UBND tỉnh Đắk Lắk vừa đề xuất với Bộ TT&TT để bổ sung nội dung “Xây dựng, phát triển Trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng của Tây Nguyên đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột” vào dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề xuất dựa trên dự thảo Quy hoạch hạ tầng ngành Thông tin và Truyền thông, với nội dung hình thành các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng (TTDL quy mô vùng), phục vụ hoạt động kinh tế xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước.
Theo dự thảo, các trung tâm dữ liệu (TTDL) vùng sẽ đặt tại vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên bải Trung Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng. Một TTDL vùng được xây dựng hướng tới việc đồng bộ hóa dữ liệu tại khu vực, vận hành theo quy trình từ thực hiện thu thập và lưu trữ dữ liệu phục vụ cho việc phân tích, đánh giá rồi chia sẻ thông tin và hỗ trợ ra quyết định để phát triển kinh tế xã hội. Khi xây dựng TTDL vùng, kinh tế khu vực sẽ được thúc đẩy phát triển.
Ngày 29/9, Hội thảo Xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng do Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel tổ chức tại Buôn Ma Thuột để trao đổi, chia sẻ các khó khăn vướng mắc và cùng tìm giải pháp cho kế hoạch mang tầm quốc gia.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thành Công, Phó Tổng giám đốc Viettel Solutions nhấn mạnh, việc lựa chọn khu vực để xây dựng trung tâm dữ liệu vùng dựa trên 4 yếu tố.
Thứ nhất, vị trí chiến lược, đảm bảo sự thuận lợi về giao thông, logistics. Thứ hai, phải đảm bảo về an toàn tự nhiên và an ninh lãnh thổ nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu.
Thứ ba là hạ tầng điện. Một TTDL tiêu thụ lượng điện năng rất lớn, đòi hỏi hạ tầng điện phải ổn định, nguồn cung cấp đáng tin cậy và có hệ thống dự phòng. Thứ tư là nguồn nhân lực và sự phát triển kinh tế của khu vực để phục vụ cho trung tâm dữ liệu.
Theo vị chuyên gia này, sẽ rất khó để vận hành TTDL trong tương lai và gây phát sinh chi phí nếu không sử dụng được nguồn nhân lực tại địa phương.
Với miền Trung – Tây Nguyên, Phó TGĐ Viettel Solutions đánh giá, đây là khu vực có hạ tầng điện năng rất tốt, vị trí thuận lợi để liên thông với các thành phố lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam như Viettel đã xây dựng hệ thống trạm cáp quang số lượng lớn, kết nối ở khu vực Bình Định, Đà Nẵng tạo nên hạ tầng viễn thông đủ mạnh cho khu vực.
Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển các TTDL vùng. Trước hết, đó là vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, gần các trung tâm kinh tế lớn của khu vực, nằm trên trục chính của hành lang kinh tế Đông - Tây. Vị trí này được đánh giá là thuận lợi về mặt kết nối cững như đầu tư xây dựng thêm các tuyến cáp quang.
Việt Nam cũng sở hữu một lực lượng nhân lực ngành công nghệ thông tin chất lượng với chi phí cạnh tranh trong khu vực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nội địa đang tích cực đầu tư mở rộng xây dựng các trung tâm dữ liệu của chính mình. Những thuận lợi này diễn ra trong bối cảnh Chính phủ và Bộ TT&TT ban hành các chính sách và chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy sự phát triển của TTDL tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi xây dựng TTDL vùng trước hết là mức đầu tư lớn. Nó không chỉ là chi phí đầu tư ban đầu, mà còn bao gồm chi phí phía sau, khi phải tiếp tục đầu tư về thể chế, chính sách, cơ chế thu hút doanh nghiệp, chi phí vận hành…
Thứ 2 là vấn đề quản lý và tuân thủ, thể hiện qua việc xây dựng hành lang pháp lý, nhằm đảm bảo trung tâm dữ liệu hoạt động một cách đáng tin cậy và an toàn.
Và mặc dù nhân sự được nhắc đến là một yếu tố thuận lợi, nhưng đồng thời cũng là một thách thức khi việc xây dựng TTDL đòi hỏi phải tìm kiếm và duy trì được nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao tại các khu vực xa trung tâm kinh tế.
Trở lại với miền Trung – Tây Nguyên, vấn đề thu hút và giữ chân nhân tài chính là điều mà các nhà quản lý cần phải tìm phương án để phát triển TTDL vùng tại đây.