|
Có gần 4000 lượt người dân được đào tạo cách sử dụng máy tính qua dự án “Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam”. Ảnh: LÊ MỸ |
Ngày 21/10, Hội nghị Tổng kết Dự án “Thí điểm nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, đại diện các Sở TT&TT, doanh nghiệp….
Đây là Dự án đầu tiên thuộc chương trình Thư viện toàn cầu tài trợ cho Việt Nam và cũng là Dự án đầu tiên tài trợ ở châu Á của Quỹ Bill &Melinda Gates. Tiến hành tại 99 điểm thư viện và Bưu điện văn hoá xã (BĐVHX) thuộc 3 tỉnh Thái Nguyên, Nghệ An và Trà Vinh, Dự án được triển khai từ tháng 2/2009 đến hết tháng 7/2010, song được kéo dài thêm 6 tháng (đến hết tháng 1/2011), để có thời gian chuẩn bị cho công tác đề xuất Dự án mở rộng và tiến hành các thủ tục cần thiết.
Dự án thí điểm đã trang bị cho mỗi tỉnh 235 máy tính, 33 máy in, modem ADSL cùng các trang thiết bị mạng LAN và phụ trợ... Thông qua Dự án thí điểm, đã có gần 4.000 lượt người dân thuộc các nhóm đối tượng khác nhau được đào tạo cách sử dụng máy tính và truy cập Internet...
Nhiều kinh nghiệm thực tế
Dự án thí điểm được xác định là “bước đệm” mang lại nhiều kinh nghiệm thực tế để triển khai thành công Dự án mở rộng tiếp theo với quy mô lớn hơn nhiều lần. Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành và các đại biểu đều cho rằng Dự án thí điểm là một dự án liên ngành, liên bộ, liên địa phương, liên doanh nghiệp nên công tác điều phối, phối hợp rất quan trọng. Việc thiết kế quản lý dự án phải khoa học, hiệu quả, có sự tham gia của các cấp địa phương.
Một kinh nghiệm được rút ra cho Dự án mở rộng là vai trò của cán bộ thư viện và BĐVHX rất quan trọng với sự thành công của dự án. Ông Phan Hữu Phong, Giám đốc Ban Quản lý Dự án thí điểm cho biết, thực tế tại những điểm có nhân viên năng động, sáng tạo, chịu khó đã thu hút được đông đảo người dân đến với dự án.
Là một doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào Dự án thí điểm, ông Đỗ Ngọc Bình, Tổng giám đốc VNPost, đã chia sẻ nhiều ý kiến về việc đưa Internet về nông thôn. Hơn nữa, ông Bình cho biết hồi năm 2003, VNPT từng triển khai chương trình đưa máy tính về các BĐVHX để phục vụ cộng đồng nhưng chưa thành công. Theo ông, nếu triển khai mở rộng, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra. “Kinh nghiệm của chúng tôi là chất lượng đường truyền dù là băng rộng vẫn rất kém, vì thế phải triển khai theo vết dầu loang, điều tra kỹ, kể cả hạ tầng cung cấp đường truyền viễn thông”, ông Bình nói. “Mua sắm trang thiết bị cũng phải thích hợp và phù hợp với điều kiện, ví dụ cấu hình máy tính lớn quá, hoặc trang thiết bị quá “xịn” so với yêu cầu thực tế, sẽ tăng chi phí dự án”.
Nhu cầu thông tin của người dân nông thôn không chỉ đơn thuần là truy cập Internet với những thông tin sẵn có mà phải là những thông tin chuyên biệt. Vì thế, ông Bình cho rằng nếu triển khai đại trà, lượng người truy cập lớn, nếu không đầu tư chi phí xây dựng nội dung chuyên biệt, hiệu quả sẽ kém. “Vấn đề này một mình Bộ TT&TT hay VNPT không thể làm được, mà phải có sự phối hợp của nhiều Bộ ngành, làm sao đảm bảo thông tin có định hướng, đầy đủ cho người dân”. Đây cũng là một nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị. Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Đức Lai cũng đánh giá Dự án “còn kém về nội dung, mặc dù ngay từ đầu đã đặt vấn đề đưa một số nội dung chuyên nghiệp lên website nhưng vẫn chưa tốt”.
Cần tiếp tục duy trì các hoạt động
Duy trì hoạt động sau khi Dự án kết thúc là một vấn đề rất quan trọng. Để đảm bảo tính bền vững cho Dự án, ông Phan Hữu Phong đã đề nghị lãnh đạo các Bộ TT&TT, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp và các chính quyền địa phương 3 tỉnh, cũng như cán bộ nhân viên tại 99 điểm tiếp tục phát triển, duy trì hoạt động. Đồng thời, kiến nghị VNPT tiếp tục hỗ trợ các điểm BĐVHX giảm 50% cước truy cập Internet, Viettel tiếp tục hỗ trợ 100% giá cước cho các thư viện trong dự án đến tháng 1/2011, đảm bảo tính bền vững của dự án. Đồng thời, nếu có Dự án mở rộng thì VNPT và Viettel cũng có kế hoạch lắp đặt và chính sách giảm cước ADSL và truy cập Internet cho gần 2000 điểm của dự án mở rộng.
Là đại diện của doanh nghiệp, ông Bình cho rằng việc Viettel và VNPT giảm cước và cam kết nếu triển khai Dự án mở rộng sẽ tiếp tục hỗ trợ “vẫn là câu chuyện hảo tâm”. Vì thế, theo ông Bình, để bền vững, cần có cơ chế tài chính, các bài toán chi phí vận hành cần được tính đến.
Thứ trưởng Trần Đức Lai cũng chỉ đạo trên cơ sở kết quả Dự án thí điểm, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, cán bộ thư viện và BĐVHX cần tiếp tục duy trì hoạt động để chứng minh tính bền vững của dự án. Về phần Chính phủ cũng sẽ có chiến lược phát triển. “Hiện nay Quỹ Bill&Melinda Gates cũng đã cam kết tiếp tục tài trợ, song còn có những khó khăn nên đang phải tiếp tục đàm phán”, Thứ trưởng nói. Ban Quản lý dự án thí điểm cũng đang tiến hành các đề xuất và thủ tục cho Dự án mở rộng. Dự kiến sẽ có 1.500 điểm BĐVHX và 400 thư viện tỉnh, huyện tại 40 tỉnh trong cả nước được đầu tư, trong thời gian 5 năm từ 2011-2015. Tổng chi phí ước tính cho dự án mở rộng là trên 50 triệu USD.
Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 127 ra ngày 22/10/2010.