LTS: Nhân kỷ niệm 44 năm thống nhất đất nước, ông Phạm Quang Vinh, nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ, chia sẻ cùng Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet những câu chuyện về hành trình “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” trong mối quan hệ Việt – Mỹ. 

Vượt đau thương cùng hàn gắn, phát triển 

Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm tính từ sau 1975, có thể thấy hai nước Việt – Mỹ từ cựu thù đã vượt qua đau thương, hận thù, cùng hỗ trợ nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, thiết lập quan hệ ngoại giao và phát triển dần quan hệ trên nhiều mặt. Đặc biệt những năm gần đây là giai đoạn hai nước làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện với các chuyến thăm liên tiếp ở cấp cao.

Dấu mốc rất quan trọng là năm 1994 Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam và năm 1995 hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sau đó hai nước trên cơ sở lợi ích song trùng, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, vẫn tiếp tục những vấn đề nhân đạo về hàn gắn vết thương chiến tranh của mỗi bên, đồng thời phát triển quan hệ trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, ngoại giao cho đến đầu tư khoa học kỹ thuật và giáo dục…

Về giáo dục, cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, chúng ta có những đợt học sinh sang Mỹ du học đầu tiên theo học bổng Fulbright. Đến giờ đã có trên 30 ngàn sinh viên Việt Nam theo học các trường đại học của Mỹ. 

Về mặt kinh tế, nếu vào thời điểm xung quanh năm thiết lập quan hệ ngoại giao 1995, thương mại hai chiều sau khi dỡ bỏ cấm vận tăng thêm một chút với 450 triệu USD, thì bây giờ đã là hơn 51 tỷ USD, tăng hơn 100 lần. 

Về đầu tư, hiện Mỹ là 1 trong 10 nước đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. 

Về chính trị, an ninh, việc chia sẻ những nguyên tắc về tôn trọng chủ quyền, độc lập quốc gia, hợp tác, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và đặc biệt là tôn trọng luật pháp quốc tế là cơ sở cho quan hệ hai nước. Tháng 5/2016, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama đã công bố quyết định dỡ bỏ một trong những rào cản cuối cùng của thời kỳ cấm vận là lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. 

{keywords}
Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nhiều người Mỹ đã biết đến một ‘gương mặt’ Việt Nam rất khác.

Các hợp tác ngày càng được mở rộng, với những chuyến thăm về quốc phòng liên tục thời gian qua, với việc hợp tác trong an ninh hàng hải… Năm 2017, Mỹ còn tặng chiếc tàu tuần duyên USCGC Morgenthau cho Việt Nam, hiện đổi tên là CSB-8020, được coi là một trong những tàu Cảnh sát biển lớn nhất của Việt Nam. 

Các chuyến thăm cấp cao đã tạo nên dấu mốc quan trọng trên chặng đường phát triển quan hệ hai nước. 

Những chuyến thăm đầu tiên của các tổng thống Mỹ đến Việt Nam là vào những năm 2000 và đến bây giờ liên tục có các chuyến thăm. Trong nhiệm kỳ đại sứ của tôi, cả Tổng thống Obama và Tổng thống Trump đều đã thăm Việt Nam. 

Chuyến thăm của Tổng thống Obama làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ được thiết lập cũng trong nhiệm kỳ của ông năm 2013, đồng thời thể hiện Mỹ rất coi trọng vai trò đối tác của Việt Nam trong ASEAN và trong quan hệ với Mỹ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. 

Đến thời Tổng thống Donald Trump, ông có thay đổi chính sách đối ngoại nhưng vẫn rất coi trọng Việt Nam. Ông đã đến dự Hội nghị APEC tại Đà Nẵng, đồng thời có chuyến thăm cấp cao chính thức Việt Nam. Chúng ta phải đặt trong bối cảnh đây là chuyến đi của một tổng thống Mỹ trong năm nhiệm kỳ đầu tiên và đến 5 nước châu Á, với 4 nước kia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines. 

Và ngược lại là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nước ta đến Mỹ: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (nhiệm kỳ Tổng thống Obama), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nhiệm kỳ Tổng thống Trump). 

