Tổng cộng 8 vụ nổ đã được báo cáo. Ba nhà thờ tại Kochchikade (Colombo), Negombo và Batticaloa đã bị nhằm mục tiêu trong lễ Phục sinh.

{keywords}
Một phụ nữ lớn tuổi được giúp đỡ. (Ảnh: AP)

Các khách sạn Shangri La, Cinnamon Grand và Kingsbury tại thủ đô Colombo cũng bị tấn công.

Lễ Phục sinh Chủ nhật là một trong những ngày lễ lớn trong lịch Cơ đốc giáo.

Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy cảnh tượng bên trong nhà thờ St Sebastian ở thành phố Negombo với trần nhà bị vỡ vụn và máu dính đầy trên các băng ghế.

Trong số những người thiệt mạng tại Colombo có ít nhất 9 người nước ngoài, các nguồn tin bệnh viện nói với BBC.

Reuters dẫn một nguồn tin cảnh sát cho biết hơn 50 người đã thiệt mạng tại Negombo, trong khi các nguồn tin bệnh viện ở Batticaloa cho biết ít nhất 27 người đã chết tại đây.

{keywords}
Cảnh sát đứng bên ngoài nhà thờ St Anthony ở thủ đô Colombo. (Ảnh: Reuters)

Một quan chức khách sạn tại Cinnamon Grand, gần nơi ở chính thức của Thủ tướng Sri Lanka nói rằng vụ nổ đã xé toạc một nhà hàng, khiến ít nhất 1 người thiệt mạng.

Hiện trường kinh hoàng

Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đã ban hành một thông báo kêu gọi người dân giữ bình tĩnh và hỗ trợ các nhà chức trách điều tra.

Trong khi đó, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đang chủ trì một cuộc họp khẩn cấp.

"Tôi kịch liệt lên án các vụ tấn công hèn nhát nhằm vào người dân chúng tôi ngày hôm nay. Tôi kêu gọi tất cả người dân Sri Lanka vẫn mạnh mẽ và đoàn kết trong lúc đau thương này", ông Ranil nói.

Trên Twitter, Bộ trưởng Tài chính Mangala Samaraweera cho biết các vụ tấn công có vẻ như "là một nỗ lực phối hợp hoàn hảo để tại ra "sự tàn sát, hỗn loạn và vô chính phủ" và sát hại "nhiều người dân vô tội".

Một bộ trưởng khác, ông Harsha de Silva miêu tả "hiện trường kinh hoàng" tại nhà thờ St Anthony ở Kochchikade, nói rằng ông đã nhìn thấy "nhiều bộ phận cơ thể rải rác khắp nơi".

{keywords}
Bên trong một nhà thờ sau vụ tấn công. (Ảnh: AP)

Hiện vẫn chưa tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.

Có nhiều lo sợ rằng các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang quay lại Trung Đông có thể gây ra một mối đe dọa tại Sri Lanka.

Kể từ khi cuộc nội chiến Sri Lanka kết thúc vào năm 2009 đến nay, đã xảy ra một số vụ bạo lực lẻ tẻ, với các thành viên của cộng đồng Sinhala đa số theo Phật giáo tấn công các thánh đường và bất động sản do người Hồi giáo sở hữu. Điều này đã khiến Sri Lanka phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 3/2018.

Sầm Hoa