Nỗi xấu hổ về ngành du lịch VN đến khi nào thì chấm dứt vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ để các cơ quan chức năng, từng cá nhân có trách nhiệm. 

Năm năm mới diễn ra một lần nên Expo 2015- Milan (Italia) được tổ chức rất quy mô, quy tụ gần 200 quốc gia và tổ chức quốc tế, tập đoàn tham dự. Một cơ hội lớn cho việc quảng bá ẩm thực, du lịch và giới thiệu hình ảnh quốc gia ra thế giới.

Trước khi diễn ra Expo 2015, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ VHTTDL, cho biết: “Ngôi nhà tre này là một trong những điểm thu hút khách rất đông. Trên Facebook của Thủ tướng Ý đăng 4 điểm nhấn là 4 công trình ông ấn tượng khi đến thăm, trong đó có nhà của VN. Trong tập gấp của ban tổ chức khi khai mạc Expo phát cho đại biểu chỉ có hình ảnh khu trưng bày của 2 quốc gia thì trong đó có nhà tre của VN. Chứng tỏ nhìn chung tổng thể của mình là tốt”.

Vậy mà, mọi điều tưởng như tốt cứ trượt dần, trượt đến khi “Khách Việt phẫn nộ, nhục nhã khi ghé 'Ngôi nhà Việt Nam' tại Expo 2015 ở Milan”[1], để giật mình nhìn lại điều gì đang diễn ra trong Ngôi nhà tre VN?

{keywords}

Một "linh vật" được trưng bày tại gian hàng Việt Nam nhưng không ghi xuất xứ, ý nghĩa và không ai giải thích. Ảnh: Thanh Niên

Tư duy nghèo nàn hay thói cẩu thả?

Không thể đổ thừa vì ít tiền, mà thực ra đâu có ít, tới 57 tỉ đồng, mà toàn bộ cái “ruột” trong Ngôi nhà tre VN sơ sài, nghèo nàn và cũ kỹ, chưa kể có những sản phẩm không “thuần Việt”.

Theo dự án kế hoạch, ngôi nhà tre VN ở Expo 2015 gồm có khu ẩm thực, khu quảng bá du lịch, nhưng sang đến tháng 6, hai khu này vẫn chưa có.

Trong đề án do Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nêu rõ mục tiêu: “VN - vựa lúa của thế giới, VN - vẻ đẹp bất tận”. Một mục tiêu khác cũng được đặt ra là “thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch tới VN”.

Thế nhưng có gì trong đó? “Không có được một lá cờ cắm tại đây, ngoài lá cờ treo dọc của ban tổ chức phía trước để giới thiệu khu vực của từng quốc gia theo quy định chung. Cũng không có một tấm bảng nào để giới thiệu các thông tin tổng quan về đất nước.

Tầng trệt trưng bày lèo tèo một vài sản phẩm được giới thiệu là gốm Bát Tràng và sơn mài của Từ Sơn (Bắc Ninh). Một số bình, lọ giả cổ, tượng nghê... với vài thông tin giới thiệu chung chung, không rõ nguồn gốc. Một sân khấu nhỏ trưng bày vài loại nhạc cụ dân tộc. Khu vực ẩm thực phía sau bán vài món ăn không phải là đại diện ẩm thực VN…”- Thanh Niên online 12/8/2015.

Tại lầu 1, trang phục của ma-nơ-canh quá cũ lại không phải của người Việt. Chân ma-nơ-canh lại không mang dép hay giày, có ma nơ canh còn bị cụt tay, đầu trọc trông rất phản cảm.

Một video clip 51 phút được trình chiếu để giới thiệu về nông nghiệp nhưng theo kiểu báo cáo thành tích. Trong đó, nhiều khuôn hình trích ra từ tư liệu hội thảo, họp tổng kết. Những sản phẩm thế mạnh của VN chỉ được mô tả hời hợt, không có điểm nhấn.

57 tỉ đồng, mà ông Nguyễn Thuận, Phó giám đốc Trung tâm hội chợ triển lãm Giảng Võ than: “Vì kiến trúc nhà Việt lần này mang chủ đề sen nên chúng tôi cũng có dự định mang hạt sen sang để mời khách dùng với trà. Nhưng mỗi ngày có hàng nghìn người tới, lại là cả 6 tháng trưng bày thì tiền hạt sen chắc chắn rất lớn”???

Không có catalog giới thiệu về VN phát cho khách tham quan để xúc tiến du lịch, vì “nếu in thế này thì sẽ quá tốn kém, phải phát ròng rã và cho nhiều người”???

Có thể bình luận gì về những phát ngôn này của một lãnh đạo văn hóa!  

