Hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức về việc có giãn hay không lộ trình thay đổi cách tính lương hưu áp dụng với lao động nữ.

Do đó, những ngày gần đây xuất hiện tình trạng gia tăng đột biến số người đi giám định sức khỏe để xin nghỉ hưu sớm tại các Trung tâm giám định sức khỏe, có địa phương tăng gấp 3 lần so với bình thường.

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Trước những bất cập trong việc thay đổi cách tính lương hưu từ 1/1/2018 theo khoản 2, điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội, nhiều người lao động nữ mong muốn được giãn lộ trình thực hiện như lao động nam.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ, áp dụng theo Luật BHXH 2014 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Tuy nhiên, kỳ họp đã kết thúc và vấn đề thay đổi cách tính lương hưu vẫn không được nêu ra khiến nhiều người băn khoăn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, trong Kỳ họp Quốc hội vừa qua, cũng có một số ý kiến liên quan đến việc thay đổi cách tính lương hưu.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu quốc hội, cử tri và phản ánh của người lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với BHXH Việt Nam báo cáo Chính phủ.

Chính phủ cũng đã họp và giao cho Bộ LĐ-TB&XH trình báo cáo Quốc hội về nội dung này.
Ông Nguyễn Duy Cường cho biết: “Bộ Trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng có báo cáo, đánh giá liên quan đến nội dung này và có đề xuất phương án với Quốc hội. Trong đó đề xuất phương án là áp lộ trình trong cách tính lương hưu của lao động nữ. Thực tế, theo khoản 2, điều 56, cách tính lương hưu đối với lao động nam đã có lộ trình, còn lao động nữ không có lộ trình. Do vậy, Chính phủ báo cáo sang Quốc hội có đề xuất phương án áp lộ trình để đảm bảo mức độ chênh lệch giữa người nghỉ hưu năm trước và năm sau không bị chênh quá lớn. Để sửa đổi hay điều chỉnh về các phương án liên quan tính lương hưu của lao động nữ thì phải đợi ý kiến của Quốc hội. Hiện tại Quốc hội chưa cho ý kiến nội dung này”.

Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 10/2017, đã giải quyết cho hơn 603.000 người hưởng trợ cấp BHXH một lần (tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2016).

Những ngày gần đây, một số địa phương có thông tin về việc lao động nữ đi giám định sức khỏe để xin nghỉ hưu sớm tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có con số chính thức.
Ông Phạm Lượng Sơn nói: “Chúng ta đều quan tâm tới quyền lợi của người lao động, cụ thể hơn là chính sách, cách tính tiền lương hưu, quyền lợi khi nghỉ hưu, nhất là đối với lao động nữ. Rõ ràng, chúng tôi đã từng phân tích, mổ xẻ vấn đề này, đã có kết luận được đưa ra, hình như có vấn đề cả về cơ chế, chính sách. Việc người lao động đi giám định sức khỏe tăng hơn không có gì lạ và chúng tôi đã có cảnh báo. Người lao động phải tính toán sao cho có lợi nhất”.
Theo quy định của Luật BHXH, từ 1/1/2018, nhiều lao động nữ sẽ hưởng lương hưu thấp hơn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 từ 5-10%.

(Theo VOV)