Từ triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ trong những năm qua các địa phương ở tỉnh Kiên Giang đã xây dựng nhiều mô hình có hiệu quả kinh tế cao, có khả năng nhân rộng.
Thông qua thí điểm, các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế tích cực, được thị trường chấp nhận, mang lại giá trị thương phẩm và hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt các mô hình này có hơn 2.000 lao động học nghề, đã giải quyết việc làm gắn với phát triển hộ kinh tế gia đình.
Cụ thể như mô hình nuôi cá bống tượng, cá bống mú, nuôi rùa, rắn, kỳ đà ở huyện An Minh tạo thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/ người/ tháng.
Mô hình cá lồng bè ở huyện Kiên Hải và Kiên Lương đã nhân rộng 800 lồng, thu nhập bình quân 23-25 triệu đồng/bè/vụ.
Lao động nông thôn thoát nghèo nhờ học nghề (Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng) |
Mô hình nuôi tôm sú, trồng tiêu, trồng lúa chất lượng cao ở huyện Kiên Lương tạo thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài ra Kiên Giang cũng tổ chức đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trường cho tàu cá hạng 4 của ngư dân trong tỉnh.
Qua đào tạo nghề đã giúp ngư dân nắm vững nguyên tắc sử dụng, sửa chữa các thiết bị điện tử và máy móc trên tàu, sử dụng thành thạo thiết bị trong khai thác thủy sản, đọc các chi tiết về tọa độ, bản đồ, vùng nước.
Đặc biệt, sau học nghề ngư dân đã được cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng, hội đủ điều kiện tham gia khai thác, đánh bắt hải sản theo quy định.
Tuy nhiên, tỉnh Kiên Giang cũng nhìn nhận, từ năm 2016 đến 9 tháng năm 2018, các địa phương chưa lựa chọn được các mô hình điển hình về dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn có hiệu quả.
Đa phần dạy nghề theo nhu cầu lao động của người nông thôn, vẫn còn một số mô hình xây dựng còn mang tính bộc phát, hầu hết các mô hình còn gặp khó khăn lúng túng trong tiêu thụ sản phẩm.
L.Huyền