Ngày 5/9, các trường học trên cả nước đồng loạt tổ chức lễ khai giảng năm học mới. Theo dự kiến, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều lãnh đạo khác sẽ dự lễ khai giảng tại các trường học.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự lễ khai giảng Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội). 

Được thành lập từ năm 1917, với tên gọi Trường nữ sinh Đồng Khánh, ngôi trường duy nhất của miền Bắc dành riêng cho học sinh nữ, năm nay Trường THCS Trưng Vương tròn 100 tuổi. 

{keywords}
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự lễ khai giảng tại Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội). Ảnh: Lê Văn

Sau năm 1945,  Trường THCS Trưng Vương bắt đầu đào tạo cả nam và nữ. Nhiều tài nhà khoa học của Việt Nam đều là học sinh cũ của trường như giáo sư Hoàng Xuân Sính, nữ tiến sĩ khoa học ngành Toán học đầu tiên của Việt Nam; giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đàm Thanh Sơn; Giáo sư Lê Thi…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai giảng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự lễ khai giảng Trường THCS Lê Ngọc Hân (Tiền Giang) lúc 7h30 sáng 5/9. 

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã tới dự Lễ khai giảng năm học mới, đồng thời kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM.

Ông Nhân đã có nhiều chia sẻ sâu sắc với các thế hệ học trò, giáo viên của trường.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết ông rất tâm đắc với hai truyền thống của trường là đào tạo nhân tài và truyền thống cách mạng xả thân vì nước. Truyền thống này đã hình thành trong 90 năm qua và bây giờ đang được phát huy tại trường. "Vì vậy học sinh của trường hãy nhớ lấy hai truyền thống này là tới trường để học tập trở thành nhân tài cho quê hương và đến đây phải là những người con yêu nước" - ông Nhân nhắn nhủ.

{keywords}
Ông Nguyễn Thiện Nhân dự Lễ khai giảng tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM)

Ông Nhân cũng nhắc nhở học sinh hãy nhớ tới cụ Trần Đại Nghĩa, một học sinh giỏi của trường Pétrus Ký - tiền thân của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong.

“Cụ Trần Đại Nghĩa từng là học sinh của trường. Tôi biết tới câu chuyện của cụ do ba tôi kể lại vì ba tôi cũng từng là một học sinh của trường này. Ba tôi kể rằng khi có bài toán khó các bạn trong lớp giải không được, thầy giải cũng không xong thì gọi trò Trần Đại Nghĩa. Sau này, thầy giáo đã ghi chú vào học bạ cụ Trần Đại Nghĩa là một con người đặc biệt của toán học. 

Sau khi học ở trường này, cụ Trần Đại Nghĩa đã qua Pháp học tiếp. Trong chiến tranh thứ giới thứ hai, Đức đã bắt cụ tham gia làm tên lửa V2 - đó công nghệ cao nhất thế giới lúc bấy giờ. Khi trở về Việt Nam, bằng trí tuệ và công cụ của người Việt Nam, cụ đã chế tạo ra súng không giật, đạn Bazoka, súng SKZ…” - ông Nhân kể.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đặt những câu hỏi với các học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong rằng: "Ở đây có bao nhiêu học sinh đã tới Côn Đảo?", "Bao nhiêu học sinh đã tới Hà Nội?", "Bao nhiêu học sinh đã tới Yên Tử?"..., đồng thời khuyên học sinh nên dành thời gian tới những địa điểm này.

“Các em hãy tới Côn Đảo để biết sự hi sinh, ý chí của người Việt Nam. Côn Đảo cũng là nơi cụ Lê Hồng Phong đã mất. Mỗi lúc chúng ta tổ chức khai giảng ngày 5/9, hãy nhớ tới cụ Lê Hồng Phong đã mất vào ngày 6/9/1942 - đúng ngày sinh nhật cụ. Các em cũng nên ra Hà Nội để biết Thủ đô mình ra sao, biết nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập như thế nào, nơi các triều đại Việt Nam đã dựng nước và giữ nước. Các em cũng phải tới Yên Tử - Quảng Ninh là nơi đã diễn ra những trận Bạch Đằng lịch sử, nơi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng đi tu nhưng là để góp phần dựng nước”.

Vị Bí thư TP.HCM cho rằng rằng hiện nay hội nhập quốc tế rất mạnh và các báo đài hay nói tới công dân toàn cầu, nhưng ông chỉ đồng ý một nửa.

{keywords}

Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM)

“Công dân toàn cầu phải sống và giao lưu tốt, nhưng công dân toàn cầu cũng phải có quê hương. Chúng ta là người Việt Nam, có quê hương mới tạo ra động lực để trở thành công dân toàn cầu tốt. Và chỉ khi có quê hương mới muốn bảo vệ quê hương, bởi mỗi bước chúng ta đi đều thấm máu và mồ hôi của thế hệ trước”.

Ông Nhân nhắn nhủ: “Hiện nay, chúng tôi là những người tuổi đã lớn tuổi nhưng được Đảng, Nhà nước cho làm việc. Chúng tôi sẽ noi gương những người đi trước. Còn các em, chỉ còn 28 năm nữa sẽ tới năm 2045, kỷ niệm 100 nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, lúc đó các em là những người chủ trì xây dựng đất nước. Các em hãy tự hào về nhà trường, về đất nước Việt Nam và hãy biến điều mình muốn thành hiện thực”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ khai giảng với thầy và trò Trường Tiểu học Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội.

Tại đây, phần lễ diễn ra trong vòng 15 phút với nghi thức chào cờ, nghe đọc thư của Chủ tịch nước gửi các cháu học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo cả nước, hiệu trưởng đánh trống khai trường.