Du lịch Việt bao giờ hết xấu hổ?

Trong phiên họp ngày 8/6/2015 Quốc hội kỳ 9 khóa 13, trả lời câu hỏi của nhiều đại biều về việc ngành du lịch VN tại sao ngày càng xuống dốc, Bộ trưởng VHTTDL Hoàng Tuấn Anh cũng tự hỏi: “VN nhiều thứ “nhất thế giới”, mà sao khách du lịch vẫn không mặn mà”.

Vâng, đúng là “nhất thế giới”, nhưng với chiều ngược lại. Ở các địa điểm tham quan di tích di sản thế giới, nhân viên không biết cười đón chào khách, không biết cảm ơn khách khi ra về…

Liệu có quốc gia nào làm du lịch theo kiểu “du kích”, manh mún, nhỏ lẻ, ăn xổi ở thì như VN? Và liệu có có quốc gia nào như VN, ngành Du lịch trên cơ sở do Nhà nước quản lý, có cơ quan chủ quản là Tổng cục Du lịch VN nhưng nhìn lại bộ máy tổ chức chồng chéo như hình ngôi sao; vừa dọc (ngành), vừa ngang (chính quyền).

Do tổ chức bộ máy “không giống ai” nên việc quản lý tài nguyên du lịch từ Nhà nước đến từng địa phương, từ các đoàn thể cho đến từng ngành, từ các doanh nghiệp cho đến từng cá nhân, đều có thể sở hữu các điểm tham quan, các dịch vụ…, nên cách ứng xử của mỗi nơi mỗi khác, không tuân thủ thống nhất.

Nghị quyết số 92/NQ-CP, ban hành ngày 8/12/2014, đã đưa ra một số giải pháp cụ thể như cho phép Bộ VHTTDL chủ động phê duyệt, phân bổ nguồn ngân sách để thực hiện 2 chương trình trọng điểm: Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia và Chương trình hành động quốc gia về du lịch. Nhưng cho tới giờ, 8/2015, một trong hai chương trình trọng điểm là Xúc tiến du lịch quốc gia, quảng bá  ra bên ngoài vẫn cứ chờ đợi ngân sách Nhà nước, việc quảng bá gần như chỉ trông chờ vào “sự tốt bụng” của nước ngoài, thay vì chủ động thuê họ quảng bá cho mình.

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), các chỉ số cơ bản đo lường tính cạnh tranh của ngành du lịch một quốc gia gồm có: Đóng góp của du lịch vào GDP; Thu nhập từ khách du lịch inbound theo từng thị trường, thời gian lưu trú qua đêm; Giá trị xuất khẩu dịch vụ du lịch; Năng suất lao động, sức mua và giá cả dịch vụ du lịch, thủ tục thị thực nhập cảnh; Tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; Tài nguyên văn hóa; Mức độ thỏa mãn của du khách; Và chương trình hành động của ngành Du lịch.

Ngoài ra còn có một số chỉ số phụ như: Mức độ đa dạng hóa thị trường; Nguồn nhân lực, Mức độ kết nối hàng không và các phương tiện khác; Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch...

Nếu xét theo các chỉ số trên, thì từng hạng mục đều có những yếu kém tồn tại từ nhiều năm nay vẫn chưa có hướng khắc phục hay thay đổi.

“Vẻ đẹp tiềm ần”, “Vẻ đẹp bất tận”, nhiều thứ "nhất", gần 9.000 lễ hội trong năm, tự hào khi được nhiều tạp chí hàng đầu trên thế giới về du lịch, các tập đoàn truyền thông danh giá như CNN, BBC, ABC, NBC… ca ngợi, giới thiệu như: Đứng thứ 6/20 điểm đến hấp dẫn nhất; Có nhiều bãi biển thuộc hạng đẹp nhất thế giới; Kỳ quan Sơn Đoòng là 1/12 hang động kỳ thú nhất thế giới; Vịnh Hạ Long là một trong những kỳ quan ấn tượng nhất thế giới; TP Đà Nẵng có những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp nhất thế giới; Có nhiều món ăn nằm trong Top ẩm thực khám phá thế giới…

Hiện tại VN có 17 di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể, di sản thiên nhiên… được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Nhưng sao khách du lịch quốc tế vẫn không chọn VN làm điểm đến, hoặc chỉ đến một lần rồi không bao giờ quay lại?

Nỗi xấu hổ về ngành du lịch VN đến khi nào thì chấm dứt vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ để các cơ quan chức năng, từng cá nhân có trách nhiệm và cả người dân Việt?

Hoài Hương

-------

[1] Thanh Niên online 12/8/2015