Chuyên gia Bkav cho hay, việc tải các phần mềm từ Internet luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm mã độc rất cao (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Nói về nguyên nhân đưa đến tình trạng máy tính tại Việt Nam bị nhiễm mã độc ở mức cao, trong thông tin giải đáp cho độc giả của ICTnews tại buổi tọa đàm trực tuyến “Làm sao đưa Việt Nam khỏi Top 20 thế giới về lây nhiễm mã độc?” diễn ra vào chiều ngày 12/12 vừa qua, ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của Bkav cho rằng: “Nhiều người sử dụng Việt Nam hiện vẫn chưa có thói quen sử dụng các phần mềm có bản quyền, cũng như chưa trang bị cho máy tính của mình một phần mềm diệt virus có bản quyền thường trực. Điều này là rất nguy hiểm! Virus có thể lây nhiễm qua bất cứ con đường nào khi chúng ta sử dụng máy tính như chúng ta dùng USB, mở file đính kèm từ email, truy cập các website… đều có nguy cơ bị nhiễm mã độc. Nếu không có phần mềm diệt virus thường trực, sẽ rất khó để chúng ta tự bảo vệ mình. Vì vậy, tỷ lệ lây nhiễm mã độc ở Việt Nam luôn ở mức cao”.
Vị Phó Chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc của Bkav cũng cho biết, việc tải các phần mềm từ Internet luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm mã độc rất cao. Hacker thường chọn những phần mềm phổ biến, nhiều người tải để gắn mã độc và tung lên mạng. Nếu người sử dụng vô tình tải những phần mềm này về máy sẽ bị nhiễm mã độc.
“Để phòng chống việc bị nhiễm mã độc khi tải các phần mềm từ mạng Internet, người sử dụng cần lưu ý một số điều: Thứ nhất, chỉ tải phần mềm thực sự cần thiết; Thứ hai, chỉ tải phần mềm từ các website có uy tín; Thứ ba, kiểm tra tính toàn vẹn của phần mềm trước khi cài, ví dụ như chữ ký số của phần mềm”, chuyên gia Bkav hướng dẫn.
Chuyên gia Bkav cũng đưa ra khuyến nghị, người sử dụng không nên dùng các phần mềm lậu không bản quyền vì nguy cơ bị nhiễm mã độc sẽ cao. Bên cạnh đó, phần mềm lậu sẽ không được cập nhật các bản vá thường xuyên nên dễ bị hacker lợi dụng để tấn công người dùng.
“Trên thực tế, với cùng một loại phần mềm (như phần mềm soạn thảo văn bản), thường chúng ta sẽ có 2 lựa chọn: một là phần mềm miễn phí nguồn mở và hai là phần mềm có bản quyền. Chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn các phần mềm miễn phí, nguồn mở vì những phần mềm này vẫn có những tính năng cơ bản và an toàn cho người dùng, thay vì bạn chọn một phần mềm có phí phải bẻ khóa mà không an toàn. Tất nhiên nếu có điều kiện, tốt nhất bạn nên sử dụng phần mềm có bản quyền, được cập nhật thường xuyên có dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật đi kèm”, chuyên gia Bkav phân tích.
Trả lời cho thắc mắc của độc giả Văn Thông (Vĩnh Phúc) về việc có cần thiết sử dụng phần mềm diệt virus không khi hiện nay các hệ điều hành được tích hợp sẵn các công cụ bảo vệ, chuyên gia Bkav chỉ rõ: “Các phần mềm bảo mật được tích hợp sẵn trong hệ điều hành chỉ có khả năng bảo vệ cơ bản, không đủ để bảo vệ người dùng trước các tấn công mạng như tấn công qua email, qua lỗ hổng phần mềm hay tấn công APT. Các phần mềm tích hợp sẵn có thể giúp bảo vệ ban đầu khi người dùng mới mua máy tính và chưa kịp cài đặt phần mềm diệt virus chuyên dụng. Để bảo vệ toàn diện và lâu dài, người dùng vẫn cần phải trang bị phần mềm diệt virus chuyên nghiệp, có dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật đi kèm từ nhà sản xuất”.