Theo Tiến sĩ Nguyễn Khoa Huy, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, quá trình phát triển kinh tế của TPHCM vẫn còn một số tồn tại, trong đó, đáng chú ý là môi trường ngày càng bị ô nhiễm.
TP.HCM có số lượng lớn các khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, kéo theo đó là một lượng khí thải không nhỏ. Nguồn ô nhiễm không khí từ hoạt động công nghiệp thường có nồng độ các chất độc hại cao, tập trung trong một vùng. Tùy thuộc vào loại hình sản xuất, quy trình công nghệ, quy mô sản xuất và nhiên liệu sử dụng mà các hoạt động công nghiệp khác nhau sẽ phát sinh khí thải với thành phần và nồng độ khác nhau.
Theo số liệu báo cáo của Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM thì các cơ sở có nguồn khí thải lớn trên địa bàn Thành phố hiện nay gồm: 7 cơ sở sản xuất clinker, xi măng; 2 cơ sở sản xuất hóa chất, phân bón hóa học từ 10.000 tấn/năm trở lên; 1 cơ sở công nghiệp lọc, hóa dầu; 5 cơ sở có sử dụng lò hơi công nghiệp với tổng công suất từ 20 tấn/giờ trở lên; 2 lò đốt chất thải nguy hại; 7 cơ cở có sử dụng lò dầu tải nhiệt từ 3,5 triệu kcal/giờ trở lên. Các cơ sở này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và chất lượng sống của người dân.
Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM từng ghi nhận diễn biến SO2 tại 10 vị trí quan trắc ở TP.HCM từ năm 2020 đến năm 2021, kết quả cho thấy, nồng độ SO2 giảm tại 2/10 vị trí với mức giảm từ 1,08 đến 1,1 lần, và tăng tại 7/10 vị trí còn lại với mức tăng từ 1,1 đến 1,3 lần. Nồng độ trung bình giờ của Benzen từ năm 2020 đến năm 2021 tại 6 vị trí quan trắc chất lượng không khí dao động trong khoảng 4,5 µg/m3 – 34,0 µg/m3. Trong đó, nồng độ Benzen giảm tại 2/6 vị trí với mức giảm từ 2,1 đến 2,2 lần, và tăng tại 4/6 vị trí còn lại với mức tăng từ 1,2 đến 4,2 lần.
Không chỉ ô nhiễm môi trường không khí, mà nạn rác thải cũng đang trở thành vấn đề gây nhức nhối cho Thành phố. Theo nghiên cứu khảo sát của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên - WWF thì “ước tính tỷ lệ rác nhựa thất thoát ra môi trường tại TP.HCM là 11.3% (trên 200 tấn/ngày, tương đương 73.000 tấn/năm). Ước tính lượng rác nhựa thất thoát/người/năm: 8.12kg/người/năm; lượng rác thải sinh hoạt là 0,94 kg/người/ngày”.
“Nếu tình trạng trên còn kéo dài, TP.HCM không có các giải pháp khắc phục triệt để, cũng như sự quan tâm đúng mức, thì sẽ dẫn đến ô nhiễm trầm trọng hơn tài nguyên nước, tài nguyên đất, cũng như sẽ gây nguy hại đến toàn bộ đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực. Đặc biệt, sự phát triển kinh tế hàng năm của Thành phố vì thế sẽ bị đe doạ nghiêm trọng, không thể đảm bảo bền vững”, Tiến sĩ Nguyễn Khoa Huy lưu ý.
Để khắc phục hiện trạng nêu trên, Tiến sĩ Nguyễn Khoa Huy đề xuất một số giải pháp cơ bản.
Trong đó đáng chú ý, cần có chế tài rõ ràng và nghiêm khắc khi xử lý các trường hợp vi phạm. Những khu công nghiệp, cơ sở kinh doanh cố tình vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường cần bị xử lý nặng, mang tính răn đe, nếu cần thiết có thể truy tố hình sự. Không thể tiếp tục để tình trạng các nhà máy, khu công nghiệp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường (không xử lý chất thải theo đúng quy trình; xả hóa chất thẳng ra sông gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người… ) mà lại được phép tiếp tục hoạt động... Khi tiến hành xử lý, phải đúng người đúng tội, tránh tình trạng kết luận thiếu chính xác, thiếu khoa học, gây ảnh hưởng đến uy tín cơ sở sản xuất kinh doanh.
Về phía các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, cần áp dụng các phương pháp sản xuất sạch và thiết kế sinh thái, chất thải được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế, tiến đến không có chất thải đưa ra môi trường.