Sau hơn 2 năm triển khai Quyết định số 06 ngày 6/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Giang (gọi tắt là Đề án 06), có thể nhận thấy Đề án đã đạt được những kết quả tích cực: Nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên về chuyển đổi số (CĐS) đã được nâng lên; hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp và công tác cải cách hành chính phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương đã được tăng cường.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại một số hạn chế, đó là tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm, nhiều chỉ số đạt thấp. Đặc biệt, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác CĐS và nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế; chất lượng hạ tầng CNTT, đường truyền tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến chưa ổn định.
Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực bắc, địa hình bị chia cắt mạnh, dân cư sinh sống rải rác không tập trung. Tại Hà Giang, nhiều thôn bản người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, nhiều khu vực trắng sóng điện thoại, nhiều người dân chưa bao giờ sử dụng điện thoại. Thậm chí, có những người già, phụ nữ sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không biết khai thác các tính năng của chiếc điện thoại thông minh.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Viễn thông Hà Giang nhấn mạnh, tôi cho rằng chúng ta cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng để đảm bảo các thôn vùng sâu, vùng xa có sóng di động 4G cũng như tăng tỉ lệ thuê bao internet tới các hộ gia đình để người dân có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ viễn thông, CNTT.
Xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên có 8 thôn, trong đó có 4 thôn vùng thấp và 4 thôn vùng cao có địa hình đồi núi dốc, giao thông đi lại khó khăn, nhất là về mùa mưa, dân cư sống rải rác. Thôn Nặm Tẹ, xã Phương Tiến, nằm cách trung tâm xã cũng chỉ 7 km, mặc dù trạm phát sóng điện thoại BTS đã được lắp đặt từ lâu thế nhưng nhiều vị trí, nhiều nhóm hộ vẫn trong vùng lõm của sóng điện thoại.
Huyện Yên Minh có 17 xã và 1 thị trấn với tổng số 282 thôn xóm, tổ dân phố, dân số là trên 97.500 người. Mặc dù thời gian qua, công tác CĐS nói chung và việc triển khai Đề án 06 nói riêng đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhiều chỉ số đạt cao so với đề án đặt ra như: tỉ lệ xử lý hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 98,07%; tỉ lệ người dân sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh thay thế thẻ BHYT đạt 99% (chỉ tiêu giao là 80%). Tuy nhiên vẫn còn nhiều chỉ tiêu giao đạt thấp do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan
Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Minh - ông Nguyễn Văn Việt, cho biết, do trình độ dân trí không đồng đều, đặc biệt là ở một số thôn vùng sâu, vùng xa trình độ dân số, sự tiếp cận về CNTT còn hạn chế. Chính vì thế việc thực hiện các dịch vụ công đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng còn hạn chế.
Sau hơn 2 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh cũng còn có nhiều tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến tiến độ cũng như mục tiêu của Đề án đưa ra. Tính đến cuối tháng 6/2024, Hà Giang còn 155 thôn tương ứng với khoảng hơn 11.000 hộ dân sinh sống tại khu vực đặc biệt khó khăn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, 36 thôn chưa có sóng điện thoại viễn thông, nhiều khu vực trên địa bàn toàn tỉnh chất lượng phủ sóng còn thấp, chưa ổn định.
Thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng số của nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân thì các địa phương cũng đã có kế hoạch trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, đặc biệt là tuyên truyền để nâng cao sự chủ động của người dân trong công tác CĐS để xây dựng thành công một xã hội số với những công dân số, chính quyền số và nền kinh tế số theo mục tiêu của Đề án 06 đã đề ra. Những tháng cuối năm 2024, Hà Giang sẽ tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về vai trò, tầm quan trọng của Đề án 06. Ưu tiên nguồn lực cho đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.