Tiếp đó là phần hội một số tiết mục văn nghệ và trò chơi dân gian đã thu hút học sinh và cả phụ huynh tham gia trong không khí náo nhiệt, sôi động.

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Hiệu trưởng trường tiểu học Ngọc Hà cho biết trong 3 năm gần đây thời gian diễn ra lễ khai giảng đã được rút ngắn nhiều. Học sinh không mất thời gian để tập luyện trước lễ khai giảng.

Sau buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi ngắn với hiệu trưởng, trưởng ban phụ huynh và một số phụ huynh học sinh của trường.

Nhận xét lễ khai giảng đã ngắn gọn, lấy học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 1 làm trung tâm, Phó Thủ tướng mong rằng tinh thần tất cả vì học sinh tân yên thực sự thấm sâu trong mọi việc từ những điều nhỏ nhất.

Nhân đây, Phó Thủ tướng đã “đặt hàng” Nhà trường và Hội phụ huynh từ sang năm thay vì để các cháu học sinh đứng vẫy cờ chào đại biểu thì các thầy cô, phụ huynh sẽ đứng đón học sinh, học sinh lớp lớn đón học sinh lớp 1.

“Đại biểu thay vì ngồi hàng ghế đầu, có bàn, phía trước thì ngồi sau, xung quanh các cháu học sinh”, Phó Thủ tướng nói.

Các thầy cô giáo, phụ huynh rất hoan nghênh “đơn hàng” và mời Phó Thủ tướng năm sau đến “nghiệm thu” lễ khai khai giảng của trường tiểu học Ngọc Hà.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hội phụ huynh phối hợp chặt chẽ với Nhà trường để rèn luyện các cháu, “uốn các mầm non mọc thẳng” ngay từ khi non bé. Đặc biệt là dạy các cháu lễ phép, tự lập, yêu lao động như “Năm điều Bác Hồ dạy”…

Ông Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ dự lễ khai giảng Trường THPT Võ Văn Kiệt (TP.HCM).

Dưới đây là một số hình ảnh trong lễ khai giảng của Trường THPT Võ Văn Kiệt.


Hải Phòng: 400.000 học sinh dự ngày khai trường.

Ngày 5/9, hơn 400.000 học sinh các bậc học của Thành phố Hải Phòng chính thức bước vào năm học 2017-2018.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, năm học này ngành giáo dục đào tạo thành phố vẫn còn nhiều trăn trở và công việc cần phải giải quyết. 

Cụ thể, đó là những hạn chế, yếu kém trong công tác phát triển đội ngũ nhân lực, việc dạy và học ngoại ngữ cũng như công tác bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi quốc gia, quốc tế...

Theo ông Trường, trong năm học 2017-2018 sẽ tập trung đi sâu vào công tác nâng cao năng lực của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và tăng cường công tác khảo thí, kiểm định chất lượng giáo dục của cán bộ. Đây được coi là những giải pháp có tính then chốt.

Các trường học, đơn vị giáo dục sẽ thực hiện rà soát, sắp xếp lại nhân lực phù hợp với vị trí chuyên môn và việc làm. Đối với những cán bộ, giáo viên không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, Sở sẽ tiến hành điều động, bố trí công việc khác hoặc thực hiện tinh giản biên chế theo quy định. 

Các trường học tại Hải Phòng năm nay tổ chức lễ khai trường đơn giản, gọn nhẹ. Vì thời gian tổ chức ngắn lên nhiều phụ huynh đã nán lại dự lễ cùng con em, khiến cho không khí thêm đông vui và ý nghĩa.

Nhiều lãnh đạo khác cũng dự lễ khai giảng năm học mới tại các trường như bà Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội dự lễ khai giảng Trường THPT Con Cuông (Nghệ An).

Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, dự lễ khai giảng Trường THPT dân tộc nội trú huyện Mường La (Sơn La).

Ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ dự lễ khai giảng Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQG HN (Hà Nội).

Ông Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự lễ khai giảng Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Phúc).

Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ dự lễ khai giảng Trường THPT Chuyên Lương Ngọc Quyền (Thái Nguyên).

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBTƯMTT Việt Nam dự lễ khai giảng Trường THPT Tầm Vu (An Giang).

Năm học 2017-2018, quy mô bậc mầm non là hơn 5,085 triệu trẻ (gồm 680 nghìn trẻ nhà trẻ và 4,5 triệu trẻ mẫu giáo); giáo dục tiểu học là 7,801 triệu học sinh, THCS 5,325 triệu học sinh và THPT là 2,477 triệu học sinh.

Các trường cao đẳng sư phạm và các trường đại học có quy mô khoảng 1,753 triệu sinh viên.

Năm học 2016-2017, số lượng giáo viên mầm non trên cả nước là 316,616 giáo viên, trong đó khu vực đồng bằng song Hồng có số lượng giáo viên mầm non lớn nhất với 97.822 giáo viên.

Số giáo viên bậc tiểu học là 397,098 giáo viên, trong đó khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung lớn nhất với 87,059 giáo viên. Tương tự ở bậc THCS và THPT, khu vực này cũng có số lượng giáo viên lớn nhất cả nước, lần lượt là 73,893 giáo viên và 36,796 giáo viên.

Số lượng giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học là 12.507 giáo viên, Thạc sĩ là 43.065 giáo viên, Tiến sĩ là 16.514 giáo viên, chuyên khoa 1 và 2 là 557 người.

Tổng số trường đại học công lập và ngoài công lập của năm 2016-2017 là 235 trường, với hơn 1,767 triệu sinh viên và gần 73 nghìn giảng viên.

Lê Huyền - Nguyễn Thảo - Thu Hằng - Clip: Văn Châu