
Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo, tỷ lệ nghèo tại tỉnh Nghệ An vẫn khá cao, trong đó còn tới 47% hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số (24,92% hộ nghèo và 22,61% hộ cận nghèo). Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cần rất nhiều nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài.
Tại cuộc họp mới đây với lãnh đạo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, ông Lê Hồng Vinh, Chủ tịch tỉnh Nghệ An đã báo cáo tổng quan về phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, lũy kế từ năm 2023 đến nay, tỉnh đã vận động hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng; xây dựng 13.527 căn, trong đó xây mới 10.576 căn, sửa chữa hơn 2.951 căn, đạt 64,31% tổng nhu cầu giai đoạn 2023-2025.

Được biết, tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban chỉ đạo vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Ban chỉ đạo 1838).
Thời gian qua, Ban chỉ đạo này đã ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả đã được triển khai trong thực tế. Điển hình như phong trào 90 ngày đêm xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trong năm 2025 của huyện Tương Dương...
Năm 2024, nhiều huyện như Yên Thành, Nghi Lộc, Đô Lương, Nam Đàn... đã “về đích” trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.
“Tỉnh quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 31/7/2025”, Chủ tịch Lê Hồng Vinh nhấn mạnh.
Ông Phí Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Dân tộc và Tôn giáo lưu ý: Nghệ An là tỉnh có số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần xóa rất lớn, riêng trong năm 2025 có tới 8.625 căn.
Tính tới đầu tháng 4, tỉnh đã khởi công và hoàn thành 5.239 căn, chiếm trên 60% lượng công việc cần làm.
Từ nay đến 31/7, theo mốc tỉnh cam kết thì còn 2.826 căn nhà tạm, nhà dột nát cần xóa.
Nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ khá lớn
Một điểm đáng chú ý, tỉnh Nghệ An đã nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ khá lớn từ nhiều bộ ngành trung ương cũng như các địa phương khác.
Năm 2024, Bộ Công an đã hỗ trợ tỉnh xây số lượng nhà rất lớn, trên 3.000 căn. Sau khi Thủ tướng phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ngày 5/10/2024, Bộ Quốc phòng hỗ trợ tỉnh 10 tỷ đồng.
Tỉnh Bình Dương cũng hỗ trợ tới 45 tỷ đồng cho Nghệ An. Cùng với đó, tỉnh còn nhận 210,5 tỷ đồng hỗ trợ từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024.
Còn 2 nhà tài trợ gồm một tập đoàn cam kết hỗ trợ 10 tỷ đồng và một ngân hàng hứa hỗ trợ 20 tỷ đồng. Mới đây, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã có văn bản đề nghị 2 nhà tài trợ này sớm hỗ trợ kinh phí đã cam kết để tỉnh Nghệ An xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Với sự đồng hành của nhiều bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Nghệ An đã và đang lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm sáng trong công tác an sinh xã hội của cả nước.


Giảm 6,4 nghìn hộ nghèo dân tộc thiểu số, Đắk Nông khó giải ngân hết vốn 1719
