Theo Reuters, bạo loạn chết người đã xảy ra ở New Caledonia do những thay đổi về bầu cử của chính phủ Pháp. Cao ủy Pháp tại New Caledonia hôm nay cho biết, sân bay vẫn đóng cửa đối với các chuyến bay thương mại và chính quyền sẽ triển khai quân đội để bảo vệ các tòa nhà công cộng.
Hiện có khoảng 3.200 người đang chờ để rời hoặc đến New Caledonia sau khi các chuyến bay thương mại bị hoãn do bất ổn xảy ra vào tuần trước. Khoảng 1.000 hiến binh và cảnh sát Pháp đã có mặt tại nơi làm việc và 600 nhân viên sẽ được bổ sung trong vài giờ tới.
Đường phố ở Nourmea đang được dọn sạch, máy ủi di chuyển xác ô tô bị đốt và các mảnh vụn. Sáu người đã thiệt mạng sau khi bất ổn bùng phát, nhiều cơ sở kinh doanh, cửa hàng bị cướp phá.
Ngoại trưởng New Zealand, Pháp và Australia tối qua (20/5) đã tổ chức một cuộc điện đàm sau khi New Zealand và Australia cho biết họ đang chờ phê duyệt của chính quyền Pháp để gửi máy bay quốc phòng tới sơ tán khách du lịch. Pháp sau đó đã bật đèn xanh cho New Zealand và Australia sơ tán công dân.
Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho biết: “Người New Zealand ở New Caledonia đã phải đối mặt với vài ngày đầy thử thách và việc đưa họ về nước là ưu tiên cấp bách của chính phủ. Chúng tôi muốn ghi nhận sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan, cả ở Paris và Nouméa (thủ phủ của New Caledonia), trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến bay này". Quan chức này nói thêm, các chuyến bay tiếp theo sẽ được gửi đến trong những ngày tới.
Ngoại trưởng Australia Penny Wong cũng cho hay, Australia đã nhận được giấy phép để thực hiện hai chuyến bay đưa công dân nước này và những khách du lịch khác rời khỏi New Caledonia.
Tình trạng bất ổn ở New Caledonia nổ ra vào ngày 13/5 khi cơ quan lập pháp Pháp tranh luận về việc sửa đổi hiến pháp nước này để thay đổi danh sách cử tri New Caledonia. Quốc hội ở Paris đã thông qua một dự luật, sẽ cho phép cư dân đã sống ở New Caledonia 10 năm được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh. Những người phản đối lo ngại biện pháp này sẽ mang lại lợi ích cho các chính trị gia thân Pháp ở New Caledonia và tiếp tục đẩy người Kanak ra ngoài lề, khi họ từng phải chịu các chính sách phân biệt nghiêm ngặt và sự phân biệt đối xử phổ biến.
Căng thẳng giữa những người Kanak bản địa tìm kiếm sự độc lập và con cháu của những người thực dân muốn New Caledonia tiếp tục là một phần của Pháp đã kéo dài nhiều thập niên.