Từ tháng 4/2023, Bộ NN-PTNT đã phân giao nhiệm vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu cho các địa phương thực hiện tiếp nhận, kiểm tra, cấp và quản lý. Điều này đã giúp giảm bớt thủ tục hành chính và áp lực cấp mã cho các địa phương đồng thời giúp quá trình kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nhanh chóng và thuận tiện hơn.

W-nongsan.png
Ảnh minh hoạ

Đối với công tác giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu ngoài việc vùng trồng, cơ sở đóng gói chịu sự giám sát định kỳ của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương còn chịu sự giám sát của Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp quản lý, phòng chống sinh vật gây hại tại vùng trồng và biện pháp loại bỏ sinh vật gây hại tại cơ sở đóng gói chưa hiệu quả như hiện nay đang là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp và nông dân chưa được cấp mã vùng xuất khẩu.

Hiện, các địa phương mới chỉ quan tâm đến công tác thiết lập và cấp mã số ban đầu do đó công tác giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói duy trì các điều kiện, yêu cầu của nước nhập khẩu sau khi được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói còn bị bỏ ngỏ.

Trong khi đó, nhiều nước nhập khẩu đã tăng cường tần suất giám sát mã vùng trồng, cơ sở đóng gói, như Trung Quốc, việc kiểm tra đánh giá việc tuân thủ quy định của các vùng trồng, cơ sở đóng gói diễn ra định kỳ hàng tuần.

Được biết, tính đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã phê duyệt 2.960 mã số vùng trồng và 1.490 mã số cơ sở đóng gói trái cây. Trong đó, đã phê duyệt cho 422 mã số vùng trồng và 153 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.

Lương Bằng và nhóm PV, BTV