Không chỉ trẻ nhỏ mà cả nhiều người lớn bị cuốn theo trào lưu, sống lờ vờ trống rỗng. Nhiều người chủ quan, vội vàng tin vào những điều “mạng nói” hơn cả sự trải nghiệm của bản thân.

LTS- Trước tình hình liên tiếp có những vụ việc nghiêm trọng liên quan đến trẻ vị thành niên có liên quan tới mạng xã hội, chuyên gia giáo dục, TS Chu Cẩm Thơ - phó trưởng bộ môn phương pháp dạy toán khoa toán - tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ với Tuần Việt Nam.

Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ việc đáng tiếc liên quan đến trẻ vị thành niên. Một học sinh sau khi tham gia phong trào “like là làm” đã tự tẩm xăng đốt rồi nhảy cầu, một học sinh khác thì đốt trường…. Là một nhà giáo, chị suy nghĩ thế nào về điều này?

Có nhiều nguyên nhân của việc làm này. Thứ nhất, về khách quan, những chuẩn mực về giá trị, đạo đức, cư xử của xã hội thực chất là ở môi trường sống xung quanh các em chưa được thể hiện rõ để các em học tập, noi theo.

Thứ hai, những quy định từ pháp chế để bắt buộc mọi người trong đó có trẻ em phải tuân theo chưa được coi trọng hoặc chưa đủ răn đe.

Thứ ba, về mặt chủ quan từ tâm lí lứa tuổi học sinh, các em có nhiều “năng lượng”, ưa khám phá, thích thể hiện, thích làm theo trào lưu, dễ bị kích động.

Liệu chúng ta đã nên đặt ra vấn đề luật hoá chính thức để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng không?

Hiện nay công nghệ thông tin, truyền thông trở thành một phần tất yếu của đời sống con người.

Theo khuyến cáo của UNESCO, trong thế kỉ 21, sử dụng công nghệ thông tin trở thành một trong những kỹ năng quan trọng. Với học sinh phổ thông, thu thập và xử lý thông tin là một trong những năng lực cốt lõi. Những điều đó khẳng định rằng, chúng ta không thể tách học sinh ra khỏi đời sống xã hội nói chung, cộng đồng mạng nói riêng. Do đó, chuẩn bị kiến thức, kĩ năng cho các em là cần thiết.

Tôi không ủng hộ “luật hóa” để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Tôi cho rằng, các em cần được hướng dẫn, rèn luyện và có trách nhiệm bảo vệ chính mình. Thực tế cũng cho thấy, một số gia đình, nhà trường muốn “cấm” trẻ em dùng mạng internet, mạng xã hội thì cũng không được.

Chúng ta “cấm” hay tạo ra những mạng “giả tạo” làm sao được khi người lớn, xã hội xung quanh các em lại sử dụng “mạng xã hội” hàng ngày, khi các em rất tò mò và dám vượt qua mọi rào cản để “khám phá”.

Tôi cho rằng cần thiết giúp đỡ các em thỏa chí “tò mò” trong học tập, lao động, khiến các em ham mê những điều tử tế, dám học hỏi, được thể hiện bản thân trong môi trường lành mạnh, có ích. Người lớn, xã hội cần có những chuẩn mực về giá trị, về đạo đức, về hành vi cư xử để các em học tập, noi theo. Như vậy, các em sẽ hạn chế được những sai lầm trong hành vi của mình.

{keywords}

Không thể tách học sinh ra khỏi đời sống xã hội nói chung, cộng đồng mạng nói riêng. Do đó, chuẩn bị kiến thức, kĩ năng cho các em là cần thiết. Ảnh: PL TP HCM

Có ý kiến cho rằng nhiều người trẻ Việt ít đọc sách, ít lý tưởng, thờ ơ với thể thao – nghệ thuật; dẫn đến việc họ trở thành một lớp người trẻ lờ vờ trống rỗng, và dễ bị cuốn vào những trò vô bổ và nguy hiểm trên mạng cũng như ngoài đời. Chị có chia sẻ quan điểm này không, làm thế nào chúng ta thay đổi được tình trạng này?

Không chỉ trẻ nhỏ mà cả nhiều người lớn bị cuốn theo trào lưu, sống lờ vờ trống rỗng.