Đặc biệt, chuyến thăm tháng 7/2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được coi là chuyến thăm lịch sử khi lần đầu tiên một người đứng đầu Đảng Cộng sản và hệ thống chính trị Việt Nam đi thăm Mỹ. Sự kiện này thể hiện một bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước. 

Gần đây nhất là tháng 2 năm nay, cả Mỹ và Triều Tiên đã lựa chọn tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần 2 ở Việt Nam. Rõ ràng quan hệ của Việt Nam với nước Mỹ đủ độ tin cậy để khi tổ chức một sự kiện liên quan sát sườn đến phát triển và an ninh mỗi quốc gia họ đã chọn ta. 

Trong quan hệ Việt – Mỹ, không chỉ chất “toàn diện” gia tăng mà cả chất “chiến lược”. Với đà này, tương lai quan hệ hai nước sẽ còn phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực. 

Hiểu nhau thì trở ngại gai góc cũng vượt được 

Năm 2015, khi bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ của mình, tôi đã nói hai nước Việt – Mỹ “có hiểu nhưng thấu đáo thì chắc là chưa”, thì đó là đề cập đến những khác biệt biệt về thể chế chính trị xã hội, từ đó quan niệm thế nào là dân chủ, là nhân quyền, là phát triển xã hội, là tôn trọng người dân… còn có những khác biệt. 

Quốc gia nào cũng vậy thôi, cũng có những lợi ích song trùng và những lợi ích khác biệt, đòi hỏi sự tôn trọng, hiểu biết, xử lý khác biệt đó thông qua đối thoại bằng rất nhiều kênh. 

Quá trình quan hệ, hiểu biết và hợp tác lẫn nhau là một sự tiệm tiến liên tục, càng mở rộng hợp tác, quan hệ trong càng nhiều lĩnh vực, không chỉ song phương mà cả khu vực và quốc tế, càng nhiều những chuyến viếng thăm… thì sự hiểu biết lẫn nhau ngày càng gia tăng. 

Chẳng hạn, một trong những ưu tiên rất lớn về chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump là xử lý thâm hụt thương mại. Khi ông Trump nhậm chức, Việt Nam đứng thứ 6/16 nước có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ. Nhưng đó là do dòng chảy tự nhiên của quan hệ thương mại giữa hai chiều mang tính bổ sung, trong đó vẫn đảm bảo tôn trọng những nguyên tắc về quan hệ thương mại. 

Chúng ta thể hiện rất rõ quan điểm, quan tâm đến ưu tiên của chính quyền mới và khi hai bên nhìn nhận còn khác nhau thì phải có trao đổi để hiểu biết lẫn nhau. Chính vì thế chúng ta khởi động lại hiệp định khung về thương mại và đầu tư TIFA để giải quyết những khác biệt. 

Rõ ràng nếu hiểu được nhau thì có những vấn đề dù rằng là gai góc vẫn sẽ có cơ chế để giải quyết. 

Với mức độ phát triển hiện tại trong quan hệ Việt – Mỹ, hy vọng rồi đây hai nước có thể đặt cho mối quan hệ cái tên trong đó có chữ “chiến lược”. 

Tất nhiên cũng có những trở ngại. Ví dụ, việc nâng tầm quan hệ như vậy sẽ nhấn vào những nội hàm gì, đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam, cả ở tầm khu vực, thế giới, kể cả cái mà như cách nhiều người vẫn mô tả là “cân bằng nước lớn”. 

Cá nhân tôi không thích dùng khái niệm “cân bằng nước lớn” này, vì nó có vẻ lấy đối tác để làm mục tiêu, trong khi đối ngoại của ta là làm bạn với các nước, lấy lợi ích dân tộc làm trọng; đó là chiến lược đối ngoại độc lập, tự chủ, làm bạn với các nước, đối tác tin cậy, đa dạng hóa, đa phương hoá... 

Chúng ta muốn làm bạn với tất cả các nước và đặc biệt là láng giềng và nước lớn là những đối tác rất quan trọng, vì quan hệ này không chỉ bảo đảm cơ hội cho lợi ích phát triển mà còn là đóng góp vào ổn định hòa bình, thịnh vượng của khu vực. 

