhà trong thời gian học online.

"Tôi tình cờ phát hiện ra đoạn chat của con với bạn, nói rằng nó chán học lắm rồi nhưng sợ mẹ biết" - chị Nhàn vừa nói vừa chảy nước mắt.

Con trai chị Nhàn thời gian gần đây thường xuyên làm việc riêng trong giờ học, ngồi trước màn hình máy tính cả ngày song mất tập trung. Từ một đứa trẻ chăm chỉ với việc học hành, theo chị, con bắt đầu nói dối và chìm đắm vào các clip trên youtube. 

"Các môn học thì càng ngày càng khó, con có vẻ không hiểu bài nhưng cũng không dám hỏi lại. Rồi thầy cô còn giao thêm nhiều bài tập nâng cao, rồi làm dự án, có hôm 10 giờ đêm vừa xong bài vở leo lên giường thì phát hiện chưa quay clip nhảy dây, clip môn âm nhạc... Có lẽ vì chán học, nên con bắt đầu sa đà vào các trang mạng... mà giờ quảng cáo bẩn nhảy vào rất nhiều. Vì thế, nên tôi nghĩ tạm thời hạn chế thời gian con tiếp xúc với máy tính rồi tính tiếp".

Cho rằng thầy cô và cả hình thức học online không có lỗi gì, song theo chị, những hệ lụy từ việc tổ chức, bố trí dạy và học online không khoa học, không thống nhất, không phù hợp với thực tế là có thật. Với thời khóa biểu học online như hiện nay, trong tâm trạng chán nản, lâu ngày không được tương tác, không được đến trường, và chưa kịp có những kĩ năng cần thiết, việc trẻ sa đà vào các thiết bị điện tử là rất khó tránh khỏi.

"Điều quan trọng với tôi lúc này không còn là kết quả học tập của con nữa..." - chị Nhàn nói.

LTS: Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học trực tuyến là một giải pháp tất yếu để đảm bảo yêu cầu vừa chống dịch, vừa đảm bảo quyền lợi được học của học sinh. Hơn nữa, học online cũng là xu hướng tất yếu giúp mọi người ở mọi nơi có thể liên tục học tập với chi phí rẻ.

Mặc dù vậy, những bất cập chưa được giải quyết triệt để của việc học trực tuyến trong 2 năm qua ở Việt Nam đã khiến không ít phụ huynh lo lắng. Tư duy lớp học thì online nhưng phương thức giảng dạy, sách vở, đánh giá vẫn theo kiểu học trực tiếp… dẫn đến khối lượng công việc cho học sinh và phụ huynh tăng lên đáng kể, nhất là với những học sinh tiểu học. Đó là chưa kể việc ngồi máy tính thời gian dài cũng dẫn đến sức khỏe thể chất suy giảm hay trẻ dễ bị lôi cuốn vào những thứ không lành mạnh trên mạng.

Đã đến lúc, ngoài sự cố gắng của thầy cô, nhà trường và cả xã hội duy trì việc dạy kiến thức cho trẻ, còn cần có những giải pháp để tận dụng được những lợi ích từ hình thức học online trong và sau đại dịch Covid-19.

Phương Chi

*** Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Ý kiến, bài viết của độc giả vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn.

Bố 'đập' iPhone, cho con nghỉ học online: Lỗi tại phụ huynh, tội nhà trường?

Bố 'đập' iPhone, cho con nghỉ học online: Lỗi tại phụ huynh, tội nhà trường?

Nhiều ý kiến tán đồng quyết định cho cô con gái đang học lớp 10 tạm dừng học online của một gia đình ở Hà Nội, cũng như lo ngại trước nhiều dấu hiệu tâm lý bất thường khi con sử dụng các thiết bị điện tử một thời gian dài.

Nhiều gia đình sắp 'nổ tung' vì biểu hiện bất thường của con cái

Nhiều gia đình sắp 'nổ tung' vì biểu hiện bất thường của con cái

Ở một số gia đình, việc con cái cả ngày ôm điện thoại, máy tính đang gây ra tình trạng căng thẳng.

GS Huỳnh Văn Sơn: Học online, phụ huynh nên giảm kỳ vọng

GS Huỳnh Văn Sơn: Học online, phụ huynh nên giảm kỳ vọng

GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: Hãy hình dung liên tiếp vài tháng hay nửa năm con trẻ không được thụ hưởng các tác động giáo dục hệ thống, có đáng lo và đáng trăn trở?

Ông bố Hà Nội 'đập nát' iPhone, cho con nghỉ học online

Ông bố Hà Nội 'đập nát' iPhone, cho con nghỉ học online

Vợ chồng anh Trần Dương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa quyết định cho cô con gái đang học lớp 10 tạm dừng học online bởi sau một thời gian, con bắt đầu đắm chìm vào thế giới ảo, nhiều biểu hiện phản kháng bất ngờ, hay cáu giận...