Nhiều người chủ quan, vội vàng tin vào những điều “mạng nói” hơn cả sự trải nghiệm của bản thân. Nhiều người bị cuốn vào mạng xã hội mà chẳng hề kiểm chứng bằng khoa học hay bằng kinh nghiệm sống. Nhưng có nhiều người đọc sách nhiều quá (tôi cũng nghi ngờ chất lượng những sách họ đọc), dẫn đến bệnh “sách vở”.

Sống ảo hay mọt sách đều là bệnh lí xã hội. Không có lý tưởng thì không có đột phá. Thờ ơ với thể thao có thể làm họ thiếu hiểu biết về chăm lo sức khỏe, giữ gìn cơ thể và sống hào sảng, sống đẹp theo tinh thần thể thao. Không có hiểu biết nghệ thuật thì cuộc đời họ đã mất đi cơ hội được chiêm nghiệm cái đẹp, và rất có thể, vì thế, họ cũng không có định hướng đúng đắn về thẩm mĩ, về giá trị. Xã hội càng phát triển thì  thể thao và nghệ thuật càng được coi trọng.

Tôi nghĩ trước hết hãy học tập những gia đình mà họ đã có những thế hệ con cái có ích cho chính họ và cho xã hội. Trong những gia đình ấy, ngay từ nhỏ, các bậc cha mẹ ta tạo ra môi trường cho con cái họ có hiểu biết cả kiến thức văn hóa, giá trị sống, đạo đức, hành vi cư xử; con cái họ được rèn luyện để tự lập, dám chịu trách nhiệm. Những đứa trẻ phải tự lập trên nền tảng tri thức tốt sẽ biết lựa chọn những việc làm đúng đắn.

Những đứa trẻ hiểu biết và có nền tảng đạo đức, văn hóa,… sẽ không chỉ muốn sống ích kỉ cá nhân mình, các em đều sẽ có lí tưởng để làm cuộc sống tốt đẹp hơn, trên cơ sở được khẳng định bản thân mình. Những đứa trẻ đó thường vững vàng trước những trào lưu vô bổ.

Mặt khác, xã hội và giáo dục nhà trường cũng cần có những thay đổi mạnh mẽ. Các giá trị sống, các chuẩn mực đạo đức cần được xã hội phổ biến và truyền thông, tạo ra môi trường tốt cho trẻ. Nhà trường cũng đừng chỉ tập trung vào dạy kiến thức. Việc tạo cho các em cơ hội thể hiện mình, tiếp thu, học tập các giá trị, rèn luyện cảm xúc, thái độ sống, học tập,… đang trở thành việc cấp thiết hiện nay.

Chị đã giúp các con tự bảo vệ mình thế nào, sử dụng thông tin trên mạng xã hội như thế nào để có thể vừa học hỏi được những điều tốt đẹp, không bị tác động bởi cái xấu, cái sai?

Tôi hiểu rằng con phải sống chung với tất cả những điều tốt đẹp và chưa tốt đẹp. Tôi không thể làm thay, sống thay hay suốt ngày bảo vệ con được. Tôi và chồng tôi thống nhất rằng, việc tốt nhất chúng tôi có thể làm cho con đó là cho con những hiểu biết về khoa học, văn hóa, về đạo đức, lối sống, tạo điều kiện cho con được rèn kĩ năng tự bảo vệ bản thân mình, tự chịu trách nhiệm trước những hành vi của mình.

Chúng tôi làm gương cho các con về việc tự học, tự lao động, về thể hiện tình cảm, trách nhiệm với gia đình, người thân, cộng đồng.

Chúng tôi khuyến khích con tự làm, trao đổi với con để con được bộc bạch suy nghĩ. Tôi khuyến khích các con đọc những sách kinh điển sớm để con tôi được tiếp xúc với các giá trị khoa học, nghệ thuật, giá trị sống, văn hóa. Tôi hy vọng, các con của tôi sẽ trưởng thành, và có thể sống tự chủ, sống có ích trong cuộc sống còn nhiều biến động như hiện nay.

Xin cảm ơn chị!

Hoàng Hường (thực hiện)