Trong các cặp quan hệ song phương với các nước thì khả năng tiến được đến đâu hãy tiến đến đó, miễn rằng quan hệ với nước này không nhằm thù địch với nước kia. Đó là nguyên tắc rất lớn của ta từ lâu nay. 

Hàn gắn để tạo không gian phát triển 

Tuy nhiên trong câu chuyện mở rộng và phát triển quan hệ giữa hai nước có một vấn đề không được phép lãng quên đó là nỗi đau, hậu quả nặng nề của cuộc chiến đòi hỏi hai bên phải tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau giải quyết. 

Thời ám ảnh nỗi đau chiến tranh, chính chính sách nhân đạo của Việt Nam liên quan đến tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA), tìm kiếm hài cốt của lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam đã vượt qua những rào cản, thể hiện tính nhân đạo rất cao, làm giảm sự nghi kỵ và tăng cường hiểu biết giữa hai bên. 

Tôi đã trực tiếp đến thăm những người làm công tác MIA trong đó có tổ chức của bà Ann Mills-Griffiths, chủ tịch Liên đoàn Các gia đình tìm kiếm quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam, làm việc với Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DPAA). Họ đánh giá Việt Nam đã vượt qua rất nhiều khó khăn trở ngại để hợp tác với phía Mỹ và coi đó là điển hình hợp tác hiệu quả, đầy đủ của Việt Nam với Mỹ xuất phát từ tính nhân đạo. 

Tôi cũng được nghe kể rằng, bà Ann Griffiths có một người anh mất trong chiến tranh ở Việt Nam. Sau nhiều lần tìm kiếm, thậm chí 4 lần đóng hồ sơ, hàm ý rằng không thể tìm thấy được thì vừa rồi chính phía Việt Nam đã hợp tác và tìm thấy được một phần hài cốt. Bà ấy rất cảm động. 

Chúng ta đã có dự án hợp tác với Mỹ về tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng và hoàn thành rất tốt. Còn mới đây, dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa đã chính thức được khởi động. Đây là dự án lớn hơn rất nhiều so với dự án ở sân bay Đà Nẵng, gấp 5-6 lần kể cả về khối lượng đất phải xử lý cho đến công nghệ, tài chính… 

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, một người rất tâm huyết về khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, đánh giá những dự án thế này không chỉ là trực tiếp giúp đỡ những người chịu ảnh hưởng bởi một cuộc chiến rất đau thương, mà còn chứng tỏ bước phát triển trong quan hệ giữa hai nước. 

Không chỉ các cá nhân, tổ chức xã hội từ thiện Mỹ, mà bây giờ Quốc hội, chính quyền Mỹ cũng tham gia vào các dự án tẩy độc môi trường, dự án hỗ trợ Việt Nam và nạn nhân của cuộc chiến tranh. Có thể nói đó là quá trình từ hàn gắn vết thương chiến tranh trên tinh thần nhân đạo đến hàn gắn vết thương chiến tranh để góp phần tạo không gian cho Việt Nam phát triển. 

Sau hơn bốn thập kỷ, tôi nhận thấy, bên cạnh những người Mỹ từng trực tiếp tham chiến vẫn thường xuyên nhớ đến cuộc chiến, rất nhiều người Mỹ cho biết trước đây chỉ biết đến Việt Nam như một cuộc chiến tranh, nay biết một dân tộc, một quốc gia. Nhưng có một thứ còn tồn tại là mỗi lần nước Mỹ tính phát động một cuộc chiến nào thì họ đều nghĩ tới chiến tranh Việt Nam, như một bài học sâu sắc. 

Xóa nhòa nỗi đau chiến tranh là điều không thể và không được phép. Nhưng khi nói “khép lại quá khứ” nghĩa là thừa nhận nó, để vượt qua và hướng tới tương lai, phát triển quan hệ, thông qua sự hợp tác, hiểu biết lẫn nhau. 

Mỹ Hòa (ghi)