Gia Phú (23 tuổi), sinh viên năm cuối Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Mình đã đến quán cà phê làm việc từ chiều mùng 1 rồi. Chủ yếu là giải quyết những công việc cần xử lý gấp và 'lấy hên' để cả năm chăm chỉ, năng suất hơn”.
Trò chuyện cùng Zing, Phú cho hay khai bút đầu xuân là truyền thống hiếu học của gia đình. Từ khi còn là học sinh tiểu học, cậu luôn có thói quen làm việc vào những ngày đầu năm như một cách để giữ cho bản thân luôn chăm chỉ.
Không khó để bạn trẻ tìm được quán cà phê ưng ý để làm việc trong những ngày Tết. |
Đầu năm, mọi người sẽ đến nhà chúc Tết và ăn uống nên khó tránh khỏi náo nhiệt. Những quán cà phê mở xuyên Tết là lựa chọn hàng đầu để cậu có thể làm việc một cách hiệu quả.
Quang Kiệt (19 tuổi), sinh viên năm hai Đại học Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Qua Tết mình có khá nhiều bài tập nên phải tranh thủ hoàn thành từ bây giờ, để dành thời gian làm những việc khác. Khu nhà mình thường tổ chức hát karaoke nên khá ồn, buộc lòng phải tìm quán cà phê để dễ tập trung hơn”.
Quán cà phê mở xuyên Tết được giới trẻ ưa chuộng vì vừa có không gian yên tĩnh để học tập, vừa có thể nhâm nhi thức uống ngon. Kiệt chia sẻ cậu vẫn thường hay cùng bạn bè hẹn nhau ở quán để cùng làm bài tập nhóm.
Hầu hết quán xá đều nghỉ bán trong những ngày đầu xuân nhưng không khó để tìm ra địa chỉ mở xuyên Tết phục vụ nhu cầu làm việc và học tập của các bạn trẻ. Thậm chí, nhiều quán cà phê còn mở cửa 24/24.
Nhiều bạn trẻ cho rằng, dù là ngày thường hay ngày Tết, làm việc tại quán cà phê yên tĩnh cũng dễ tập trung hơn những nơi khác. |
Vào những ngày này, giá cả tại các quán sẽ cao hơn bình thường vì tính thêm phí dịch vụ. Tuy nhiên, đa số khách hàng vẫn vui vẻ rút hầu bao, thậm chí là lì xì thêm vì sự nhiệt tình của các bạn nhân viên.
“Mình thấy việc phụ thu phí Tết mức từ 10-20% ở các quán cà phê như thế này là hợp lý. Với mình, việc chi trả khoản tiền 50.000-70.000 đồng cho không gian yên tĩnh và đồ uống ngon là xứng đáng”, Kiệt chia sẻ.
Trải nghiệm đón Tết mới mẻ
Năm nay, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người đành phải ăn Tết xa nhà. Đây cũng là dịp hiếm có để mọi người khám phá những địa điểm thú vị tại TP.HCM. Nép mình vào một góc nhỏ của quán cà phê, các bạn trẻ dường như trốn khỏi không khí ồn ào, náo nhiệt thường ngày của phố thị.
Đi cà phê làm việc trong Tết là cách để bắt đầu một năm hoạt động năng suất. |
Trò chuyện cùng Zing, Tuyết Hằng (27 tuổi), nhân viên văn phòng, chia sẻ: “Mình là kế toán, quanh năm chỉ làm việc với những con số nên rất dễ căng thẳng. Thay vì đến các điểm vui chơi, mình sẽ đi cà phê để tận hưởng chút không khí yên bình trong những ngày đầu năm”.
Đa số các quán cà phê mở trong Tết đều đầu tư trang trí khá đẹp mắt với tone màu vàng, đỏ ấm cúng cùng nhiều chậu hoa rực rỡ. Khách đến quán nhờ vậy cũng cảm thấy gần gũi và cảm nhận được rõ không khí lễ hội hơn.
Mỹ Hảo (22 tuổi) dự kiến sẽ dành nhiều thời gian để khám phá các quán cà phê mới ở TP.HCM trong những ngày đầu năm.
“Năm này không được về quê, mình buồn lắm nhưng may mắn có nhiều bạn bè ở thành phố. Tụi mình hẹn nhau ‘khai laptop’ bằng cách giải quyết một số công việc nhỏ tại quán cà phê quen thuộc. Nhờ vậy mà mình thấy vui vẻ và vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà”, cô bạn bộc bạch.
Nhiều bạn trẻ Sài thành đã đến quán cà phê để làm việc trong ngày mùng Một. |
Còn đối với Thiên Bình (20 tuổi), đi cà phê làm việc trong Tết là cách để “chill” sau một năm làm việc vất vả.
“Bình thường, mình có thể ngồi cả một buổi chiều ở quán quen chỉ để ngắm nhịp sống tất bật của thành phố. Tết này vì không được về nhà nên mình cũng sẽ dành nhiều thời gian ở đi cà phê, vừa làm việc, vừa dành thời gian để tính toán những kế hoạch riêng trong năm mới”, cô bạn hào hứng kể.
Tết sống chậm, đóng cửa để chăm sóc tâm hồn
Trước khi kết thúc một năm, tạm rời xa Sài Gòn mấy ngày để về quê đón Tết, tôi có thói quen gặp gỡ những người thân quen. Trong những cuộc gặp cuối năm đó, tôi thường hỏi: "Về quê, bạn thường làm gì trong những ngày Tết?".
Theo Zing