Dịp nghỉ lễ 2/9 được nghỉ tới 4 ngày, lượng người về quê tăng vọt và với sự phát triển của đất nước thì rất nhiều trong số đó lựa chọn lái xe cá nhân. Cơ sở hạ tầng ở các tỉnh cũng ngày càng khang trang và xe cộ nhiều lên nhưng nhìn chung đường vẫn còn rất thoáng, nhịp sống tương đối bình lặng.
Tuy nhiên, sự nhịp nhàng ấy dường như bị phá vỡ bởi những chiếc ô tô mang biển số 29, 30. Có lần, nhịp đèn đỏ chỉ kéo dài 30 giây thôi nhưng chiếc xe biển số Hà Nội vẫn cố lách qua 3 chiếc ô tô xếp đằng trước để len sang làn bên cạnh đang thoáng hơn. Nói toàn xe biển 29, 30 thì hơi quá nhưng chiếm đại đa số trong những tình huống này.
Trường hợp khác là làn ngoài dành cho ô tô, làn trong ưu tiên cho xe máy, thế nhưng mấy người lái ô tô về thăm quê có vẻ rất vội vàng nên rất hay vượt phải, thậm chí là chèn ép các phương tiện nhỏ. Dường như với họ, đường cứ trống ở đâu là phải lách lên cho bằng được để chèn vào.
Tôi cũng có khoảng 7 năm sống ở Hà Nội, bao gồm hơn 4 năm sinh viên và 3 năm đi làm. Phải công nhận nhịp sống ở Thủ đô vô cùng hối hả, lượng phương tiện rất cao và giao thông dày đặc. Bởi vậy, việc chen nhau từng mét trên đường cũng là điều có thể hiểu và chính tôi cũng trải qua.
Nhưng như đã nói, đường quê hay đường tỉnh còn rất thoáng. Mọi người đi lại chậm hơn ở Hà Nội theo cách nhịp nhàng, tuy nhiên sự nhịp nhàng ấy bị phá vỡ bởi những chiếc ô tô biển 29, 30 - ít nhất là trong mấy ngày nghỉ lễ vừa qua. Có lẽ tư duy đi xe kiểu "điền vào chỗ trống" đã ăn sâu vào ý thức của nhiều người, đường có rộng lên họ cũng không bỏ được.
Cần nói rõ ở đây rằng vấn đề tôi muốn nhắc đến là những chiếc ô tô mang biển số 29, 30 chứ không nói tới người Hà Nội, không có ý phân biệt vùng miền. Tôi hiểu rằng rất nhiều xe trong số đó được điều khiển bởi những tài xế vốn là người ở tỉnh, sau này lên Hà Nội làm ăn và sinh sống.
Như thế cũng để thấy cuộc sống bon chen ở thành phố có lẽ "ngấm" dần vào những người sinh sống ở đó. Cái không tốt thì dễ thu nạp nhưng khó đào thải. Để rồi ngay cả khi ở một môi trường tốt hơn (xét riêng về giao thông), họ vẫn giữ cách lái xe cũ.
Hi vọng khi nêu vấn đề này, mọi người cùng xem lại mình để cải thiện ý thức khi tham gia giao thông, vì một xã hội tốt đẹp lên.
Theo độc giả Hoàng Nam/Dân trí
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!