Ngày 23/2, tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả vợ và chồng được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Nêu ý kiến tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội cho biết, luật Đất đai 2013, việc quy định cả vợ và chồng cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã làm tăng tỷ lệ giấy chứng nhận có cả tên vợ và chồng.
“Qua đó đảm bảo quyền của phụ nữ nói riêng và quyền của người sử dụng đất nói chung. Tạo cơ hội cho phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, việc cấp giấy chứng nhận chỉ có tên người chồng vẫn còn nhiều”, bà Nga nói.
Do vậy, bà Nga đề xuất, nên làm rõ quy định, trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng. Trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội nữ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội nêu vấn đề, nhiều phụ nữ không thể vay vốn khởi nghiệp vì giấy tờ nhà đất chỉ đứng tên chồng.
Ngoài ra, bà Hà còn đề nghị công khai, minh bạch thông tin quy hoạch đất để tránh trường hợp lợi dụng tung tin, thu lợi bất chính.
Luật sư Nguyễn Đào Tơ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) góp ý về việc thu hồi đất, Luật đất đai hiện hành đang quy định dự án đô thị được coi là dự án phát triển kinh tế đô thị, không phải dự án thỏa thuận.
Vậy quá trình thu hồi đất sẽ có nhiều tình huống xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Do vậy, theo bà Nguyễn Đào Tơ, cần làm rõ dự án đô thị là dự án như thế nào, vì sao lại không phải dự án thỏa thuận.
Trước đó, ngày 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Nhóm đối tượng lấy ý kiến gồm có các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan nhà nước, tổ chức ở trung ương và địa phương.
Nhóm đối tượng lấy ý kiến còn có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu cũng là đối tượng lấy ý kiến.
12 nội dung được đề xuất lựa chọn xin ý kiến nhân dân - Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. - Căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. - Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, dự án nhà ở thương mại. - Nguyên tắc “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” khi bồi thường về đất trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất. - Quy trình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh. - Việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất. - Việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. - Việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. - Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm. - Nguyên tắc và phương pháp định giá đất. - Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai... |