Dự án Nghệ thuật trong rừng - Art in the Forest đã đạt mốc 5 năm trên con đường hiện thực hóa mong muốn đưa nghệ thuật đương đại đến gần hơn với công chúng. Cuối tháng 10 này, Art in the Forest tiếp tục trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của nhiều nhà điêu khắc đến từ các quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, nghệ sĩ thì đã có mặt ở Đại Lải từ nhiều tháng nay để chuẩn bị cho các tác phẩm của mình.
Art in the Forest 2019 với sự tham gia các nghệ sĩ đến từ các nước như Việt Nam, Nhật Bản, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Mỹ. Họ mang tới những tác phẩm hội hoạ và điêu khắc, qua bàn tay nghệ sĩ trên chất liệu gỗ và kim loại đã diễn tả tinh tế những góc nhìn của người nghệ sĩ về cuộc sống, về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.
Nhà điêu khắc Ariel Moscovici đến từ Pháp bên tác phẩm thu nhỏ của mình. |
Nhà điêu khắc Ariel Moscovici đến từ Pháp chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông được đến làm việc tại không gian nghệ thuật này. “Tôi rất vui vì được cùng làm việc với các nghệ sĩ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng tôi cùng nhau làm việc, đèo nhau bằng xe đạp đi ăn và cùng nhau chia sẻ về ý tưởng của mình. Ở Việt Nam lần này, tôi sáng tác tác phẩm “Giữa những khoảng cách” - sắp đặt 5 khối riêng biệt bằng kim loại với điểm giao thoa tạo thành đường đi bộ cho du khách trải nghiệm”, nhà điêu khắc Ariel chia sẻ.
Ông cho hay, trong cuộc sống, đôi khi chúng ta sẽ phải đứng giữa những lựa chọn, dừng lại hay đi con đường khác là quyết định ở mỗi người. “Tác phẩm của tôi sau khi trưng bày sẽ lắp hệ thống ánh sáng, khách tham quan vào, dựa vào luồng ánh sáng đó, họ có thể tự đưa ra quyết định của mình, rẽ lối này hay đi lối khác. Cuộc sống cũng vậy!”, hoạ sĩ người Pháp chia sẻ.
Nhà điêu khắc Mukai Katsumi bên những khối điêu khắc trên gỗ của mình. |
Tại không gian nghệ thuật này, 2 tác giả đến từ Nhật Bản đều có những cái nhìn mới lạ, họ có thể nghe được thanh âm từ lòng đất và màu của gió.
Nhà điêu khắc Mukai Katsumi (Nhật Bản) chia sẻ, ông có niềm đam mê bất tận với gỗ. “Tác phẩm của tôi mang tên Thanh âm của đất, tôi luôn lắng nghe từ lòng đất những thanh âm về cuộc sống. Tôi chọn chất liệu gỗ để thể hiện những điều tôi cảm nhận. Những khối gỗ được tôi đục đẽo không giống nhau, bởi, giống như cái cây ấy, không một cây nào lớn lên từ lòng đất mà quá trình sinh trưởng lại giống nhau cả. Tuỳ vào điều kiện mà nó có thể nghiên bên này, đổ bên kia. Có cái cây còn bị đục ở giữa. Con người và thiên nhiên dường như có cùng một quy luật phát triển”, nhà điêu khắc Mukai Katsumi chia sẻ.
Nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại đến từ Nhật bên tác phẩm Màu của gió, anh chia sẻ, anh sẽ dùng chất liệu sơn otô để sơn tác phẩm của mình. Và lần này, anh dùng tới 100 màu pha lẫn nhau. |
Trong khi đó, nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại (đến từ Nhật, quốc tịch Việt Nam) cho biết, anh sống ở Nhất rất rất lâu rồi nhưng những nét văn hoá quê hương luôn luôn ám ảnh anh. Đặc biệt là sắc màu văn hoá Tây Nguyên bởi lúc nhỏ, anh đã cùng ba mẹ sống ở đó. “Chính vì thế, các tác phẩm của tôi rất nhiều người thắc mắc sao nhiều màu thế, là bởi, tôi đưa sắc màu của văn hoá Tây Nguyên vào. Tác phẩm lần này của tôi có tên Màu của gió. Gió có màu không? Nhiều người vặn hỏi tôi. Với tôi, nó có màu, nhiều màu lắm. Gió uốn cong ngọn cỏ, những giọt sương đọng lại trên đó khiến tôi mê mẩn. Thế nên với Màu của gió lần này, tôi chọn chất liệu thép uốn cong. Phàm những thứ gì cong cong nó có sức bật vô cùng tốt, có nội lực tiềm ẩn, tôi nghĩ vậy. Giống như con người, giống như vùng đất vậy”, nhà điêu khắc Đàm Đăng Lại chia sẻ.
Cụm tác phẩm "Sức mạnh vùng đất" - NĐK Đàm Đăng Lại tại Art In The Forest 2016. |
“Qua từng năm, bộ sưu tập nghệ thuật của Art in the Forest mỗi ngày một thêm dày. Nơi đây trở thành nơi lưu giữ tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại ở thời kỳ sung sức. Công việc lưu giữ này nhằm tiến đến mốc cuối cùng của chặng đường: Một bảo tàng nghệ thuật đương đại dành cho hội hoạ và một công viên điêu khắc ngoài trời với hàng trăm tác phẩm đại diện cho một giai đoạn xã hội phát triển. Mong muốn của chúng tôi là xây dựng nơi đây trở thành một điểm đến về văn hoá nghệ thuật, một địa chỉ mang tính giáo dục về thẩm mỹ dành cho bây giờ và mai sau.
Xây dựng dự án này, là chúng tôi muốn xây dựng nền móng cho những bước chân của con trẻ đang vang lên giữa bảo tàng tương lai, là tạo ra bằng chứng cho niềm tin của chúng tôi về vai trò không thể thiếu của nghệ thuật trong đời sống. Gắn theo đó, chúng tôi muốn gieo niềm hy vọng về khả năng lan tỏa như mạch nguồn chảy từ núi và tụ lại thành suối sông của nghệ thuật”, ông Vũ Hồng Nguyên - đồng sáng lập, giám tuyển Art in the Forest chia sẻ.
Art in the Forest sẽ khai mạc ngày 26/10 tới đây.
Tình Lê
Triển lãm nghệ thuật ấn tượng trong container giữa rừng thông
- Art in the forest - Summer 2019 mang tới hơi thở mới ấn tượng trong sáng tạo nghệ thuật.